Dịch thuật: Đường Tăng từ Tây thiên thỉnh về những bộ kinh nào

ĐƯỜNG TĂNG TỪ TÂY THIÊN THỈNH VỀ NHỮNG BỘ KINH NÀO

          Tây du kí 西游记là bộ tiểu thuyết đề tài thần thoại được sáng tác trên cơ sở bộ Đại Đường Tây Vực kí 大唐西域叽记kinh qua sự gia công văn học. Theo sự khảo chứng của các chuyên gia, nguyên mẫu Đường Tăng trong tiểu thuyết chính là ngài Huyền Trang 玄奘, người biên soạn bộ Đại Đường Tây Vực kí.
          Ngài Huyền Trang tục danh Trần Y 陈褘 (1), là vị cao tăng thời Trinh Quan 贞观nhà Đường, mọi người xưng là “Tam Tạng pháp sư” 三藏法师. Tại Trung Quốc, người có xưng hiệu “Tam Tạng pháp sư” không nhiều, đây là tôn xưng đối với những vị cao tăng Phật học trong giới Phật giáo. Gọi là “tam tạng” chỉ 3 loại hình thái trong điển tịch Phật giáo, bao gồm “kinh tạng” 经藏, “luật tạng” 律藏 và “luận tạng” 论藏. “Tạng” có hàm nghĩa rất rộng. Nhân đó mà người được xưng là “Tam Tạng pháp sư” nhất định phải là vị cao tăng đắc đạo tinh thông kinh tạng, luật tạng, luận tạng, đồng thời tham ngộ rất sâu đối với điển tịch Phật giáo. Ngài Huyền Trang là vị “Tam Tạng pháp sư” có ảnh hưởng lớn nhất trong số đó.
          Năm Trinh Quan thứ 3 đời Đường Thái Tông, ngài Huyền Trang từ Lương Châu 凉州ra khỏi Ngọc Môn quan 玉门关, bắt đầu cuộc hành trình đi Thiên Trúc 天竺 thỉnh kinh. Ngài trước sau đi qua A Phú Hãn 阿富汗(Afghanistan), Ba Cơ Tu Thản 巴基斯坦 (Pakistan) ngày nay, cuối cùng tiến vào Ấn Độ 印度nơi phát nguyên Phật giáo. Ngài từng bái qua cao tăng Giới Hiền pháp sư 戒贤法师, và chuyên tâm học Phật 5 năm tại tự viện Na Lan Đà tự 那烂陀寺. Trong quá trình nghiên cứu Phật pháp, ngài lại kiêm tập luôn kinh luận như Câu xá 俱舍, Thuận chính lí 顺正理, Đối pháp 对法, Nhân minh 因明, Thanh minh 声明. Giới Hiền pháp sư từng liên tục giảng kinh bố đạo hơn 5 tháng cho ngài. Tại đại hội biện luận Phật học do Giới Nhật Vương 戒日王triệu khai, ngài đã giảng luận đối diện với 18 vị quốc vương Ấn Độ, 3000 Phật học giả cùng 2000 người ngoài đạo, không ai có thể đánh ngã được ngài, đủ để thấy ngài rất tinh thông đối với việc tham ngộ Phật pháp.
          Năm Trinh Quan thứ 19, ngài Huyền Trang mang về Trường An kinh Phật bằng tiếng Phạn tổng cộng 520 cặp, 657 bộ. Trong đó bao gồm
Đại thừa kinh 大乘经234 bộ;
Đại thừa luận 大乘论192 bộ;
Thượng toạ bộ kinh luật luận 上座部经律论15 bộ;
Đại chúng bộ kinh luật luận 大众部经律论15 bộ;
Tam di để bộ kinh luật luận 三弥底部经律论15 bộ;
Di sa tắc bộ kinh luật luận 弥沙塞部经律论22 bộ;
Ca Diếp tí da bộ kinh luật luận 迦叶臂部经律论17 bộ;
Pháp tạng bộ kinh luật luận 法藏部经律论43 cặp;
Thuyết nhất thiết hữu bất kinh luật luận 说一切有不经律论67 bộ;
Nhân minh luận 因明论36 bộ;
Thanh luận 声论13 bộ.
          Theo ghi  chép, ngài Huyền  Trang sau khi về đến Trường An đã cự tuyệt yêu cầu của Thái Tông, Cao Tông phong quan phụ chính, chỉ một lòng theo sự nghiệp biên dịch kinh Phật. Kinh qua sự chỉnh lí của ngài Huyền Trang cùng những người khác, trước sau đã dịch được:
Đại bát nhã kinh 大般若经600 quyển
Du già sư địa luận 瑜伽师地论100 quyển
Đại tì bà sa luận 大毗婆沙论200 quyển
Câu xá luận 俱舍论, Thâm giải mật kinh 深解密经, Thành duy thức luận 成唯识论, Nhiếp đại thừa luận 摄大乘论75 bộ, tổng cộng 1335 quyển.
Có thể nói, ngài Huyền Trang tây hành thỉnh kinh, không những đã có cống hiến quan trọng đối với sự nghiệp Phật giáo Trung Quốc, mà còn là cầu nối là sợi dây nối liền trong việc giao lưu văn hoá giữa Trung Quốc và các nước khác.

Chú của người dịch
1- Về tục danh của ngài Huyền Trang
          Trong nguyên tác ghi tục danh của ngài là 陈禕. Với chữ có mấy âm đọc như sau:
          Hán Việt tự điển của Thiều Chửu chỉ có âm “huy”
          Từ điển Hán Việt văn ngôn dẫn chứng của Nguyễn Tôn Nhan có 2 âm: “huy” và “y”.
          Hán Việt tân từ điển của Nguyễn Quốc Hùng có 2 âm “huy” và “y”.

          Khang Hi từ điển 康熙字典 thu thập 4 âm như sau:
          - Bính âm hui (thanh 1)
          Đường vận唐韻 phiên thiết là HỨA QUY 許歸
     Tập vận 集韻, Vận hội 韻會 phiên thiết là HÔ VI 呼韋
Đều có âm là (huy)
     - Bính âm wei (thanh 2)
          Thiên hải 篇海 phiên thiết là VŨ PHI 雨非âm (vi)
          - Bính âm yi (thanh 1) có âm đọc là (y)
          - Bính âm ju (thanh 2) có âm đọc là (cúc)
          (Hán ngữ đại từ điển xuất bản xã, 2002, trang 1097)
          Như vậy, theo Khang Hi từ điển, chữ có 4 âm đọc: huy / vi / y / cúc.

          Theo http://lishi.zhuixue.net/renwu/xuanzang
          Và https://baike.baidu.com.item
tục danh của ngài Huyền Trang là 陳禕 có bính âm bên cạnh là yi (thanh 1), như vậy đọc là “y”.
          Tôi theo 2 tư liệu này, phiên là “y”. Như vậy tục danh của ngài Huyền Trang là “Trần Y”.

                                                  Huỳnh Chương Hưng
                                                  Quy Nhơn 17/3/2018

Nguyên tác Trung văn
Trong quyển
THÚ VỊ VĂN HOÁ TRI THỨC ĐẠI TOÀN
趣味文化知识大全
Thanh Thạch 青石 biên soạn
Trung Quốc Hoa kiều xuất bản xã, 2013
Previous Post Next Post