Dịch thuật: Tết Nguyên tiêu

TẾT NGUYÊN TIÊU

          Ngày rằm tháng Giêng âm lịch hàng năm, là lúc nghinh đón tết Nguyên tiêu (Nguyên tiêu tiết 元宵节) truyền thống .
          Người xưa gọi “dạ” là “tiêu”, cho nên gọi rằm tháng Giêng là “Nguyên tiêu tiết”. Rằm tháng Giêng là đêm trăng tròn đầu tiên, cũng là “nhất nguyên” trở lại. Xuân trở về khắp nơi, mọi người nhân đó chúc mừng, đây cũng sự kéo dài mừng xuân mới. “Nguyên tiêu tiết” cũng gọi là “Thượng nguyên tiết” 上元节. Theo truyền thống dân gian Trung Quốc, đêm đó trăng sáng trên trời, mọi người thắp đèn biểu thị chúc mừng, cùng ra khỏi nhà ngắm trăng, vui chơi đố nhau, cùng ăn Nguyên tiêu (món ăn giống chè trôi nước), cả nhà đoàn tụ vui vẻ.
          Nguyên tiêu tiết cũng gọi là “đăng tiết” 灯节, phong tục nguyên tiêu thắp đèn có từ đời Hán. Đến đời Đường, hoạt động thưởng đăng 赏灯 càng thêm thịnh, trong cung, trên đường phố, khắp nơi treo đèn, lại còn làm “đăng luân” 灯轮(bánh xe đèn) “đăng lâu” 灯楼 (lầu đèn) “đăng thụ” 灯树 (cây đèn) cao lớn. Đại thi nhân Lư chiếu Lân 卢照邻 thời Đường trong Thập ngũ dạ quan đăng 十五夜观灯đã thuật lại tình huống thắp đèn lúc Nguyên tiêu:
Tiếp Hán nghi tinh lạc
Y lâu tự nguyệt huyền
接汉疑星落
依楼似月悬
(Nhìn từ xa thấy đèn cứ ngỡ như sao từ ngân hà rơi xuống
Cạnh lầu, đèn treo nhìn phảng phất như trăng treo giữa bầu trời)
          Đời Tống càng coi trọng tết Nguyên tiêu, hoạt động thưởng đăng càng náo nhiệt, hoạt động này tiến hành trong 5 ngày, kiểu đèn rất phong phú. Đến đời Minh kéo dài đến 10 ngày, đây là “đăng tiết” kéo dài nhất của Trung Quốc. Đời Thanh tuy hoạt động thưởng đăng chỉ có 3 ngày, nhưng quy mô rất lớn, tình cảnh thịnh hơn trước, ngoài thắp đèn ra còn đốt pháo hoa giúp vui.
          “Sai đăng mê” 猜灯谜 (đố đèn) cũng gọi là “đả đăng mê” 打灯谜là một hoạt động tăng thêm sau Nguyên tiêu, xuất hiện từ triều Tống. Thời Nam Tống tại kinh đô Lâm An 临安mỗi khi gặp tiết Nguyên tiêu, người ta làm ra những chữ dùng để đố, người đoán chữ đố rất đông. Lúc bắt đầu, kẻ hiếu sự viết chữ đố lên giấy, rồi dán trên đèn đủ màu sắc để mọi người đoán, chữ đố có thể gợi mở trí tuệ lại có hứng thú, cho nên trong quá trình lưu truyền rất được các giai tầng xã hội hoan nghinh.
          Về tập tục ăn Nguyên tiêu 元宵 nhân tết Nguyên tiêu trong dân gian. Nguyên tiêu được làm từ bột nếp, có nhân. Nhân gồm đậu sa, đường trắng, sơn tra, các loại quả. Khi ăn nấu lên hoặc chiên hoặc chưng đều được. Lúc đầu mọi người gọi món đó là “phù viên tử” 浮圆子, sau lại gọi là “thang đoàn” 汤团 hoặc “thang viên” 汤圆, những tên gọi này có âm tương cận với từ “đoàn viên” 团员, lấy ý nghĩa đoàn viên, tượng trưng cả nhà quây quần tụ tập, hoà mục hạnh phúc, mọi người cũng lấy đó để hoài niệm người thân xa cách, kí thác nguyện vọng tốt đẹp vào cuộc sống tương lai.
          Tết Nguyên tiêu ở một số địa phương còn có tập tục “tẩu bách bệnh” 走百病, cũng gọi là “khảo bách bệnh” 烤百病, “tán bách bệnh” 散百病, người tham dự đa phần là phụ nữ, họ kết bạn cùng đi men theo tường hoặc qua cầu, ra ngoại ô, mục đích là để xua đuổi bệnh, trừ tai hoạ.
          Theo sự biến thiên của thời gian, hoạt động nhân tết Nguyên tiêu ngày càng nhiều, không ít những nơi khi ăn mừng đã tăng thêm biểu diễn các hoạt động dân tục truyền thống như múa đèn, múa rồng, đi cà kheo, chèo thuyền trên cạn, hát ương ca, đánh trống thái bình. Sự truyền thừa ngày tết truyền thống có lịch sử hơn ngàn năm này không chỉ thịnh hành ở hai bờ eo biển mà hàng năm vẫn không suy tại những khu vực tụ cư của người Hoa hải ngoại.

                                                                       Huỳnh Chương Hưng
                                                                       Quy Nhơn 19/02/2019
                                                                 Tết Nguyên tiêu năm Kỉ Hợi

Nguồn
Previous Post Next Post