Dịch thuật: "Hung Nô vị diệt, hà dĩ gia vi" câu này ai nói

“HUNG NÔ VỊ DIỆT, HÀ DĨ GIA VI” CÂU NÀY AI NÓI

          Hung Nô vị diệt, hà dĩ gia vi 匈奴未灭, 何以家为 (Hung Nô chưa diệt thì nhà để làm gì?) là câu nói nổi tiếng của quân sự gia trứ danh Hoắc Khứ Bệnh 霍去病. Theo truyền thuyết, có một lần Hoắc Khứ Bệnh thắng trận trở về, Hán Vũ Đế 汉武帝đích thân nghinh tiếp đồng thời muốn xây cho Hoắc Khứ Bệnh phòng ốc tinh mĩ, Hoắc Khứ Bệnh nói rằng:
          - Hung Nô chưa triệt để tiêu diệt thì cần nhà để làm gì?
Câu đó đã biểu đạt trong lòng ông chỉ có tình cảm cao thượng về đất nước. Thế thì chiến công của Hoắc Khứ Bệnh trong lịch sử như thế nào?
          Hoắc Khứ Bệnh là cháu gọi Vệ Thanh 卫青 bằng cậu, ham thích cưỡi ngựa bắn cung, giỏi chạy đường dài. Con người Hoắc Khứ Bệnh trầm mặc ít nói, nhưng rất có khí phách, dám làm dám chịu. Năm 18 tuổi, Hoắc Khứ Bệnh tòng quân, đích thân dẫn một tiểu đội tập kích đại bản doanh Hung Nô, giết chết tổ phụ của Thiền vu Hung Nô, bắt tướng quốc và thúc phụ của Thiền vu, được phong là “Quán Quân Hầu” 冠军侯 (“Quán Quân” 冠军 là đứng đầu, thời cổ thường đem xưng hiệu này phong cho tướng lĩnh có chiến công hiển hách nhất). Hoắc Khứ Bệnh công không trận nào là không thắng, chiến không trận nào là không thắng. Năm 121 trước công nguyên, Hoắc Khứ Bệnh trẻ tuổi làm Nguyên soái, dẫn quân xuất chinh Hung Nô. Bôn tập trong sa mạc mênh mông ngàn dặm. quét sạch cường địch. Về sau, Hoắc Khứ Bệnh với một ít quân lại thâm nhập tại núi Kì Liên 祁连 giết hơn 3 vạn quân địch, Hung Nô không thể không rút lui về mạc bắc. Triều Hán thu phục bình nguyên Hà Tây 河西. Hung Nô từng dũng mãnh không ai bằng than rằng:
Vong ngã Kì Liên sơn, sử ngã lục súc bất phiền tức
Thất ngã Yên Chi sơn, sử ngã phụ nữ vô nhan sắc
亡我祁连山使我六畜不蕃息
失我焉支山使我妇女无颜色
(Mất đi núi Kì Liên, khiến lục súc của ta không thể sinh sôi
Mất đi núi Yên Chi, khiến cho các cô gái của ta không còn nhan sắc)
          Năm 119 trước công nguyên, triều Hán quyết chiến với Hung Nô, Hoắc Khứ Bệnh thống lĩnh đại quân vượt đại mạc, truy kích quân Hung Nô hơn 2000 dặm, đến dưới núi Lang Cư Tư 狼居胥, đồng thời cử hành nghi thức tế Thiên to lớn, lập bia kỉ niệm. Trong một bài từ của Tân Khí Tật 辛弃疾 có câu:
Nguyên Gia thảo thảo, phong Lang Cư Tư, doanh đắc thương hoàng bắc cố (1).
元嘉草草, 封狼居胥, 赢得仓皇北顾
          (Nguyên Gia khinh suất, muốn như Hoắc Khứ Bệnh phong Lang Cư Tư, nhưng bị tổn thất nặng nề)
Lời từ miêu thuật lại sự tích Hoắc Khứ Bệnh oai dũng đến núi Lang Cư Tư. Sau trận chiến đó, Hung Nô chia làm 2 chi nam và bắc, không còn đủ năng lực để tiến hành tấn công triều Hán đại quy mô, biên cảnh phương bắc mấy chục năm không phát sinh chiến tranh.
          Hoắc Khứ Bệnh kích phá Hung Nô, không chỉ dẹp trừ được sự uy hiếp biên cảnh phương bắc, mà còn mở rộng cương vực của triều Hán.

Chú của người dịch
1- Nguyên Gia thảo thảo 元嘉草草: Nguyên Gia 元嘉 là niên hiệu của Lưu Nghĩa Long 刘义隆 con của Lưu Dụ 刘裕 triều Tống thời Nam Triều. Lưu Nghĩa Long ham lập công lớn, vội vã bắc phạt. Bắc Nguỵ chủ là Thác Bạt Đạo 拓拔焘nhân cơ hội đó, dùng tập đoàn kị binh tiến xuống phía nam. Lưu Nghĩa Long vì khinh suất nên bị tổn thất nặng nề.
Phong Lang Cư Tư 封狼居胥: năm 119 trước công nguyên (niên hiệu Nguyên Thú 元狩 thứ 4 đời Hán Vũ Đế 汉武帝) Hoắc Khứ Bệnh viễn chinh Hung Nô, giết hơn 7 vạn quân địch, phong núi Lang Cư Tư rồi quay về.
          “Phong Lang Cư Tư” nguyên chỉ việc Hoắc Khứ Bệnh lên núi Lang Cư Tư đắp đàn tế trời để cáo thành công, sau dùng để chỉ việc kiến lập võ công hiển hách. Về sau “phong Lang Cư Tư” trở thành một trong những vinh dự tối cao của võ tướng dân tộc Hoa Hạ.

                                                              Huỳnh Chương Hưng
                                                              Quy Nhơn 19/02/2020

Nguyên tác Trung văn
Trong quyển
THÚ VỊ VĂN HOÁ TRI THỨC ĐẠI TOÀN
趣味文化知识大全
Thanh Thạch 青石 biên soạn

Trung Quốc Hoa kiều xuất bản xã, 2013
Previous Post Next Post