Dịch thuật: Người đọc nhiều sách nhất thời cổ Trung Quốc là ai

NGƯỜI ĐỌC NHIỀU SÁCH NHẤT THỜI CỔ TRUNG QUỐC LÀ AI

          Lí Ngao 李敖tác gia Đài Loan nổi tiếng tự xưng “trong 50 năm, 500 năm viết văn bạch thoại hay nhất”, một đời bác lãm quần thư, trứ tác rất nhiều. Ông từng biên soạn qua bộ Trung Quốc danh trứ tinh hoa toàn tập 中國名著精華全集, trong sách dường như nêu hết những tinh hoa danh trứ của Trung Quốc cổ đại, đồng thời cung cấp cho giới tân học hiện đại điểm quang chiếu, khiến người hiện đại đọc sách cổ có thể có được những tinh hoa chân chính.
          Ở lời tựa Yếu bả kim chân độ dữ nhân 要把金針度與人trong bộ Trung Quốc danh trứ tinh hoa toàn tập có nói, trong số người Trung Quốc cổ đại, người đọc sách nhiều nhất phải kể đến Trần Mộng Lôi 陳夢雷 – người biên soạn bộ Cổ kim đồ thư tập thành 古今圖書集成, bộ bách khoa toàn thư lớn nhất thế giới. Trần Mộng Lôi từng nói, bản thân mình “đọc sách 50 năm”, “đọc qua hơn vạn quyển”. Về phương diện lịch sử học của Lí Ngao, trình độ của ông rất ít người địch lại, quan điểm của ông không sai. Trần Mộng Lôi đọc sách rất nhiều, quả thực là trong số những người xưa không ai sánh bằng.
          Trần Mộng Lôi (1650 – 1741), tự Tắc Chấn 則震, hiệu Thiên Nhất Đạo Nhân 天一道人, về già lấy hiệu là Tùng Hạc Lão Nhân 松鶴老人, người Phúc Châu 福州. Ông đậu Tiến sĩ vào năm Khang Hi 康熙 thứ 9 (năm 1670), được tuyển Thứ cát sĩ, nhậm chức Hàn lâm viện biên tu. Là một đại học giả nổi tiếng đời Thanh, nhưng một đời lao đao phiêu dạt luôn gặp nhiều bất hạnh., nhưng trứ tác thì lại rất phong phú, từng viết Nhàn Chỉ Đường tập 閑止堂集 2 quyển, Tùng Hạc Sơn phòng tập 松鶴山房集 16 quyển, Thiên Nhất Đạo Nhân tập 天一道人集 100 quyển, và dường như những tri thức văn hoá trước đời Thanh đều tập  trung trong bộ trứ tác huy hoàng đồ sộ Cổ kim đồ thư tập thành.
          Năm 1673, Trần Mộng Lôi về quê thăm cha mẹ. Tháng 3 năm sau, Tĩnh Nam Vương Cảnh Tinh Trung 靖南王耿精忠 ở Phúc Châu với Bình Tây vương Ngô Tam Quế 平西王吳三桂 ở Vân Nam, Bình Tây Vương Thượng Khả Hỉ 平西王尚可喜 ở Quảng Đông cùng nhau hô ứng, 3 phiên trấn Vương bắt tay nhau phát động cuộc phản loạn, sử xưng là “tam phiên chi loạn”. Cảnh Tinh Trung tự xưng “Tổng thống binh mã đại tướng quân” với 10 vạn binh. Ông bức ép Tổng đốc Phạm Thừa Mô 范承謨, chia binh làm 3 lộ hướng đến Giang Tây, Triết Giang tấn công, đồng thời lôi kéo tầng lớp danh lưu trong xã hội, trao cho họ chức vị, ép nhân sĩ cùng làm phản; bắt Trần Mộng Lôi đang về thăm cha mẹ tại
Phúc Châu giam lỏng nơi tự miếu, buộc Trần Mộng Lôi nhập bọn. Trần Mộng Lôi thác bệnh cự tuyệt, trốn tại nhà bí mật viết tấu sớ dâng lên triều đình nhà Thanh bày tỏ lòng trung thành, xin triều đình đem quân xuống phía nam, ông nguyện sẽ làm nội ứng.
          Tấu sớ do Trần Mộng Lôi và Lí Quang Địa 李光地 đồng kí tên, dùng sáp phong lại, do Lí Quang Địa ngầm đi đến kinh thành đích thân trình lên triều đình. Trong Phúc Kiến thông chí – Trần Mộng Lôi truyện 福建通志 - 陈夢雷傳 có nói: do Trần Mộng Lôi “li tán nghịch đảng, thám thính tin tức, dựa vào Lí Quang Địa bên ngoài, theo đường núi thông tin đến quân binh”, cùng xin quân binh triều Thanh tiêu diệt.
          Lí Quang Địa người An Khê 安溪 Phúc Kiến 福建, đậu Tiến sĩ cùng khoa với Trần Mộng Lôi, và cùng là Hàn lâm viện biên tu, kết giao với Trần Mộng Lôi. Lúc bấy giờ Lí Quang Địa cũng đang tại quê nhà An Khê. Hai người sau khi mật thương nghị định đoạt, Lí Quang Địa hãy còn dọ thám, qua nữa năm, thấy Cảnh Tinh Trung phản loạn đã bại, bèn mạo nhận mật sớ là của mình, xoá bỏ tên Trần Mộng Lôi, phong mới lại, rồi sai thân tín đến kinh thành dâng lên quân cơ. Khang Hi sau khi xem qua lộ vẻ vui mừng, Lí Quang Địa nhân đó được tín nhiệm, lần lượt được đề bạt, lên đến chức Tuần phủ Trực Lệ và Văn Uyên Các đại học sĩ. Còn Trần Mộng Lôi không những không có công mà ngược lại bị hoạ sát thân: do bởi bị ép ra làm “học sĩ” cho Cảnh Tinh Trung mà bị Cảnh đảng là Từ Hồng Bật 徐鴻弼 vu cáo, mang tội “giúp phản nghịch” nên bị bắt giam vào ngục.
          Trần Mộng Lôi sau khi bị giam, từng có lần xin Lí Quang Địa làm chứng, nhưng trong thời gian hơn 4 năm, Lí Quang Địa luôn im lặng, mãi đến năm 1680, Lí Quang Địa mới “thay mặt Trần Mộng Lôi dâng sớ”, nhưng đối với việc Trần Mộng Lôi tại Phúc Châu “li tán nghịch đảng, bí mật mưu đồ làm nội ứng cho quân Thanh, y không hề nói tiếng nào”. Cho nên lá sớ đó không có tác dụng gì. Nhân đó, Trần Mộng Lôi vô cùng oán hận Lí Quang Địa, mắng y là kẻ “dối vua lừa bạn”, còn viết Dữ Lí Quang Địa tuyệt giao thư 李光地絕交書. Thượng thư bộ Hình Từ Càn Học 徐乾學 thương xót nỗi oan của Trần Mộng Lôi, nhiều lần trần tình cho ông. Năm 1682, triều đình nhà Thanh mới đổi tội tử của Trần Mộng Lôi sang tội biếm trích, bắt đi đày tại Thượng Dương Bảo 尚陽堡 ở Thẩm Dương 瀋陽.
          Ai ngờ hoạ bất đơn hành, Trần Mộng Lôi vừa đến nơi liền bị bệnh, cha mẹ của ông cũng vì án oan của ông quật ngã, trước sau nối nhau qua đời. Vợ con theo ông đi đày cũng chết. Trong nỗi đau tột cùng, Trần Mộng Lôi vẫn luôn phấn chấn tinh thần, tay không rời sách, khắc khổ học tập và trứ thuật. Trần Mộng Lôi tinh thông Mãn văn, sống cuộc đời nơi biên tái 17 năm “bốn vách nhà đều là sách, đèn khói ở chốn thâm sâu”. Trần Mộng Lôi chăm chăm không biết mệt theo đuổi việc giáo dục văn hoá và trứ tác, nhiệt tình bồi dưỡng nhân tài nơi đó. Đông thời siêng năng trứ thuật, biên soạn ra Chu Dịch thiển thuật 周易淺述, Thịnh kinh thông chí 盛京通志, Thừa Đức huyện chí 承德縣志, Hải Thành
huyện chí 海城縣志, Cái Bình huyện chí 蓋平縣志 v.v... Ông còn viết ra một số lượng lớn những bài thơ hay.  (còn tiếp)

                                                          Huỳnh Chương Hưng
                                                          Quy Nhơn 07/5/2015

Nguồn
ĐẠI THANH VƯƠNG TRIỀU ĐÍCH NA TA BÍ SỬ THÚ VĂN
大清王朝的那些秘史趣聞
Tác giả: Lưu Kế Hưng 劉繼興
Tinh Quán xuất bản hữu hạn công ti, 2016
Previous Post Next Post