Dịch thuật: Khảo thí khoa cử đời Tống

KHẢO THÍ KHOA CỬ ĐỜI TỐNG

          Khảo thí khoa cử đời Tống phát triển trên cơ sở khoa cử của đời Tuỳ đời  Đường.
          Hai vị quân chủ đời Tống rất coi trọng “khai khoa thủ sĩ” 开科取士. Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dận 赵匡胤 từng nói rằng:
Tích giả, khoa danh đa vị thế gia sở thủ, trẫm thân lâm thí, tận cách kì tệ hĩ.
昔者, 科名多为势家所取, 朕亲临试, 尽革其弊矣.
          (Ngày trước, khoa cử công danh đa phần chọn lấy con em thế gia, trẫm đích thân coi thi (điện thí), trừ bỏ hết những tệ đó.)
          Còn Tống Thái Tông Triệu Quang Nghĩa 赵光义, đối với khảo thí khoa cử, ông đã tiến hành nhiều cải cách, tăng thêm việc thu dụng số người. Trong 22 năm thống trị của ông, tổng cộng ông đã thu dụng 1457 Tiến sĩ, bình quân mỗi năm 66 người, gấp bội so với thời Đường và thời Thái Tổ. Người kế vị sau ông, đa phần giữ theo chế độ, khiến nhiều kẻ sĩ bần hàn thông qua khảo thí khoa cử trở thành nhân tài hữu dụng trong việc trị lí đất nước.
          Sự cải cách của Thái Tông biểu hiện chủ yếu ở 2 phương diện.
Đầu tiên, đề cao địa vị khảo thí khoa cử. Năm Thái Bình Hưng Quốc 太平兴国 thứ 2 đời Tống Thái Tông, ông đã đem toàn bộ tân Tiến sĩ nhậm mệnh làm quan ở kinh thành, có người kiêm nhậm thẩm phán các châu. Những vị Tiến sĩ này, không những khởi điểm cao mà còn thăng quan rất nhanh. Như Trạng nguyên Lữ Mông Chính 吕蒙正 năm đó, sau 11 năm đã nhậm chức Tể tướng, như theo lời của Thẩm Quát 沈括:
Nhất cử thủ đăng long hổ bảng
Thập niên thân đáo Phụng Hoàng trì
一举首龙虎榜
十年身到凤凰池
(Một khi thi đỗ có tên trên long hổ bảng
Thì sau mười năm đã đến được Phụng Hoàng trì)
(Phụng Hoàng trì 凤凰池 chỉ nơi Tể tướng làm việc).
          Có thể thấy, Lữ Mông Chính thăng quan rất nhanh. Triều Tống chia những người tiến nhập quan trường ra làm 3 loại: có xuất thân, không có xuất thân và tạp xuất thân. Có xuất thân tức chỉ Tiến sĩ xuất thân 进士出身, còn gọi là “từ nhân” 词人. Không có xuất thân tức chỉ những người nhân vì phụ thân làm quan mà được quan vị, còn gọi là “ấm bổ nhân” 荫补人. Tạp xuất thân tức ngoài thông qua khoa cử, ấm bổ ra, những quan viên xuất thân theo con đường phi chính thống, còn gọi là “tạp lưu” 杂流.
          Từ bổng lộc mà nói, quan viên không có xuất thân, tạp xuất thân mỗi lần tấn thăng được 1 cấp, quan viên có xuất thân mỗi lần có thể tấn thăng 2 cấp trở lên. Về việc thăng quan, quan viên có xuất thân cũng được thăng rất nhanh so với 2 loại kia.
          Một mục cải cách khác của Tống Thái Tông là chế độ khảo thí nghiêm mật. Ông cực lực phản đối sự cạnh tranh giữa con em nhà quyền thế với con em nhà bần hàn. Ông từng bãi bỏ tư cách 4 con em của cao quan là Tể tướng Lí Phưởng 李昉, Tham tri chính sự Lữ Mông Chính 吕蒙正 để bảo đảm tính công bằng trong việc khảo thí khoa cử, ngăn chận hiện tượng tệ đoan phát sinh. Ông còn từng thiết lập “biệt thí” 别试, “toả viện” 锁院, “di phong” 弥封, rất hữu hiệu trong việc phòng ngừa tệ nạn.
“Biệt thí” 别试 cũng gọi là “biệt đầu thí” 别头试, tức phàm là thân bằng cố cựu của khảo quan tham gia khảo thí đều phải đến một nơi khác, do những vị khảo quan khác không có quan hệ gì với họ đơn độc tiến hành khảo thí.
          “Toả viện” 锁院 là để chủ khảo quan đến Cống viện. Trước khi kết thúc kì khảo thí, việc ăn ở tiêu dùng của khảo quan đều tại Cống viện, không được ra ngoài để phòng ngừa phát sinh sự việc nhờ cậy hoặc nhận hối lộ.
          “Di phong” chính là “hồ danh” 糊名, đem quê quán, họ tên của người dự thi dán lại, khiến khảo quan không biết người dự thi là ai. Sau đó áp dụng phương pháp “dự lục” 誉录, tổ chức một nhóm nhân lực có chuyên môn đem toàn bộ quyển thi sao lại, đưa bản sao đó cho khảo quan bình duyệt, tránh việc khảo quan có thể “án đồ sách kí” 按图索骥 (dựa theo hình vẽ mà tìm ngựa hay).
          Tống Thái Tông từng tự hào nói rằng:
Trẫm vu sĩ đại phu vô sở phụ.
朕于士大夫无所负
(Trẫm không phụ bạc đối với sĩ đại phu)
          Câu nói này đúng là danh hợp với thực. Do bởi Tống Thái Tông coi trọng việc tuyển chọn nhân tài, kỉ luật khảo thí nghiêm mật nên đã xuất hiện nhiều con em xuất thân “canh độc chi gia” 耕读之家.
Lực sắc thâu công thượng
Tàng thư giáo tử tôn
力穑输公上
藏书教子孙
(Ra sức cày cấy chẳng bằng làm quan tại triều
Tích chưa sách vở để dạy con cháu)
Chính là nhiều thương nhân cũng đã chi tiền ra cho con em đi học, bởi họ biết rằng: người thi đỗ chẳng mấy năm sẽ được hiển quý.

                                                          Huỳnh Chương Hưng
                                                          Quy Nhơn 09/8/2019

TRUNG HOA THƯỢNG HẠ NGŨ THIÊN NIÊN
中华上下五千年
Chủ biên: Lí Tinh 李晶
Nam Kinh đại học xuất bản xã, 2007
Previous Post Next Post