Dịch thuật: Hiến lăng

HIẾN LĂNG

          Hiến Lăng 献陵 triều Minh toạ lạc dưới ngọn núi phía tây của Thiên Thọ sơn  天寿山, đây là mộ hợp táng Minh Nhân Tông Chu Cao Xí 朱高炽 và hoàng hậu Trương thị 张氏.
          Minh Nhân Tông Chu Cao Xí 朱高炽 (1378 – 1425), vị hoàng đế thứ 4 của triều Minh, con trưởng của Thành Tổ Chu Đệ 朱棣. Năm 1395 được sách phong là Yên Vương thế tử 燕王世子, năm 1404 được lập làm thái tử. Thành Tổ nhiều lần xuất chinh đều lệnh cho ông giám quốc. Đầu thời “Tĩnh nạn” 靖难, Thành Tổ dẫn binh tấn công Đại Ninh 大宁 (Ninh Thành 宁城 Nội Mông), lệnh cho Chu Cao Xí giữ Bắc Bình 北平. Kiến Văn Đế lệnh cho Lí Cảnh Long 李景隆 đem 50 vạn đại quân thừa cơ bao vây Bắc Bình. Chu Cao Xí cùng mẫu thân  là Từ phi chỉ huy vạn tướng sĩ anh dũng kháng cự, giữ được thành trì, tạo thời gian quý báu đợi Thành Tổ hồi sư tiêu diệt địch quân giành thắng lợi.
          Năm 1424 Chu Cao Xí lên ngôi tức Nhân Tông 仁宗, đặt niên hiệu là Hồng Hi 洪熙. Ông hạ lệnh cho xá miễn cựu thần của Kiến Văn Đế và gia thuộc quan viên thời Thành Tổ bị liên luỵ, lưu đày vùng biên giới, đồng thời cho phép họ trở về nguyên quán. Dẹp oan ngục, khôi phục quan tước cho một số đại thần, từ đó làm dịu đi mâu thuẫn của nội bộ giai cấp thống trị. Ông nhậm dụng hiền thần, hư tâm lắng nghe những lời can gián. Giảm thuế khoá lao dịch, cứu giúp dân bị tai hoạ. Tu chính kỉ cương, nghiêm trừng bọn tham quan ô lại, khiến xã hội xuất hiện cảnh tượng thái bình. Chu Cao Xí tuy thời gian tại vị rất ngắn, nhưng lại là người nhân hậu, yêu mến bề tôi, thương xót bách tính, giỏi ở việc trị nước nên đã có được những lời khen ngợi của các sử gia. Họ cho rằng, nếu ông tại vị một thời gian dài, với chính tích của mình có thể sánh cùng Văn Đế, Cảnh Đế thời Tây Hán.
          Tháng 5 năm 1425, Nhân Tông qua đời tại điện Khâm An 钦安, tại vị 10 tháng, hưởng niên 48 tuổi, được an táng ở Hiến lăng vào tháng 9 năm đó.
         Nhân Tông hoàng hậu Trương thị (? – 1442), người Vĩnh Thành 永城 (thành phố Vĩnh Thành, Hà Nam) con gái của Chỉ huy sứ Trương Kì 张麒.
          Năm 1395, Trương thị được phong làm Yên Vương Thế Tử Phi. Năm 1404, được phong làm Hoàng thái tử phi. Trương thị vô cùng có hiếu, siêng năng chăm chỉ, bà đích thân xuống bếp, rất được lòng cha mẹ chồng. Sau khi Chu Cao Xí lên ngôi, sách phong Trương thị làm Hoàng hậu. Nhân Tông siêng năng chính sự, không đam mê nữ sắc. Đáng tiếc thời gian làm hoàng đế của ông chưa đến một năm thì đã qua đời. Con là Chu Chiêm Cơ 朱瞻基 lên ngôi tức Tuyên Tông 宣宗, tôn Trương thị làm Hoàng thái hậu. Tuyên Tống đối với mẫu thân vô cùng hiếu kính, đa phần quốc quân đại sự đều bẩm báo thái hậu phán quyết. Bốn phương tiến cống món ngon quả lạ, Tuyên Tông trước tiên dâng lên thái hậu, sau đó mới dùng. Năm 1428, vào sinh nhật Trương thái hậu, Tuyên Tông đưa thái hậu du lãm tây uyển, lên Vạn Thọ sơn 万寿山. Năm sau, lại đưa thái hậu bái yết Trường lăng 长陵, Hiến Lăng 献陵, bách tính dàn hai bên đường nghinh đón, hô to “vạn tuế”. Thái hậu vô cùng cảm động, nói với Tuyên Tông:
          - Bách tính yêu kính Hoàng đế, là do bởi cuộc sống của họ ổn định. Hoàng đế phải yêu dân như con, mới không phụ lòng kì vọng của họ!
          Thái hậu hỏi nông phụ về sinh kế, thôn dân dâng lên thái hậu món ngon quả lạ. Thái hậu lại nói với Tuyên Tông:
          - Đây là phong vị nông thôn, không thể không thưởng thức.
          Đối với ngoại thích, Trương thái hậu yêu cầu nghiêm túc. Em trai bà là Trương Thăng 张升 làm việc cẩn thận, Đại học sĩ Dương Sĩ Kì 杨士奇 thỉnh cầu trọng dụng, bà nói rằng:
          - Tổ tông đã quy định thành phép tắc, không thể làm hỏng pháp độ.
          Bà quyết định vẫn để cho lão thần của Tuyên Tông phụ chính. Thái giám Vương Chấn 王振 giảo hoạt đa mưu, Anh Tông lúc còn nhỏ do ông ta chăm sóc. Khi Anh Tông lên ngôi, lệnh cho ông ta nắm giữ Tư lễ giám. Ông ta chuyên quyền can dự chính sự, tuỳ ý trách phạt đại thần. Thái hoàng thái hậu biết tin vô cùng tức giận, lập tức cho triệu Vương Chấn vào cung, trách ông ta vi phạm cấm lệnh “nội thần bất đắc can chính”, bà thét ra lệnh xử tử, nữ quan nhất tề kề dao vào cổ Vương Chấn. Anh Tông và một số đại thần xin tha mới miễn được tội chết. Trong mấy năm thái hoàng thái hậu tại thế, Vương Chấn không còn dám chuyên chính. Tháng 10 năm 1442, Trương thái hậu bị bệnh và qua đời. Tháng 12 an táng tại Hiến lăng.
          Hiến Lăng bên phải Trường lăng, chiếm diện tích 13.7m2. Tháng 7 năm 1425 khởi công, tháng 9 Huyền cung xây xong, táng Nhân Tông. Tháng 3 năm 1443, toàn bộ kiến trúc lăng tẩm hoàn thành. Trong lăng viên có tiểu sơn, hình dạng như chiếc án, nên có tên là “Ngọc Án sơn” 玉案山, trải dài từ bên trái, nằm ngang theo hướng đông tây. Các thầy phong thuỷ cho rằng “hệ long mạch này, không thể khinh động”, bèn đem lăng viên phân thành tiền hậu xây dựng. Trước núi có môn lâu 门楼, thần trù 神厨, tả hữu có vũ điện 庑殿 và Lăng Ân điện 裬恩殿. Sau núi có phương thành 方城, minh lâu 明楼, bảo đính 宝顶 và địa cung
地宫. Nhân Tông từng có di chiếu dặn rằng:
Sơn lăng chế độ vụ tùng kiệm ước
山陵制度务从俭约
(Chế độ về sơn lăng phải cốt ở chỗ kiệm ước)
          Cho nên Hiến Lăng so với quy mô của Trường lăng nhỏ và giản phác hơn, làm mẫu mực cho kiến trúc Minh lăng sau này. Kiến trúc của Hiến lăng không chỉ giữ được tín điều phong thuỷ “không làm tổn thương đến long mạch”, mà còn khiến cho sơn trùng thuỷ phục, điện đài đan xen nhau hình thành nên cái đẹp hài hoà của cảnh quan giữa nhân văn và tự nhiên.

                                                                  Huỳnh Chương Hưng
                                                                   Quy Nhơn 18/5/2016

Nguyên tác Trung văn
HIẾN LĂNG
献陵
trong quyển
MINH ĐẠI THẬP BÁT LĂNG
明代十八陵
Tác giả: Hoàng Liêm 黄濂
Đại Liên xuất bản xã, 1999
Previous Post Next Post