Dịch thuật: Hạ Khải đoạt thiên hạ

HẠ KHẢI ĐOẠT THIÊN HẠ

          Hạ Khải 夏启là con của ông Vũ , cũng là vị quân vương đời thứ 2 của triều Hạ , còn được gọi là Tự Khải 姒启, Đế Khải 帝启, Hạ Hậu Khải 夏后启, Hạ Vương Khải 夏王启, phụ thân là ông Vũ, mẫu thân là con gái của Đồ Sơn thị 涂山氏. Sau khi phụ thân là ông Vũ qua đời, Hạ Khải kế vị, ông đã đổi cách tuyển chọn tiến cử thủ lĩnh mới, mà thay vào đó là theo mối quan hệ huyết thống, thủ tiêu “thiện nhượng chế” 禅让制, bắt đầu một chương mới về “thế tập chế” 世袭制
          Sau khi Đế Thuấn 帝舜già, nhường vị trí cho Đại Vũ 大武 – người có công trị thuỷ thay thế mình, trở thành vị thủ lĩnh mới của liên minh bộ lạc. Nhưng sau khi Đại Vũ già, chỉ trao danh phận cho người kế thừa có công lớn là Bá Ích 伯益 , để cho con mình là Hạ Khải thực quyền trị lí thiên hạ. Sau khi Hạ Khải tức vị đã dẫn đến sự bất mãn của Bá Ích. Bá Ích vốn là người Đông Di, liền triều tập các bộ tộc Đông Di tấn công Hạ Khải. Nhưng, Hạ Khải sớm đã phòng bị, trải qua một trận kịch chiến, đội quân Đông Di đại bại, Bá Ích cũng bị bắt.
          Để chúc mừng thắng lợi của mình, Hạ Khải đã tổ chức yến tiệc tại Quân Đài 钧台 (nay là Vũ Châu 禹州Nam 河南) mời thủ lĩnh các bộ lạc. Nhưng bộ lạc Hữu Hỗ Thị 有扈氏không những cự tuyệt không đến dự mà còn yêu cầu Hạ Khải trả ngôi vị cho Bá Ích. Đương nhiên Hạ Khải không đồng ý. Thế là Hữu Hỗ Thị lấy đó làm cớ, liên hiệp một số bộ lạc phản đối Hạ Khải, phát binh tấn công Hạ Khải.
          Hạ Khải nhận thấy địa vị thống trị của mình có nguy cơ sụp đỗ, lập tức động viên quân đội vượt qua phía tây Hoàng hà, tiến hành phản kích Hữu Hỗ Thị. Hai bên gặp nhau tại Cam Trạch 甘泽(nay là vùng huyện Hộ Thiểm Tây 陕西) triển khai quyết chiến.
          Trước ngày quyết chiến, Hạ Khải triệu khai đại hội thệ sư, động viên các tướng sĩ phụng hành mệnh lệnh của trời trừng phạt Hữu Hỗ Thị. Ông còn quy định, phàm là trong chiến tranh, ai dũng cảm chiến đấu đều được tưởng thưởng; còn ai lâm trận mà tháo lui, không chỉ bị xử tử mà người trong tộc còn bị phạt làm nô lệ. Dưới sự động viên của Hạ Khải, các tướng sĩ đều phấn chí hiên ngang liều mình. Về phía Hữu Hỗ Thị đều là đội quân lâm thời triệu tập, nên nhanh chóng bị tan rã, nhiều người bị bắt làm nô lệ.
          Từ đó, Hạ Khải têu diệt triệt để Hữu Hỗ Thị, củng cố sự thống trị của mình, trở thành vị quân chủ danh đúng với thực.
          Đợi sau khi bốn phương bình định, Hạ Khải phân định lại cửu châu, uỷ phái thân tín của mình đi quản lí, xưng là “cửu mục” 九牧. Ngoài ra, ông còn kiến lập quân đội, thiết lập các cơ cấu quản lí sự vụ quốc gia, bắt đầu trưng thu thuế khoá. Như vậy, vương triều theo chế độ nô lệ đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc là triều Hạ ra đời.

Tư liệu bổ sung
          Triều đại đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc là triều Hạ do Hạ Khải kiến lập. Sự kiến lập triều Hạ đã đánh dấu sự diệt vong của xã hội nguyên thuỷ và sự ra đời của xã hội nô lệ. Sự xuất hiện của xã hội nô lệ đã đánh dấu chế độ tư hữu thay thế chế độ công hữu, và để bảo vệ tài sản tư hữu và quyền lực tranh đoạt cần phải kiến lập cơ cấu bạo lực để thực hiện. Sự ra đời của triều Hạ cũng tượng trưng cho sự ra đời nhà nước với công cụ thống trị giai cấp. Vì quyền lợi và tài sản của mình, Hạ Khải đánh bại Bá Ích và Hữu Hỗ Thị, yêu cầu dùng chế độ thế tập thay cho chế độ thiện nhượng, điều này cũng dẫn đến sự tranh đoạt của những người con của Hạ Khải về quyền kế thừa vương vị, khiến thủ túc tương tàn, sát hại lẫn nhau, sử gọi đó là “Vũ Quan chi loạn” 武观之乱 (1).

Chú của người dịch
1- Vũ Quan 武观: cũng còn gọi là “Ngũ Quan” 五观là người con thứ 5 của Hạ Khải. Hạ Khải năm thứ 15, Vũ Quan đã phản loạn.
         
                                                         Huỳnh Chương Hưng
                                                         Quy Nhơn 28/11/2017

Nguyên tác Trung văn
HẠ KHẢI ĐOẠT THIÊN HẠ
夏启夺天下
Trong quyển
TRUNG QUỐC LỊCH SỬ CỐ SỰ
中国历史故事
Biên soạn: Sơ Dương Tả Tả 初阳姐姐
Trường Xuân: Cát Lâm văn sử xuất bản xã, 2015.
Previous Post Next Post