Dịch thuật: Ái liên thuyết (tiếp theo) (Chu Đôn Di)

 ÁI LIÊN THUYẾT
(tiếp theo)

Giám định và thưởng thức
          Hoa sen (liên hoa 莲花) tức “hà hoa” 荷花, còn có biệt xưng “phù cừ” 芙蕖, “phù dung” 芙蓉, “hạm đạm” 菡萏 ... Trong Thi kinh 诗经có câu:
Bỉ trạch chi bi
Hữu bồ hạm đạm
彼泽之陂
有蒲菡萏
(Nơi đầm kia
Có cây bồ và hoa sen)
                                                       (Trần phong – Trạch  bi - 泽陂)
          Đại thi nhân Khuất Nguyên 屈原trong Li tao 离骚 cũng đã cao ngâm:
Chế kị hà dĩ vi y hề
Tập phù dung dĩ vi thường
制芰荷以为衣兮
集芙蓉以为裳
(Chế lá kị lá sen làm áo
Kết hoa phù dung làm xiêm)
          Trong một số lượng lớn thơ ca ngâm vịnh hoa sen của các đời, bài Ái liên thuyết 爱莲说 của Chu Đôn Di 周敦颐 là nổi tiếng nhất.
          Bài văn ngắn này có thể chia làm 2 đoạn. Đoạn thứ nhất tác giả miêu tả hoa sen, nói rõ nguyên nhân mà tác giả yêu thích, điểm minh cho ý của đề bài. Bài văn mở đầu với câu “Thuỷ lục thảo mộc chi hoa, khả ái giả thậm phiền”, trước tiên điểm xuất chữ “ái” trong đề mục, sau đó trong số các loài hoa của cây cỏ, tác giả nêu ra hai loại danh hoa là cúc và mẫu đơn để làm nền cho hoa sen. Cúc lăng sương ngạo lập, độc bão u hương, được thi nhân đời Tấn là Đào Uyên Minh ưa thích. Mẫu đơn màu sắc tươi đẹp, ung dung hoa quý, từ nhà Đường trở về sau được người đời sùng thượng.
          Khi tác giả điểm xuất hoa cúc và mẫu đơn đã tiếc mực như vàng, chỉ một bút lướt qua, bao nhiêu còn lại đều đổ dồn vào hoa sen mà tác giả riêng yêu.
          Hoa sen mọc lên từ bùn mà không nhiễm bẩn, thân tắm gội trong nước trong, đẹp nhưng không lả lơi, ngoại hình trong rỗng ngoài thẳng, không bò lan, không đâm cành, mùi hương thanh khiết thấm nhập tâm can, từ trong nước mọc lên dong dỏng cao, người ta chỉ có thể từ xa ngắm nhìn thưởng thức chứ không thể đến gần nâng niu sờ mó. Ở đây tác giả dùng liền 7 câu, miêu tả phẩm cách đáng quý của hoa sen từ các phương diện và đặc tính khác với những loài hoa khác, có thể nói là hình thần kiêm bị, khác nào như vẽ.
          Nếu bút mực của tác giả chỉ nói bao nhiêu đó, thế thì bài văn không thể nào gọi là một áng thiên cổ mĩ văn. Đoạn thứ hai, ngòi bút đã chuyển, lấy hoa để ví người, thâm hoá sự lập ý của văn chương. Tác giả vẫn lấy hoa cúc, hoa mẫu đơn so sánh với hoa sen, đồng thời khoác lên chúng phẩm cách của con người. Theo cách nhìn của tác giả, hoa cúc ngạo sương riêng nở, dường như có ý tránh đời, cho nên gọi cúc là “ẩn dật giả”, chẳng trách hoa cúc được Đào Uyên Minh - người mà được cho là “thiên cổ ẩn dật thi nhân chi tông” 千古隐逸诗人之宗 yêu thích. Còn mẫu đơn ung dung hoa quý, thích hợp sống ở những gia đình giàu sang, “nhất tùng thâm sắc hoa, thập hộ trung nhân phú” 一丛深色花, 十户中人赋  (Bạch Cư Dị 白居易: Mãi hoa 买花) (giá tiền một khóm mẫu đơn tươi đẹp, tương đương với tiền thuế một năm của 10 hộ thuộc loại trung bình), bách tính bình thường không thể nào với tới, xứng với cái tên “phú quý giả” trong số các loài hoa. Riêng hoa sen là hoá thân của quân tử, kí thác nhân cách lí tưởng của tác giả. Đoạn đầu của bài văn, miêu tả tường tận hoa sen chính là lấy đó làm nền. Hoa sen:
- “Xuất ứ nê nhi bất nhiễm”, ví quân tử giữ vững tiết tháo, không chịu ô uế cùng thế tục.
- “Bất yêu”, ví tính tình của quân tử không xu mị với đời.
- “Trung thông ngoại trực, bất mạn bất chi”, khắc hoạ tấm lòng thẳng thắn vô tư, không xu phụ quyền thế.
          - “Hương viễn ích thanh”, ví danh tiếng của quân tử vang xa.
          - “Đình đình tịnh thực”, ví quân tử trác việt siêu quần.
          - “Khả viễn quan nhi bất khả tiết ngoạn yên”, khắc hoạ hình tượng “quân tử chi giao đạm như thuỷ” 君子之交淡如水 (quân tử qua lại với nhau nhạt như nước).
          Tác giả lấy hoa sen ví quân tử, tuy chịu ảnh hưởng Phật giáo lấy hoa sen để ví, nhưng cách mượn vật để nói chí này cũng chính là đã kế thừa truyền thống tỉ hứng kí thác “hương thảo” “mĩ nhân” trong thi ca cổ điển Trung Quốc. Cuối cùng từ 3 loài hoa, tác giả liên hệ 3 hạng người yêu hoa, cảm thán rằng: sau Đào Uyên Minh, rất ít nghe nói đến người yêu hoa cúc, ý nói muốn trở thành kẻ sĩ ẩn dật chân chính rất khó, trên đời có không ít người mượn tiếng ẩn sĩ để mua danh cầu tước, tìm con đường tắt để tiến thân. Quân tử yêu hoa sen, cũng chính là đồng đạo của tác giả ở đâu? Hạng người nhiều nhất trên đời là hạng yêu hoa mẫu đơn, từ đó có thể thấy thói đời tham phú quý, đuổi theo danh lợi. Ý xem thường giàu sang phú quý của tác giả đã ở hết trong lời.
          Bút pháp bài văn tinh luyện, chỉ với 119 chữ đã cấu thành một thiên tản văn hàm ý thì sâu xa mà văn tự thì ưu mĩ. Thành tựu nghệ thuật này không thể tách rời nhân phẩm cao thượng của tác giả. Chu Đôn Di một đời điềm đạm vô vi, chán ghét danh lợi thế tục, người đương thời khen ông là “hung trung sái lạc, như quang phong tễ nguyệt” 胸中洒落, 如光风霁月(tấm lòng tự nhiên cởi mở, như gió mát trăng trong) (1). Điển hình quân tử mà hoa sen tượng trưng chính là sự thể hiện nhân cách lí tưởng của tác giả.

Thuyết minh bổ sung
          Hoa sen trong Phật giáo có địa vị rất cao, được tín đồ tôn sùng. Đặc tính hoa sen mọc lên từ bùn mà không vấy bẩn, trong Phật giáo tượng trưng cho thanh tịnh. Phật giáo lấy bùn để ví phiền não sinh tử, lấy hoa sen để ví Phật tính thanh tịnh. Sau khi Phật giáo truyền vào Trung Quốc, ý nghĩa tượng trưng thanh tịnh của hoa sen cũng được mọi người tiếp nhận một cách phổ biến. Tuệ Viễn 慧远 - vị cao tăng thời Đông Tấn đã sáng lập ra Liên xã 莲社 tại chùa Đông Lâm 东林 ở Lư sơn 庐山, phát nguyện vãng sinh Tây phương tịnh độ, đương thời có ảnh hưởng rất lớn. Trong Đại Đường tam tạng Thánh giáo tự 大唐三藏圣教序 của Đường Thái Tông 唐太宗có câu:
Liên xuất lục ba, phi trần bất năng ô kì diệp
莲出渌波, 飞尘不能污其叶
(Hoa sen mọc lên từ sóng nước trong, bụi bay không thể làm bẩn lá)
          Thơ lấy hoa sen để ví của thi nhân đời Đường càng nhiều, như:
Tùng lai bất trước thuỷ
Thanh tịnh bản nhân tâm
从来不著水
清净本因心
(Trước giờ không dính nước
Thanh tịnh vốn lòng lành)
(Lí Kì 李颀: Xán công viện các phú nhất vật đắc sơ hà 粲公院各赋一物得初荷)
Khán thủ liên hoa tịnh
Phương tri bất nhiễm tâm
看取莲花净
方知不染心
(Nhìn thấy hoa sen mọc lên từ bùn mà vẫn trong sạch
Mới biết tấm lòng của Nghĩa Công như hoa sen không vấy bẩn)
                 (Mạnh Hạo Nhiên 孟浩然: Đại Vũ tự Nghĩa thiền 大禹寺义禅) (2)
          Được xem là tị tổ khai sơn của lí học, Chu Đôn Di cùng với lí học gia  duy trì đạo thống, vui làm bạn cùng cao tăng, đạo nhân, giữa họ có mối quan hệ vô cùng hoà hợp. Theo truyền thuyết, Chu Đôn Di có lần cùng với cao tăng Thọ Nhai 寿涯ở chùa Hạc Lâm 鹤林tham thiền luận đạo. Chu Đôn Di từng viết bài Đề Đại Điên đường bích 题大颠堂壁  chê Hàn Dũ 韩愈vì không rõ chân chỉ của Phật Lão mà viết bài Nguyên đạo 原道  bài xích. Nhân đó, trong Ái liên thuyết, “dư độc ái liên chi xuất ứ nê nhi bất nhiễm” v.v... tuy chưa nói rõ ý nghĩa Phật điển, nhưng rõ ràng đã chịu ảnh hưởng lấy hoa sen để ví của Phật giáo.

Chú của người dịch
1- Câu này của Hoàng Đình Kiên 黄庭坚 thời Bắc Tống khen tặng Chu Đôn Di.
2- Theo một số tư liệu, nhan đề của bài này là: Đề Đại Vũ tự Nghĩa Công thiền phòng 题大禹寺义公禅房.

                                                        Huỳnh Chương Hưng
                                                        Quy Nhơn 14/7/2018

Nguồn
BẮC TỐNG TẢN VĂN
北宋散文
Biên soạn: Cao Khắc Cần 高克勤
Thượng Hải thư điếm xuất bản xã, 2000. 
Previous Post Next Post