Dịch thuật: Chí thiện vô ngân, thi chi bất cầu



至善无痕, 施之不求
          施恩者, 内不见己, 外不见人, 则斗粟可当万钟之惠; 利物者, 计己之施, 责人之报, 虽百镒难成一文之功.
                                                              (菜根谭 - 立德修身)

CHÍ THIỆN VÔ NGÂN, THI CHI BẤT CẦU
        Thi ân giả, nội bất kiến kỉ, ngoại bất kiến nhân, tắc đẩu túc khả đương vạn chung chi huệ; lợi vật giả, kế kỉ chi thi, trách nhân chi báo, tuy bách dật nan thành nhất văn chi công.
                                                               (Thái căn đàm – Lập đức tu thân)

CHÍ THIỆN LÀ KHÔNG LƯU LẠI DẤU VẾT,
 LÀM ƠN KHÔNG CẦU BÁO ĐÁP
          Người bố thí ân huệ cho người khác, không nên ghi nhớ trong lòng, cũng không nên nói ra bên ngoài, có như vậy cho dù ân huệ nhỏ như một đấu thóc cũng có thể được báo đáp vạn chung; người lấy tài vật giúp đỡ người khác, luôn so đo trong việc bố thí, muốn người khác báo đáp lại, như vậy cho dù bỏ ra cả vạn lượng vàng, cũng khó mà có được một đồng công đức.

Giải thích và phân tích
          Một anh học trò tham gia khảo thí, quan chủ khảo là Quan Công. Quan Công đưa đề xuống, anh ta cầm bút viết xong ngay, Trong bài làm có câu:
Hữu tâm vi thiện, tuy thiện bất thưởng. Vô tâm vi ác, tuy ác bất phạt.
有心为善虽善不赏无心为恶虽恶不罚
(Có ý đồ làm điều thiện, tuy là thiện nhưng không ngợi khen; vô tâm làm điều ác, tuy là ác nhưng không trách phạt)
Anh học trò cho rằng, một người có lòng làm điều tốt, mà biểu hiện ra cho người ta thấy, hoặc biểu hiện cho quỷ thần thấy, tuy đó là việc tốt cũng không đáng để ngợi khen. Còn như một người khi quăng một con dao cũ, bất hạnh làm tổn thương người khác, người đó hoàn toàn không có ý làm hại đối phương, tuy là việc xấu, nhưng cũng không nên trách phạt.
Quan Công đọc đến đó, vỗ án khen hay, anh học trò cũng nên khen thưởng.
Đó là câu chuyện trong Liêu trai chí dị 聊斋志异, tuy chỉ là một giấc mộng đẹp của anh học trò, nhưng lại nói lên một đạo lí: Một người nếu vì để được tiếng khen hoặc vì tư lợi mà giúp người, tuy bề ngoài nhìn thấy là việc tốt, nhưng cuối cùng cũng chẳng qua là nguỵ thiện, kết cục cũng không tránh khỏi bại lộ. Câu chuyện đó đồng thời cũng nói rằng, cố ý làm việc thiện không phải là thiện, phải làm việc thiện từ nội tâm của mình, đồng thời không lưu lại dấu vết, đó mới là tồn thiện tâm.
Làm việc thiện là điều mà mọi người cần phải làm, nhưng không phải để cho người khác biết mình làm việc thiện. Nếu làm việc thiện vì danh tiếng thì đó không phải là việc thiện chân chính, hành vi đòi người khác báo đáp và hành vi cố ý làm ra vẻ lại càng sỉ nhục. Sự thực khi chúng ta thực lòng làm việc thiện mà không tính đến việc báo đáp, thì ngược lại sự báo đáp lại có ngoài ý muốn.
Tại một trấn cổ có một sạp hàng bán rau, bình thường khách không đông lắm, bởi người ở đây đều tương đối nghèo, mua không nổi thức ăn. Nhưng thường có một nhóm trẻ con nhà nghèo đến đây. Tuy chỉ đến để chơi đùa, nhưng chủ sạp hàng vẫn luôn chào hỏi, đối đãi chúng như người lớn.
- Chào các cháu, hôm nay khoẻ không?
- Cám ơn chú, cháu rất khoẻ. Chú, mấy củ khoai tây này nhìn thấy rất ngon.
- Vậy à! Mẹ cháu thế nào?
- Mẹ vẫn khoẻ, có chuyển biến tốt.
- Vậy thì tốt rồi, cháu muốn chút gì không?
- Không thưa chú. Cháu chỉ cảm thấy khoai tây rất tươi thôi.
- Cháu muốn mang một ít về nhà không?
- Không thưa chú, cháu không có tiền.
- Dùng đồ gì đó để đổi, được không?
- Mà ….. cháu chỉ có mấy viên bi
- Thật chứ. Cho chú xem.
- Đây, chú xem. Đây là viên tốt nhất.
- Rồi! nhưng chẳng qua đây là viên màu lam, chú muốn viên màu đỏ. Nhà có viên màu đỏ không?
- Đương nhiên có.
- Thế này nhé! Trước tiên cháu mang mấy củ khoai tây về nhà, lần sau cho chú xem viên màu đỏ đó.
- Dạ, nhất định. Cám ơn chú.
Mỗi lần chủ sạp hàng nói chuyện cùng với  vị khách hàng nhỏ tuổi này, vợ ông ta lặng lẽ đứng một bên, nhìn họ với sắc mặt vui  vẻ. Bà ta biết rõ trò diễn này rồi, cũng hiểu rõ những việc mà chồng mình làm.
Nhiều năm trôi qua, chủ sạp vì bệnh mà qua đời. Người trong trấn đều đến cáo biệt, có cả mấy đứa trẻ mà trước đây cùng với ông trao đổi đồ.
          Chúng ta rất khó tính đến ảnh hưởng của việc làm điều thiện đối với giá trị sinh mệnh cá nhân. Có lẽ những gì chúng ta làm lúc đó sẽ không có được sự hồi báo ngay lập tức, nhưng những gì chúng ta làm sẽ lưu lại hạt giống cảm ơn trong lòng người khác. Hạt giống đó không đâm chồi ngay lúc đó, nhưng sẽ có một ngày nhất định nó sẽ trổ bông, hương bay xa muôn dặm.
          Cuộc sống thực tế cũng là đạo lí như thế, làm việc thiện không phải là để cho người ta chú ý đến,điều mà sinh mệnh cần chúng ta phải làm, đó là mở rộng tấm lòng thương yêu người khác, chân thành yêu thương người khác, an ủi những người thất ý, vỗ về những người bị tổn thương, cổ vũ những người nản  chí. Chí thiện là không lưu lại dấu vết, để cho lòng mình như hoa mai lan toả hương thơm.

                                                               Huỳnh Chương Hưng
                                                               Quy Nhơn 05/5/2016

Nguồn
THÁI CĂN ĐÀM
菜根谭
Tác giả: (Minh) Hồng Ứng Minh 洪应明
Biên soạn: Bàng Bác 庞博
Trung Quốc Hoa Kiều xuất bản xã, 2013
Previous Post Next Post