Dịch thuật: Danh tướng Tổ Địch

DANH TƯỚNG TỔ ĐỊCH

          Tổ Địch 祖逖người Phạm Dương 范阳. Phụ thân là Tổ Vũ 祖武, từng nhậm chức Thái thú ở Thượng Cốc 上谷. Tổ Địch mất cha từ lúc nhỏ, cuộc sống do người anh cả lo liệu. Tổ Địch lúc nhỏ không thích đọc sách, tính cách mạnh mẽ, vì bạn có thể rút đao tương trợ. Con người Tổ Địch khảng khái đại độ, thường lấy danh nghĩa các anh, đem gạo trong nhà ban phát giúp người nghèo.
          Thời thanh niên, Tổ Địch bắt đầu khắc khổ đọc sách. Năm 24 tuổi nhậm chức Tư Châu chủ bạ, ông có một người cộng sự tên là Lưu Côn 刘琨, hai người ý khí hợp nhau, trở thành đôi bạn thân thiết. Họ thường bàn luận đại sự của đất nước, thề bắt chước theo các bậc thánh hiền ngày xưa, trở thành nhân tài an bang định quốc. Ngày nọ, hai người bàn luận đến tối, bèn gác chân mà ngủ. Nghe tiếng gà rừng gáy, Tổ Địch bừng tỉnh dậy, lấy chân đá Lưu Côn gọi dậy, nói rằng:
          - Anh nghe đi, đó chẳng phải là tiếng gáy của gà rừng sao? E đó là âm thanh của tà ác, điềm báo binh nổi dậy, thiên hạ sắp đại loạn, chúng ta không thể ngủ yên được.
          Thế là hai người xuống giường lấy kiếm, cùng đối kiếm  trong sân dưới ánh trăng.
          Năm 311, Lưu Thông 刘聪 nước Hán sai đại tướng Vương Di 王弥, Lưu Diệu 刘曜công hãm Lạc Dương 洛阳. Năm 316, quân Hung Nô công chiếm Trường An 长安, bắt hoàng đế Tây Tấn, sự thống trị của Tây Tấn kết thúc.
          Lúc bấy giờ, Tổ Địch ở trong đám người chạy nạn, khi ngang qua sông Hoài sông Tứ, ông đem xe ngựa của nhà mình dành cho người già và người bệnh ngồi, còn mình đi bộ theo sau. Quần áo lương thực của ông cũng đem chia cho mọi người cùng hưởng. Gặp phải bọn phỉ, ông đích thân cùng gia đinh đánh lại khiến bọn phỉ tháo chạy. Tổ Địch trên đường chạy về phía nam, tiềng đồn về ông vô cùng tốt. 
          Tháng 3 năm 317, Tư Mã Duệ 司马睿dưới sự ủng hộ của sĩ tộc Vương Đạo 王导, đã kiến lập vương triều Đông Tấn tại Kiến Khang 建康. Tư Mã Duệ từng nghe đại danh của Tổ Địch, nghe nói Tổ Địch đã đến Tứ khẩu 泗口, liền chiếu lệnh nhậm mệnh ông làm Từ Châu Thứ sử 徐州刺史, sau lại điều làm Quân ti Tế tửu 军谘祭酒, trú phòng tại Kinh khẩu yếu ải.
     Tư Mã Duệ không muốn bắc phạt khôi phục giang sơn cũ,  chỉ muốn ở yên cõi đông nam. Tổ Địch kịp thời khuyên Tư Mã Duệ:
          - Trung nguyên đại loạn, sinh linh đồ thán, người người mang lòng căm phẫn. Lúc này nếu bệ hạ giao Thượng tướng quân thảo phạt phương bắc, nhất định sẽ thu phục lại vùng đất đã mất. Xin bệ hạ suy nghĩ kĩ.
          Tư Mã Duệ tuy đáp ứng Tổ Địch, nhưng trong lòng không hi vọng, nhậm mệnh Tổ Địch làm Phấn uy Tướng quân 奋威将军, Dự Châu Thứ sử 豫州刺史, phát lương thực đủ cho 1 ngàn người, 3 ngàn súc vải, một số giáp trụ vũ khí. Tổ Địch trong lòng cảm thấy bất mãn, nhưng vì kiên quyết báo quốc nên quyết định tiến lên phía bắc.
          Hôm đó, Tổ Địch thống lĩnh hơn 100 gia đinh chạy nạn về phía nam, thuê mấy chiếc thuyền lớn vượt Trường giang. Tổ Địch đứng nơi đầu thuyền, nhìn nước chảy cuồn cuộn, suy nghĩ dâng trào, nghĩ đến thời trẻ cùng Lưu Côn nghe gà gáy thức dậy múa gươm. Nay trung nguyên gặp nạn, sơn hà bị tàn phá, Tư Mã Duệ lại bằng lòng với hiện trạng, các đại thần chỉ biết tranh lợi đoạt quyền, chẳng quan tâm đến việc thu phục trung nguyên. Tổ Địch căm giận, cầm mái chèo gõ vào mạn thuyền, bi tráng thề rằng:
          - Tổ Địch ta nếu không quét sạch tặc khấu trung nguyên, thu phục lại sơn hà, quyết không trở về.
          Tổ Địch sau khi vượt sông, đội ngũ lưu lại Hoài Âm, ông sai người rèn luyện binh khí, chiêu binh mãi mã. Chẳng bao lâu đội ngũ đã mở rộng lên đến mấy ngàn người. Tổ Địch thấy sĩ khí đang hăng liền thống lĩnh bộ hạ công hạ Tiêu Thành 谯城, lại liên tục công phá Thạch Lặc 石勒, ủng hộ lực lượng vũ trang cát cứ các nơi. Đến lúc này, danh tiếng Tổ Địch vang khắp đại giang nam bắc, quý tộc Nhung Địch phía bắc nghe tên ông phải sợ, bách tính người Hán trông ngóng vương sư đến, Tổ Địch thừa thắng xuất kích, phái bộ hạ Hàn Tiềm 韩潜 chia binh tiến đóng Phong Khâu 封丘Hà Nam 河南, riêng mình tiến đóng Ung Khâu, tạo thế gọng kềm, toàn bộ vùng đất phía nam Hoàng hà đã thuộc về Đông Tấn.
          Tổ Địch tích trữ lương thực, luyện tập binh mã chuẩn bị vượt Hoàng hà. Tư Mã Duệ nhậm mệnh Đới Nhược Tư 戴若思 làm Dự Châu Đô đốc 豫州都督. Đới Nhược Tư là người phương nam, trước giờ chủ trương ở yên, sao triều đình lại phái ông ta đến? Bắc phạt nhất định không thể bỏ dỡ. Tổ Địch lúc này đã quá 50 tuổi, lòng lo như lửa đốt, cuối cùng đổ bệnh.
          Tổ Địch trong cơn bệnh chí hướng vẫn không dời đổi, vẫn muốn thu phục sơn hà, ông phái người cháu là Tổ Tế 祖济tổ chức nhân viên gia cố tu bổ thành Hổ Lao 虎牢, làm cơ sở bắc phạt. Tòa thành này phía bắc đến Hoàng hà, phía tây tiếp Thành Cao 成皋, địa hình hiểm yếu, Tổ Địch sớm đã chú ý đến nơi này, nhưng thành chưa xây xong, Tổ Địch đã ngã bệnh và qua đời, hưởng niên 56 tuổi.
          Một đời danh tướng, Tổ Địch giỏi về thao lược, mưu định mới hành động, giữa đường hành quân ông cũng thường nghiên cứu về chiến lược chiến thuật của các danh tướng thời cổ, một khi đến nơi đóng quân, tay không rời sách. Ngoài ra Tổ Địch cũng rất nghiêm về kỉ luật, cuộc sống tiết kiệm. Tại nơi đóng quân, ông không chỉ giúp bách tính sản xuất nông nghiệp, mà còn đốc thúc con em mình  tham gia lao động, thậm chí bản thân ông cũng lên rừng đốn củi. Đương thời, nơi đây xương trắng đầy đồng, Tổ Địch sai ngươi thu nhặt, tự mình đích thân tế lễ, hoàn toàn xuất phát từ tấm lòng nhân từ, bách tính nhìn thấy vô cùng cảm động. Một lần, Tổ Địch chiêu đãi các phụ lão nơi đó, có một cụ già rơi nước mắt nói rằng:
          - Tôi tuổi đã cao, tưởng rằng sẽ không thấy được vương sư, cũng không thấy được khí tượng Tây Tấn thống nhất nam bắc. Nay nhìn thấy tướng quân Tổ Địch, quốc gia khôi phục, sơn hà tươi sáng, tôi có chết cũng chẳng ân hận gì.

                                                          Huỳnh Chương Hưng
                                                          Quy Nhơn 09/3/2018

Nguyên tác Trung văn
DANH TƯỚNG TỔ ĐỊCH
名将祖逖
Trong quyển
TRUNG HOA THƯỢNG HẠ NGŨ THIÊN NIÊN
中华上下五千年
Chủ biên: Lí Tinh 李晶
Nam Kinh đại học xuất bản xã, 2007
Previous Post Next Post