Dịch thuật: Lễ tục (kì 4 - Tang táng)

LỄ TỤC
(kì 4)

TANG TÁNG

          Lúc người sắp mất gọi là “chúc khoáng” 属纩  (Lễ kí – Tang đại kí 礼记 - 丧大记). “Chúc”   có nghĩa là đặt, để; “khoáng” là bông tơ mới. Bông tơ rất nhẹ. Theo tập tục cổ, người xưa đem bông tơ đặt nơi mũi người sắp mất, thử xem có còn hơi thở không. Điều này không nhất định phải thành phong tục, nhiều lắm cũng chỉ là phong tục của một địa phương mà thôi, nhưng “chúc khoáng” lại trở thành từ chỉ lâm chung.
          Thời cổ, khi có người vừa mới qua đời, người sống phải lên nóc nhà quay mặt về hướng bắc để chiêu hồn người mất, đó gọi là “phục” , ý nghĩa là gọi hồn người mất trở về lại thân thể. “Phục” mà không tỉnh lại, sau đó mới lo tang sự.
          Thời cổ, người sau khi mất, phải tắm rửa thi thể. Trong Lễ kí – Tang đại kí 礼记 - 丧大记  có ghi chép việc đó. Phong tục này được duy trì cho tới đời sau. Trong Tấn thư – Vương Tường truyện 晋书 - 王祥传  chép chuyện Vương Tường 王祥  lúc sắp mất, dặn con rằng:
Khí tuyệt đản tẩy thủ túc, bất tu mộc dục.
气绝但洗手足,不须沐浴
(Khi tắt thở chỉ rửa tay chân là được, không cần phải tắm gội)
Có thể thấy, người sau khi mất phải tắm rửa.
          Sau khi mất có nghi thức “liệm” (). Có tiểu liệm và đại liệm. Tiểu liệm là mặc quần áo cho thi thể, càng quý tộc, quần áo càng nhiều. Đại liệm là đặt thi thể vào quan tài. Lúc liệm, phải “phạn hàm” 饭含cho người mất, cho nên trong Chiến quốc sách – Triệu sách 战国策 - 赵策 có nói:
Trâu Lỗ chi thần, sinh tắc bất đắc sự dưỡng, tử tắc bất đắc phạn hàm (1).
邹鲁之臣, 生则不得事养, 死则不得饭含.
          (Bề tôi hai nước Trâu Lỗ, lúc quốc quân còn sống thì không thể phụng thờ, lúc quốc quân qua đời thì không thể phạn hàm).
          Nhập liệm xong, lúc đợi đem táng gọi là “tẫn” . Trong Luận ngữ - Hương đảng 论语 - 乡党 có ghi:
Bằng hữu tử, vô sở quy, viết: ‘Vu ngã tẫn’.
朋友死, 无所归, : 于我殡.
(Bạn bè mất, nếu không có nơi để về, Khổng Tử bảo: ‘Để linh cữu ở nhà tôi’.)
          Trong Tả truyện – Hi Công tam thập nhị niên 左传 - 僖公三十二年 có câu:
Đông, Tấn Văn Công tuất. Canh Thìn, tương tẫn vu Khúc Ốc
, 晋文公卒. 庚辰, 将殡于曲沃
(Mùa đông, Tấn Văn Công mất. Ngày Canh Thìn, đưa linh cữu đến đặt ở Khúc Ốc)
Ở đây là nói linh cữu Tấn Văn Công được đặt tại Khúc Ốc, không phải là táng. Theo Xuân Thu 春秋,  Tả truyện 左传, tháng 4 năm sau mới táng Tấn Văn Công. Đời sau gọi “xuất tẫn” 出殡  tức đưa linh cữu đến nơi mai táng.
          Giới quý tộc khi xuất tẫn còn rất nhiều điều phô trương.
          Quy củ tống táng đó là áo trắng “chấp phất” 执绋 (cầm phất). Phất là sợi dây để kéo xe có đặt linh cữu. Nguyên ý của chấp phất là bà con thân hữu giúp kéo xe, trên thực tế đó chỉ là hình thức. Về sau khi xuất tẫn, 2 bên hàng người tiễn đưa kéo 2 sợi dây, đó là di chế của chấp phất.
          “Vãn ca” 挽歌 lúc ban đầu là lời ca của những người kéo linh cữu. Bài Giới lộ , Hao lí 蒿里 trong Tương hoà khúc 相和曲 ở cổ nhạc phủ đều là vãn ca. Đào Uyên Minh 陶渊明 có 3 bài Vãn ca thi 挽歌诗, “vãn liên” 挽联 (輓联) ở đời sau chính là từ vãn ca diễn biến mà ra.
          Dưới đây sẽ nói về táng.
          Với chủ nô lệ đời Ân có chế độ “nhân tuẫn” 人殉 (chôn người sống theo người chết). Đời sau biết sức người là rất quý, nên đã thay bằng “dũng” . “Dũng” là tượng người bằng gỗ hoặc bằng đất. Sau này Khổng Tử  phản đối việc dùng “dũng”. Mạnh Tử nói:
Trọng Ni viết: ‘Thuỷ tác dũng giả, kì vô hậu hồ!’ Vi kì tượng nhân nhi dụng chi dã.
          仲尼曰: ‘始作俑者, 其无后乎!’ 为其象人而用之也.
     (Trọng Ni nói rằng: ‘Người đầu tiên làm ra dũng, sẽ không có con cháu đời sau chăng!’ Ý nói là vì làm ra tượng giống người để sử dụng)
                       (Mạnh Tử - Lương Huệ Vương thượng 孟子 - 梁惠王上)
          Từ thời Ân đến thời Chiến Quốc, giai cấp thống trị vẫn còn đem ngựa, xe mà người mất lúc họ sống sử dụng chôn vào trong mộ. Còn có đủ loại những vật phẩm tuỳ táng khác bao gồm nhạc khí, binh khí, ẩm thực khí bằng đồng, có cả những vật trang sức được chế tạo từ ngọc, từ xương thú cùng những loại khác. Càng quý tộc, tuỳ táng phẩm càng nhiều, càng tinh xảo. Cũng có một số “minh khí” 明器 (khí vật chôn kèm theo) chuyên dùng để tuỳ táng. Đời Hán, những đồ vật dùng thường ngày được mô phỏng chế tác thành vật tuỳ táng bằng gốm, tính tượng trưng của minh khí càng thể hiện rõ.
          Trong mộ của giai cấp thống trị quý tộc đa phần đều có quách (), quách ở ngoài quan, chủ yếu dùng để bảo vệ quan tài, có quan tài có đến ba bốn lớp quách. Trong Luận ngữ - Tiên tiến论语  - 先进  nói rằng, con của Khổng Tử là Khổng Lí 孔鲤  khi mất “hữu quan nhi vô quách” 有棺而无椁  (có quan mà không có quách), có thể thấy quách đối với dân thường không cần phải có đầy đủ.
          Trên đây chỉ là tang táng của giới quý tộc sĩ đại phu, còn tang táng của thứ nhân lại là một việc khác. Đối với “thất phu tiện nhân” mà nói, cho dù là tang táng kiệm ước nhất, cũng đã “gần như kiệt quệ gia đình”. Thứ nhân khi mất, nhiều lắm cũng chỉ có thể “cảo táng” 稿葬 (an táng sơ sài), nếu gặp phải năm mất mùa đói kém, thì đành chết đói và bị lấp nơi cống rãnh.
          Trong Lễ kí – Đàn Cung thượng礼记 - 檀弓上 nói rằng:
Cổ dã mộ nhi bất phần
古也墓而不坟
(Thời cổ, chôn thành mộ mà không vun nấm)
          Căn cứ vào báo cáo của công tác khảo cổ điền dã hiện đại, chúng ta biết được mộ ở thời Ân và thời Tây Chu vẫn chưa vun nấm, về sau trên mộ mới vun thêm nấm, chủ yếu là để đánh dấu ngôi mộ, thứ đến là để tăng thêm độ khó cho kẻ đào trộm.
          Trong những văn hiến thời Tiên Tần có ghi chép về việc hợp táng. Như Thi kinh – Vương phong – Đại xa 诗经 - 王风 - 大车 có câu:
Tử tắc đồng huyệt
死则同穴
(Khi mất chôn chung một huyệt)
          Trong Lễ kí – Đàn Cung thượng 礼记 - 檀弓上  có chép việc Khổng Tử hợp táng phụ mẫu tại đất Phòng . Khảo cổ điền dã hiện đại đã phát hiện trong một ngôi mộ thời Chiến Quốc có kết cấu 1 quách 2 quan. Các nhà làm công tác khảo cổ cho rằng, việc phu phụ hợp táng lưu hành phổ biến vào giữa thời Tây Hán trở về sau. Trong Khổng tước đông nam phi 孔雀东南飞  có nói:
Lưỡng gia cầu hợp táng
Hợp táng Hoá sơn bàng
Đông tây thực tùng bá
Tả hữu thực ngô đồng
两家求合葬
合葬华山傍
东西植松柏
左右植梧桐
(Hai nhà mong được hợp táng
Hợp táng bên cạnh Hoá sơn
Phía đông phía tây trồng cây tùng cây bá
Bên phải bên trái trồng cây ngô đồng)
          Trọng Trường Thống 仲长统 trong Xương ngôn 昌言 có nói:
Cổ chi táng giả, tùng bá ngô đồng dĩ thức phần dã.
古之葬者, 松柏梧桐以识坟也
(Thời cổ khi táng, trồng cây tùng cây bá và cây ngô đồng bên cạnh để biết đó là phần mộ)
          Phong tục này lưu truyền được rất lâu.  (hết)

Chú của nguyên tác
1- Phạn hàm 饭含: tức bỏ gạo vào miệng người chết. còn được viết là , tức bỏ ngọc vào miệng người chết.

                                                               Huỳnh Chương Hưng
                                                               Quy Nhơn 16/7/2018

Nguồn
TRUNG QUỐC CỔ ĐẠI VĂN HOÁ THƯỜNG THỨC
中国古代文化常识
Chủ biên: Vương Lực 王力
Bắc Kinh: Trung Quốc Nhân dân Đại học xuất bản xã, 2012
Previous Post Next Post