Dịch thuật: Càn Long khâm điểm bí sử

CÀN LONG KHÂM ĐIỂM BÍ SỬ

          Khoa cử khảo thí triều Đại Thanh, mỗi khoa lấy 360 người, 3 người đầu lần lượt gọi là Trạng nguyên 状元, Bảng nhãn 榜眼, Thám hoa 探花. Theo quy củ của triều Thanh, Trạng nguyên do hoàng đế đích thân thẩm định. Biện pháp là: trên quyển của người đỗ đầu, quan chủ khảo sẽ viết 2 chữ 状元 (trạng nguyên) rồi mới dâng lên hoàng đế. Nhưng ở trên bên phải của chữ (trạng) để trống nét chấm. Hoàng đế sau khi xem qua nếu được sẽ dùng son chấm thêm vào, như vậy đã được định, cho nên gọi là “điểm Trạng nguyên” 点状元.
          Một năm nọ vào thời gian thi Hội, cử tử các nơi tụ tập về kinh thành, người người đều muốn đỗ Trạng nguyên. Một số người mở quán làm ăn, nhằm  làm vừa lòng khách, các quán lần lượt đổi tên quán là “Trạng nguyên điếm” 状元店 để làm ăn. Hoàng đế Càn Long 乾隆 thích mặc thường phục vi hành, muốn nhân cơ hội này hiểu rõ tình hình người học nên đã đi đến một nơi mà cử tử ở trọ. Càn Long nhìn thấy các quán đều thay đổi bảng hiệu, cảm thấy kì lạ. Nhưng trong một ngõ nọ, có một quán nhỏ lại treo bảng là “Bảng nhãn điếm” 榜眼店, Càn Long hiếu kì bèn bước vào và hỏi chủ quán:
          - Quán của ông có người trọ không?
          Chủ quán đáp rằng:
          - Có một người.
          - Các quán khác đều là “Trạng nguyên điếm”, nhưng quán của ông lại là “Bảng nhãn điếm”. Đương nhiên là người ta không thích đến, ai mà lại không muốn đỗ Trạng nguyên?
          - Tệ quán vốn cũng thay là “Trạng nguyên điếm”, ai ngờ hôm qua có một người kì dị đến, cứ bảo đổi tên lại là “Bảng nhãn điếm”. Tôi định không theo, giận định đuổi anh ta đi. Nhưng cũng đành theo lời anh ta.
          Càn Long thấy lạ, bước vào phòng trọ, chỉ thấy một thanh niên dáng vẻ trang nghiêm đang ngồi đọc sách bên đèn. Thấy có người đến, anh ta đứng dậy hành lễ.
          Càn Long đáp lễ lại, hỏi:
          - Cử tử họ gì?
          - Tôi họ Trình, tên đơn là Công.
          - Này Trình cử tử, nghe nói tên của quán này là do anh đổi, đúng như vậy không?
          - Đúng là do học sinh.
          - Lẽ nào anh không muốn đỗ Trạng nguyên sao?
          Trình Công lắc đầu nói rằng:
          - Không phải như thế. Chẳng qua tôi nghĩ rằng, Trạng nguyên chỉ có một, trong số 360 người, 359 người đều ra sức tranh đoạt vinh dự này. Tôi không tranh cùng họ, một người tranh lấy một Bảng nhãn tương đối ổn hơn, cho nên tôi trọ quán Bãng nhãn là hài lòng rồi.
          Hoàng đế Càn Long cảm thấy những lời đó tuy không có chí khí lớn, nhưng lại tự biết mình, lại rất thẳng thắn, bèn cười hỏi:
          - Anh có chắc lấy được Bảng nhãn không?
          - Nói thực, với Tiến sĩ tôi có chút lo, chứ lấy Bảng nhãn bất quá như đùa chơi thôi.
          - Cử tử khiêm tốn rồi, ta có thể xem văn chương của anh được không?
          - Xin được chỉ giáo.
          - Văn chương viết được đấy, là anh tự viết phải không?
          - Lão tiên sinh này dường như không tin tôi, học sinh xin được thử trước mặt ông!
          Càn Long vốn là người thích đùa với bút mực, vừa nghe nói, liền nói:
          - Được!
          Nói xong, thuận tay chỉ cửa sổ đối diện, “lấy đó làm đầu đề”. Hoá ra trong cửa sổ có một thiếu nữ đang soi đến 2 chiếc gương để chải tóc.
Nhị kính huyền tường, nhất nữ sơ đầu tam đối diện.
二镜悬墙, 一女梳头三对面
(Hai kính treo trên tường, một cô gái chải đầu ba mặt đối diện)
          Trình Công nghe qua, vế đối ra rất khéo, nhưng không hay lắm. Anh ta hướng đến Càn Long thi lễ, nói rằng:
          - Tiên sinh ra về đối rất khéo!
          Càn Long khom người đáp lễ, trên vách liền thấy rõ bóng 2 người đang hành lễ. Trình Công nhanh nhẹn, có rồi:
Cô đăng quải bích, nhị nhân hành lễ tứ cung thân
孤灯挂壁二人行礼四躬身
(Một đèn treo trên vách, hai người hành lễ bốn người khom thân)
          Càn Long nghe qua, vui mừng vỗ tay phát ra tiếng kêu:
          - Đối hay lắm, Trình tiên sinh, Bảng nhãn lần này coi như anh lấy được rồi.
          Sau đợt thi, quan chủ khảo dâng quyển của 10 người đầu lên cho hoàng đế thẩm duyệt. Càn Long phát hiện quyển của Trình Công ở thứ 10, nhớ đến mình đã hứa trước mặt anh ta; không thể nói mà không giữ lời, bèn đưa quyển lên thứ 2, dùng bút son điểm bên trên.
          Quan chủ khảo nhìn thấy vậy sợ, cho rằng hoàng đế phạm phải hồ đồ, bèn nhắc:
          - Vạn tuế, đó không phải là quyển của Trạng nguyên.
          Càn Long biết mình làm nhầm, nhưng không nói rõ, bèn tuỳ tiện qua loa nói rằng:
          - Trước giờ quả nhân điểm Trạng nguyên, khoa này điểm Bảng nhãn, như vậy đi.
          Khi ra bảng, quả nhiên Trình Công đậu Bảng nhãn, anh ta cảm thấy vô cùng kinh ngạc, trong lòng bồn chồn: vị khách quan mà gặp trong quán, lời nói của ông ta thật là thần kì.

                                                   Huỳnh Chương Hưng
                                                  Quy Nhơn 20/02, 2019

Nguồn
ĐẠI THANH HOÀNG ĐẾ KÌ VĂN BÍ SỬ
大清皇帝奇闻秘史
Tác giả: Lưu Gia Bình 刘家平
Nội Mông Cổ nhân dân xuất bản xã, 2004
Previous Post Next Post