Dịch thuật: Bá Di, Thúc Tề chết đói ở núi Thú Dương. Đáng tin chăng (kì 1)

 BÁ DI, THÚC TỀ CHẾT ĐÓI Ở NÚI THÚ DƯƠNG
ĐÁNG TIN CHĂNG
(kì 1)

          Không mê tín vào điển tịch lịch sử, nghiên cứu kĩ bản lai diện mục của lịch sử, đó mới là thái độ tôn trọng lịch sử. Trong Sử kí – Bá Di liệt truyện 史记 - 伯夷列传 có chép chuyện Bá Di 伯夷, Thúc Tề 叔齐ghìm cương ngựa của Vũ Vương mà can ngăn, không ăn thóc nhà Chu, hái rau vi để ăn, chết đói ở núi Thú Dương 守阳, đã lưu truyền trên mảnh đất Trung Hoa mấy ngàn năm nay, có thể nói là đã đi vào lòng người. Nhưng về điển cố này, ghi chép trong những điển tịch chủ yếu như Quốc ngữ 国语, Luận ngữ 论语, Trang Tử 庄子 lại hoàn toàn không nhất trí với Sử kí 史记, thậm chí có một số chỗ khác nhau rất lớn; lại thêm núi Thú Dương mà Bá Di, Thúc Tề hái rau vi để ăn được ghi chép trong các địa phương chí, khắp cả nước có đến hơn tám chín nơi, giống như trong sương mù xem hoa, nơi nào thật nơi nào giả?
          Học giả của hội nghiên cứu văn hoá Loan Hà 滦河ở thành phố Đường Sơn 唐山Đường Hướng Vinh 唐向荣 và nhà nghiên cứu văn hoá Tây Chu Nguỵ Hành 魏行đều cho rằng sự kiện Di Tề quá trình trước sau nghi điểm trùng trùng, đáng để nghiên cứu.

Chất nghi thứ 1
Sao lại có nhiều “Thú Dương sơn” như vậy?
          Địa điểm của chiến trường trận Xích Bích 赤壁 nổi tiếng, trước đây chí ít cũng có đến 7 “Xích Bích thuyết”: Bồ Kì thuyết 蒲圻说, Hoàng Châu thuyết 黄州说, Chung Tường thuyết 钟祥说, Vũ Xương thuyết 武昌说, Hán Dương thuyết 汉阳说, Hán Xuyên thuyết 汉川说, Gia Ngư thuyết 嘉鱼说. Hiện tại tiêu điểm tranh luận chủ yếu giữa Bồ Kì thuyết và Ngư Dương thuyết. Nhưng 7 thuyết hay là 2 thuyết, chung quy cũng đều tại vùng Trường Giang 长江trong tỉnh Hồ Bắc 湖北, cự li cũng không xa, mọi người cũng không để ý lắm: dù sao trận chiến Xích Bích cũng tại Hồ Bắc. Còn tình hình núi Thú Dương thì khác. Núi Thú Dương suy cho cùng là bất động sản, mọi người đều biết Bá Di, Thúc Tề chết đói ở núi Thú Dương, nhưng núi Thú Dương rốt cuộc ở đâu?
          Mở bản đồ điện tử hoặc tìm núi Thú Dương trên “Bách độ” 百度 (Baidu – ND) bạn sẽ phát hiện trong đất nước Trung Quốc, núi có tên Thú Dương có đến 8, 9 nơi: Liêu Ninh 辽宁, Hà Bắc 河北, Sơn Đông 山东, Hà Nam 河南, Cam Túc 甘肃 mỗi tỉnh 1 nơi; còn Thiểm Tây 陕西, Sơn Tây 山西mỗi tỉnh 2 nơi. Trên mỗi “Thú Dương sơn” đều có mộ của Bá Di, Thúc Tề và câu chuyện tương tự lưu truyền trong dân gian, hơn nữa đều có thể tìm thấy nguồn gốc câu chuyện trong địa phương chí hoặc sách vở có liên quan.
          Điều này thật kì lạ! Bởi Bá Di, Thúc Tề không thể tại những nơi khác nhau chết đói 8, 9 lần. Theo logique thông thường mà suy đoán phân tích, trong 8, 9 núi Thú Dương đó chỉ có 1 núi Thú Dương là thật, kì dư đều là giả, là phụ hoạ. Còn có một phán đoán nữa, 8, 9 núi Thú Dương đó đều là thật, còn Bá Di, Thúc Tề căn bản là không chết, bởi chỉ có sống mới có thể đi qua được nhiều nơi như thế. Đối với quỹ đạo hoạt động của một nhân vật lịch sử cần phải tham khảo Vũ Hầu từ 武侯祠 (đền thờ Vũ Hầu tức Chư Cát Lượng - ND) nổi tiếng. Phạm vi hoạt động của Chư Cát Lượng 诸葛亮 lần lượt là Sơn Đông 山东, Hà Nam 河南, Hồ Bắc 湖北, Hồ Nam 湖南, Giang Tô 江苏, Tứ Xuyên 四川, Vân Nam 云南, Quý Châu 贵州, Cam Túc 甘肃và Thiểm Tây 陕西, cho nên trong những tỉnh nói trên đều lưu lại Vũ Hầu từ ở rất nhiều nơi, những nơi mà cả đời Chư Cát Lượng chưa từng qua thì rất ít Vũ Hầu từ hoặc không có, ví dụ Lưỡng Quảng 两广, Phúc Kiến 福建và mấy tỉnh phía bắc. Điều này nói rõ, sự phân bố di chỉ, hướng đi tương đối khách quan đã phản ánh quỹ đạo hoạt động của nhân vật lịch sử. Quay nhìn lại, nếu chúng ta mạnh dạn nghĩ Di Tề hai người đó căn bản không có chuyện chết đói, thế thì những núi Thú Dương đều có một cách giải thích hợp lí: rõ ràng là lộ tuyến của Bá Di Thúc Tề từ bắc xuống nam, từ đông sang tây. Những núi Thú Dương mà có trên lộ tuyến này đều là bằng chứng kỉ niệm họ đã đi qua, ghé qua, nghỉ chân qua.
          Nhưng trong các điển tịch như Sử kí chẳng phải là nói Bá Di Thúc Tề chết đói ở núi Thú Dương sao?

Chất nghi thứ 2
Bá Di, Thúc Tề ghìm cương ngựa của Vũ Vương mà can ngăn
          Một loạt những chuyện Bá Di, Thúc Tề, chuyện hái rau vi, núi Thú Dương ... là bắt đầu từ việc ghìm cương ngựa của Vũ Vương mà can ngăn. Xem thử trong Sử kí nói như thế nào.
          Sử kí nói:
          Bá Di, Thúc Tề là hai người con của vua nước Cô Trúc (theo khảo chứng thì nay là vùng Đường Sơn 唐山Hà Bắc 河北). Quốc quân muốn lập người con thứ 3 là Thúc Tề làm người kế vị. Sau khi phụ thân qua đời, Thúc Tề muốn nhường vương vị cho người anh lớn là Bá Di, nhưng Bá Di không chịu, nói rằng đó là ý của phụ thân! Bá Di bèn bỏ đi, Thúc Tề cũng chạy theo, hai anh em đều không cảm thấy hứng thú với vị trí đó. Các đại thần đành phải lập người con thứ 2 làm quốc quân.
Đó chính là câu chuyện Bá Di nhường nước. Câu chuyện này giống đến kinh người câu chuyện Thái Bá 太伯chạy đến nước Ngô phát sinh ở đất Chu (1), có thể nói là điển hình cho “hảo sự thành song” 好事成双 (việc tốt thành đôi).
          Theo Sử kí thuật lại, hai anh em nghe nói Tây Kì 西岐là một nơi có lễ nghĩa và nơi nuôi dưỡng tốt người già. Tây Bá Hầu Cơ Xương 西伯侯姬昌vốn nổi tiếng là người hiền, thế là hai người đi xuống phía nam, rồi tiến về phía tây đến Tây Kì. Gặp phải lúc Cơ Xương vừa qua đời, con là Vũ Vương Cơ Phát 武王姬发 bưng linh vị của phụ thân, dẫn đại quân chuẩn bị phạt Trụ . Bá Di Thúc Tề bên đường liền ghìm cương ngựa của Vũ Vương, nói một đoạn rất nổi tiếng:
          - Phụ thân vừa mới qua đời, chưa táng mà ông đã đại động can qua, đó là hiếu chăng? Ông lấy thân phận là bề tôi mà đi giết quân vương, đó là nhân chăng?
         Thủ hạ của Vũ Vương rút đao định giết chết họ, may có Khương Tử Nha bên cạnh ngăn được, bảo rằng:
          - Đây là nghĩa sĩ, không nên giết họ.
          Thế là thủ hạ liền nâng dậy đưa họ đi. Đại quân tiếp tục hành quân.
          Đường Hướng Vinh chỉ ra rằng, nghi điểm lớn nhất ở sự kiện ghìm cương ngựa can ngăn đó là thời gian liên quan đến việc Vũ Vương phạt Trụ không đúng; ngoài ra, ghìm cương ngựa can ngăn không có chứng cứ phụ, chỉ là lời của Sử kí.
          Thượng thư 尚书 thành sách sớm hơn Sử kí 史记 khoảng 500 năm, trong đó nói rõ:
Duy thập hữu nhất niên, Vũ Vương phạt Trụ.
唯十有一年, 武王伐纣.
(Năm thứ 11, Vũ Vương phạt Trụ.)
Chính là nói, Vũ Vương phạt Trụ là vào năm thứ 11 sau khi ông kế vị. Do vì đương thời chỉ là một phương quốc ở phía tây của Ân Thương, muốn lật đổ chính quyền bạo ngược của Trụ Vương, tất cần phải chuẩn bị đầy đủ. Nhưng Sử kí lại nói ngày Văn Vương qua đời, Vũ Vương kế vị, Vũ Vương đã đi đánh Trụ Vương, hơn nữa lại mang theo bài vị phụ thân, kết quả dẫn đến việc Bá Di, Thúc Tề “khấu mã nhi gián” 叩马而谏 (ghìm cương ngựa của Vũ Vương mà can ngăn): “Phụ tử bất táng, khả vị hiếu hồ?” 父死不葬, 可谓孝乎? (Phụ thân qua không táng, có thể gọi là hiếu chăng?) Trung Quốc thời cổ coi trọng đạo hiếu, lãnh tụ một đất nước ngay cả phụ thân mình qua đời không lo an táng mà lại đi thí quân để tranh ngôi vị, về tình về lí nói thông không?
          Vũ Vương bất hiếu như vậy sao? Không phải! Theo Chu bản kỉ 周本纪, trước khi phạt Trụ, Vũ Vương đã đi “tế Tất” 祭毕. “Tất” là nơi có lăng mộ của Văn Vương đã an táng được 11 năm rồi, trước khi xuất chinh đến tế cáo, làm sao có thể nói là “phụ tử bất táng” được? Trước đó không thấy truyền lại, đó cũng là nghi điểm “khấu mã bất gián”. Các loại kinh điển trước Sử kí, đều không ghi chép câu chuyện “khấu mã bất gián” này. Thử hỏi, câu chuyện hay như thế vì sao lại không ghi chép? Lẽ nào thánh hiền cổ đại như Khổng Tử, Mạnh Tử, Trang Tử đều nhìn mà không thấy?
                                                                                    (còn tiếp)

Chú của người dịch
1- Trong Sử kí – Ngô Thái Bá thế gia 史记 - 吴太伯世家có nói:
          Ngô Thái Bá 吴太伯và người em là Trọng Ung 仲雍 đều là con của Chu Thái Vương 周太王, anh của Quý Lịch 季历. Quý Lịch rất hiền năng, lại có người con tên Cơ Xương 姬昌có thánh đức. Thái Vương muốn lập Quý Lịch để rồi truyền ngôi vị cho Cơ Xương. Thế là Thái Bá, Trọng Ung chạy đến Kinh Man 荆蛮, cắt tóc xăm mình giống người dân nơi đó, tỏ ý không muốn kế vị để nhường cho Quý Lịch. Quả nhiên Quý Lịch kế vị, đó là Vương Quý 王季, về sau Cơ Xương trở thành Văn Vương 文王. Thái Bá sau khi bỏ chạy đến Kinh Man, tự xưng là Câu Ngô 勾吴, người Kinh Man cho rằng ông có tiết nghĩa, liền có hơn ngàn người quy thuận, tôn ông là Ngô Thái Bá 吴太伯.
          Theo https://baike.baidu.com/item

                                                                 Huỳnh Chương Hưng
                                                                 Quy nhơn 12/9/2018

Nguồn
Previous Post Next Post