Dịch thuật: Từ khi nào từ "vạn tuế" chuyên xưng chỉ hoàng đế

 TỪ KHI NÀO TỪ “VẠN TUẾ”  CHUYÊN XƯNG CHỈ HOÀNG ĐẾ

          Trên truyền hình chúng ta thường thấy các đại thần khi xưng tụng hoàng đế hô to “vạn tuế” 万岁. Trong xã hội phong kiến Trung Quốc, từ “vạn tuế” là đại danh từ chỉ kẻ thống trị tối cao. “Vạn tuế” là xưng vị chuyên dùng cho hoàng đế, trừ hoàng đế ra, không ai dám liên hệ bản thân mình với “vạn tuế”. Truyền thuyết kể rằng, đại thần Khấu Chuẩn 寇准 thời Bắc Tống xuất hành, trên đường gặp phải một người bị tâm thần “nghinh mã hô vạn tuế”, việc đó bị kẻ thù của Khấu Chuẩn dâng thư tố cáo, kết quả Khấu Chuẩn bị bãi miễn chức vị Đồng tri xu mật viện sự 同知枢密院事, giáng đi Thanh Châu 青州nhậm chức Tri Châu 知州. Ngay cả quyền thần khuynh loát cả trong triều ngoài nội là đại hoạn quan Nguỵ Trung Hiền 魏忠贤 triều Minh cũng chỉ dám dùng “cửu thiên tuế” 九千岁. Có thể thấy, xưng vị “vạn tuế” được “vạn tuế gia” độc chiếm, người bình thường tuyệt đối không thể sử dụng xưng vị này. Thế thì, từ lúc nào từ “vạn tuế” được dùng làm từ chuyên xưng cho hoàng đế?
          Theo sự khảo chứng của các học giả, từ “vạn tuế” vốn không phải chuyên chỉ hoàng đế. Từ xa xưa, “vạn tuế” chỉ là từ hoan hô biểu thị sự vui mừng và chúc tụng của mọi người. Thời Tây Chu, thời Xuân Thu, người ta thường dùng “vạn niên vô cương” 万年无疆, “mi thọ vô cương” 眉寿无疆 để làm từ ca tụng và ngữ chúc phúc, biểu thị sự vui mừng và sự chúc phúc giữa mọi người. Như trong bộ tổng tập thi ca sớm nhất của Trung Quốc là Thi kinh 诗经, trong đó có những câu như:
Tề (1) bỉ công đường
Xưng bỉ tự quang
Vạn thọ vô cương
(1) 彼公堂
称彼兕觥
万寿无疆
(Bước lên miếu đường của chủ nhân
Nâng chén rượu làm bằng sừng con tự
Cùng hô vang chúc sống thọ vô cùng)
“Vạn thọ vô cương” ở đây là lời hoan hô chúc mừng của mọi người sau khi trải qua một năm làm việc cực nhọc, cử hành nghi thức chúc mừng nâng li vui uống. Ngoài ra trong kim văn thời Tây Chu cũng có rất nhiều văn tự loại như thế, như:
          Duy Hoàng tôn tử hệ quân Thúc Đan tự tác đỉnh, kì vạn niên vô cương, tử tôn vĩnh bảo hưởng.
          唯黄孙子系君叔单自作鼎, 其万年无疆, 子孙永保享
          (Người cháu đầu tiên được kế phong sau khi nước Hoàng bị diệt là Thúc Đan chế tạo đỉnh này, nó tồn tại vạn năm không giới hạn, con cháu đời sau vĩnh viễn hưởng dụng nó)
Lúc bấy giờ cũng không dùng để ca tụng thiên tử, chỉ biểu thị ý là truyền nó cho con cháu đời sau. Theo sự phát triển của thời gian, về sau những tụng từ, chúc phúc ngữ này phát triển và giản hoá thành từ “vạn tuế”. Thời Chiến Quốc, mọi người vẫn còn sử dụng nhiều từ “vạn tuế”. “Vạn tuế” vẫn chưa trở thành tượng trưng cho thân phận, trên đến chư hầu vương, dưới đến bách tính để sử dụng. Nhưng từ “vạn tuế” lúc bấy giờ ở một số trường hợp khác nhau còn có ý nghĩa khác nhau. Thời kì này, “vạn tuế” có một ý nghĩa, tức huý xưng của chữ “tử” (chết). Như trong Chiến quốc sách 战国策 có ghi, Sở Vương lúc đi chơi ở Vân Mộng 云梦, ngửa mặt lên trời cười nói rằng:
Quả nhân vạn tuế thiên thu hậu, thuỳ dữ lạc thử hĩ?
寡人万岁千秋后, 谁与乐此矣
(Sau khi quả nhân vạn tuế thiên thu, thì ai có thể hưởng được lạc thú như thế này?)
          Theo sử thư ghi chép, Mạnh Thường Quân 孟尝君 từng phái môn hạ thực khách Phùng Huyên 冯谖, đi đến phong ấp Tiết (nay là phía nam Đằng Châu 滕州 Sơn Đông 山东) thu nợ. Nhưng một số dân nghèo quả thực không đủ sức để hoàn nợ, thế là Phùng Huyên bèn theo chủ trương của riêng mình, “nhân thiêu kì khoán, dân xưng vạn tuế” 因烧其券, 民称万岁 (nhân đó đem thiêu giấy nợ, dân hô vạn tuế). Có thể thấy “vạn tuế” lúc bấy giờ chỉ là loại hoan hô ngữ.
                                                                                 (còn tiếp)

Chú của người dịch
1- Trong nguyên tác in nhầm là chữ (tề)

                                                       Huỳnh Chương Hưng
                                                       Quy Nhơn 06/9/2019

Nguyên tác Trung văn
“VẠN TUẾ” HÀ THỜI DỤNG TÁC HOÀNG ĐẾ ĐÍCH CHUYÊN XƯNG
万岁何时用作皇帝的专称
Trong quyển
TRUNG QUỐC VỊ GIẢI CHI MÊ
中国未解之谜
Tác giả: Hải Tử 海子
Trung Quốc Hoa Kiều xuất bản xã, 2013 
Previous Post Next Post