Dịch thuật: Mồng 2 tháng 2, rồng ngóc đầu

MỒNG 2 THÁNG 2, RỒNG NGÓC ĐẦU

          Truyền thuyết dân gian kể rằng, hàng năm cứ vào ngày mồng 2 tháng 2 âm lịch là ngày mà long vương chủ quản việc làm mây làm mưa trên trời ngóc đầu dậy; từ ngày đó trở đi, mưa sẽ dần nhiều lên. Nhân đó, ngày này gọi là “xuân long tiết” 春龙节. Phương bắc Trung Quốc lưu truyền rộng rãi câu ngạn ngữ:
Nhị nguyệt nhị, long đài đầu; đại thương mãn, tiểu thương lưu.
二月二, 龙抬头; 大仓满, 小仓流
 (Mồng 2 tháng 2, rồng ngóc đầu dậy, kho lớn chứa đầy ắp, kho nhỏ chứa tràn ra cả bên ngoài)
          Mỗi khi tiết xuân đến, vào ngày này đại bộ phận khu vực phương bắc từ lúc sáng sớm, nhà nhà đều rước đèn lồng ra bên giếng hoặc bên bờ sông để lấy nước, về đến nhà liền thắp đèn, thắp hương dâng cúng. Thời xưa, mọi người gọi nghi thức này là “dẫn điền long”. Ngày đó, nhà nhà đều ăn mì, bánh chiên, hạt bắp rang bung, ví với “khều đầu rồng”, “ăn mật rồng”, “kim đậu nở hoa, long vương thăng thiên, gọi mây gọi mưa, ngũ cốc dư thừa” để biểu thị cát tường.
          Về nguồn gốc của “xuân long tiết”, trong dân gian ở phía bắc Trung Quốc lưu truyền một câu chuyện thần thoại:
          Khi Võ Tắc Thiên lên làm hoàng đế, đã chọc giận Ngọc Hoàng Đại Đế, khiến Ngọc Đế truyền dụ tứ hải long vương, trong 4 năm không được làm mưa chốn nhân gian. Chẳng bao lâu, vị long vương cai quản thiên hà nghe tiếng khóc ai oán của mọi người chốn nhân gian, nhìn thấy thảm cảnh người chết đói khắp nơi, sợ đoạn tuyệt con đường sống ở nhân gian, bèn kháng lại ý chỉ của Ngọc Đế, đã giáng xuống trận mưa.
          Ngọc Đế biết được, đày vị long vương nọ xuống phàm trần, đè dưới một ngọn núi lớn để chịu tội, trên núi dựng một tấm bia, đề rằng:
          Long vương làm mưa phạm thiên quy, đáng chịu tội ngàn năm chốn nhân gian. Nếu muốn trở lên lại Linh Tiêu các 灵霄阁, trừ phi lúc kim đậu nở hoa.
          Để cứu vị long vương nọ, mọi người đi khắp nơi tìm kim đậu đang nở hoa. Đến ngày mồng 2 tháng 2 năm sau, khi mọi người đang phơi bắp, nhìn thấy hạt bắp giống kim đậu, rang lên sẽ nở hoa, chẳng phải là “kim đậu khai hoa” sao? Thế là nhà nhà đều rang bắp, đồng thời đặt án giữa sân thắp hương dâng cúng “kim đậu” đã nở hoa.
          Long vương ngóc đầu lên nhìn, biết bách tính cứu mình, bèn lớn tiếng hướng đến Ngọc Đế la lớn:
Kim đậu nở hoa rồi, mau thả ta ra!
          Ngọc Đế nhìn xuống nhân gian, thấy trong sân mọi nhà kim đậu đã nở hoa, đành truyền dụ, triệu long vương về lại thiên đình, tiếp tục làm mưa xuống chốn nhân gian.
          Từ đó, trong dân gian hình thành tập quán, cứ vào ngày mồng 2 tháng 2, mọi người đều rang bắp để ăn.
          Kì thực, sau ngày mồng 2 tháng 2 âm lịch, tiết “vũ thuỷ” đến, chấm dứt hiện tượng ít mưa ở mùa đông, lượng mưa dần nhiều lên. Đây vốn là đặc điểm khí hậu gió mùa ở vùng Hoa bắc.

                                                     Huỳnh Chương Hưng
                                                     Quy Nhơn 18/3/2018
                                               Mồng 2 tháng 2 năm Mậu Tuất

Nguyên tác Trung văn
NHỊ NGUYỆT NHỊ, LONG ĐÀI ĐẦU
二月二 , 龙抬头
Trong quyển
THANH THIẾU NIÊN TỐI HỈ HOAN ĐÍCH
THẦN THOẠI CỐ SỰ
青少年最喜欢的
神话故事
Tác giả: Ngô Cảnh Minh 吴景明
Diên Biên nhân dân xuất bản xã, 2002
Previous Post Next Post