Dịch thuật: Cách nói "Lục Lâm hảo hán" có lai lịch như thế nào

CÁCH NÓI “LỤC LÂM HẢO HÁN” CÓ LAI LỊCH NHƯ THẾ NÀO

          Cách nói “Lục Lâm hảo hán” 绿林好汉có nguồn gốc từ quân khởi nghĩa Lục Lâm 绿林.
          Cuối thời Tây Hán, Hán Nguyên Đế 汉元帝, Hán Thành Đế 汉成帝 hoang dâm vô độ, triều chính hủ bại, đất đai bị kiêm tính nghiêm trọng, dẫn đến mâu thuẫn giai cấp gay gắt. Năm công nguyên thứ 8, ngoại thích Vương Mãng 王莽  soán quyền đoạt vị.
          Vương Mãng sau khi soán vị không những không tu dưỡng tâm tính mà còn sáng ban lệnh chiều thay đổi, không ngừng phát động chiến tranh đối với dân tộc thiểu số, làm tăng thêm nỗi thống khổ của dân. Việc đem đất đai toàn quốc đổi làm chính sách vương điền đã xúc phạm đến lợi ích của địa chủ quan liêu, đem nô tì tư gia đổi làm chính sách tư thuộc (1), lại đắc tội với giai tầng quý tộc, thêm thiên tai liên miên, thế là nhân sĩ các lộ lần lượt khởi nghĩa phản kháng.
          Nghe nói, tại Nam quận 南郡  Kinh Châu 荆州 và quận Giang Hạ 江夏, thiên tai cực kì nghiêm trọng, bách tính sống nhờ vào rễ cỏ vỏ cây. Do bởi dân bị nạn tai quá nhiều, vỏ cây rễ cỏ ở nơi đó cũng không có để ăn, cho nên nhiều người phải lưu li thất sở.
          Trong số bách tính cùng khổ này có hai người thâm minh đại nghĩa, họ khuyên mọi người rằng:
          - Chúng ta đều là những người chịu khổ chịu nạn. Sở dĩ chúng ta không có cái ăn đều là do Vương Mãng gây ra. Chúng ta phải lật đổ hắn, như vậy mọi người mới có cái ăn.
          Bách tính nghe họ nói rất có lí, thế là tôn hai người lên làm thủ lĩnh, dựng cờ khởi nghĩa. Hai người hiệu triệu bách tính khởi nghĩa này chính là Vương Khuông 王匡 và Vương Phụng 王凤 trong lịch sử.
          Số người phản kháng sự thống trị của Vương Mãng không ngừng tăng lên, nhanh chóng phát triển đến cả ngàn người. Năm công nguyên thứ 17, họ chiếm lĩnh núi Lục Lâm, đồng thời lấy núi đó làm cứ điểm, nhanh chóng khuếch trương thế lực ra chung quanh. Đội quân khởi nghĩa tập kết tại núi Lục Lâm này được mọi người gọi là “Lục Lâm quân” 绿林军
          Trong cuộc đấu tranh chống lại Vương Mãng, quân Lục Lâm được sự ủng hộ của Lưu Tú 刘秀và quân Xích Mi 赤眉 do Phàn Sùng 樊崇 lãnh đạo. Năm công nguyên thứ 23, quân Lục Lâm tấn công Trường An, giành được thắng lợi.
          Mặc dù sau này quân Lục Lâm phân hoá rồi tan rã, nhưng quân Lục Lâm phản kháng bạo ngược rất được lòng dân, mọi người gọi họ là “Lục Lâm hảo hán”. Về sau, “Lục Lâm hảo hán” phiếm chỉ nhóm người tụ tập tại núi rừng chống lại quan phủ hoặc đi cướp đoạt tài vật.

Chú của người dịch
1- Vương Mãng 王莽  sau khi soán ngôi nhà Hán, năm Thuỷ Kiến Quốc 始建国 nguyên niên (năm công nguyên thứ 9) đã hạ chiếu tuyên bố “thiên hạ điền” 天下田 đổi gọi là “vương điền” 王田, “nô tì” 奴婢 đổi gọi là “tư thuộc” 私属. “Chính sách vương điền” và “chính sách tư thuộc” quy định, đất đai toàn quốc và nô tì đều là sở hữu của hoàng đế,  không được mua bán.

                                                 Huỳnh Chương Hưng
                                                  Quy Nhơn 18/7/2018

Nguyên tác Trung văn
Trong quyển
THÚ VỊ VĂN HOÁ TRI THỨC ĐẠI TOÀN
趣味文化知识大全
Thanh Thạch 青石 biên soạn
Trung Quốc Hoa kiều xuất bản xã, 2013
Previous Post Next Post