Dịch thuật: "Chu Dịch bản nghĩa"


CHU DỊCH BẢN NGHĨA”
Sự phát huy của Nghĩa lí phái

          Chu Dịch bản nghĩa 周易本义 là trứ tác của Chu Hi 朱熹 thời Nam Tống. Chu Hi (1130 – 1200), tự Nguyên Hối 元晦, hiệu Hối Am 晦庵, khi mất có thuỵ là Văn , người đời gọi ông là Chu Văn Công 朱文公. Chu Hi là tập đại thành của Lí học, ông cho rằng lí tức thái cực, lí là căn bản của vũ trụ, có lí sau đó mới có khí. Chu Hi tôn sùng Dịch học 易学của họ Trình , lấy Dịch học của Nghĩa lí phái义理 làm chính tông, hấp thu bộ phận quan điểm của Tượng số phái 象数派, tiến hành tổng kết mang tính phê phán đối với Dịch học. Trứ tác về Dịch học của Chu Hi có:
          - Dịch học khải mông 易学启蒙
          - Thái cực thông thư giải 太极通书解
          - Thái cực đồ thuyết giải太极图说解
          - Chu Dịch bản nghĩa周易本义là tác phẩm đại biếu của ông.
          Chu Dịch bản nghĩa có 12 quyển, thượng hạ kinh 2 quyển, thập dực 10 quyển. Sách lấy tên “bản nghĩa” 本义, ý tại truy cầu ý nghĩa nguyên lai của Chu Dịch 周易, từ giác độ bốc phệ mà luận Dịch, ra sức cầu đơn giản rõ ràng, giảm bớt xuyên tạc. Chu Hi nhận định rằng, bộ Cổ Chu Dịch 古周易do Lữ Tổ Khiêm 吕祖谦khảo đính là đáng tin nhất, cho nên lấy đó làm bản gốc. Tiết Tuyên 薛瑄trong Độc thư lục 读书录 nói rằng:
          Chu Tử “bản nghĩa”, y cổ Dịch thứ tự, tự vi nhất thư, bất dữ Trình truyện tạp, tối khả kiến tượng chiêm bốc phệ giáo nhân chi bản ý. Hậu Nho trích dĩ phụ Trình truyện chi thứ, thất Chu Tử chi ý.
          朱子本义”, 依古易次序, 自为一书, 不与程传杂, 最可见象占卜筮教人之本意. 后儒摘以附程传之次, 失朱子之意.
          (“Bản nghĩa” của Chu Tử y theo thứ tự của bản Dịch cổ, tự thành sách riêng, không pha tạp phần truyện của họ Trình, có thể thấy bản ý dùng tượng chiêm bốc phệ để dạy cho mọi người. Hậu Nho đã trích lấy phụ vào thứ tự phần truyện  của họ Trình, làm mất đi ý của Chu Tử.)
          Chu Hi muốn gỡ những lộn xộn rối rắm từ kinh chú của Chu Dịch, lấy thái độ chân thực chất phác để giải thích Chu Dịch, như chữ (hanh) của hào từ, các nhà chú giải có nhiều cách chú sớ, trong Chu Dịch bản nghĩa thì cho rằng: (hanh) có nghĩa là 亨献 (hanh hiến).
          Phần trước của sách có Hà đồ 河图, Lạc thư đồ 洛书图, Phục Hi bát quái thứ tự đồ 伏羲八卦次序图. Chu Hi cho rằng, từ Phục Hi trở về trước đều không có văn tự, chỉ có đồ hoạ.
          Chu Dịch bản nghĩa 周易本义 lưu truyền rất rộng. Khoảng niên hiệu Hàm Thuần 咸淳 triều Tống, Đổng Khải Dục 董楷欲đã đem Y Xuyên Dịch truyện 伊川易传, với Chu Dịch bản nghĩa 周易本义 hợp lại san khắc. Tứ khố toàn thư 四库全书 cũng thu thập sách này.

                                                                Huỳnh Chương Hưng
                                                             Quy Nhơn 06/4/2019

Nguyên tác Trung văn
CHU DỊCH”
周易
Trong quyển
THẦN BÍ VĂN HOÁ ĐIỂN TỊCH ĐẠI QUAN
神秘文化典籍大观
Tác giả: Vương Ngọc Đức 王玉德, Dương Sưởng 杨昶
Nam Ninh: Quảng Tây nhân dân xuất bản xã, 2003.
Previous Post Next Post