Dịch thuật: Khương Tử Nha với "Lục thao"

KHƯƠNG TỬ NHA VỚI “LỤC THAO”

          Lục thao 六韬, cũng gọi là Thái Công lục thao 太公六韬 hoặc Thái Công binh pháp 太公兵法, là bộ binh thư nổi tiếng của Trung Quốc cổ đại. Trong Tuỳ thư – Kinh tịch chí 隋书 - 经籍志 chú rằng:
Chu Văn Vương sư Khương Vọng soạn
周文王师姜望撰
(Thầy của Chu Văn Vương là Khương Vọng soạn)
          Khương Vọng 姜望, còn gọi là Lã Vọng 吕望, tự Tử Nha 子牙 (có thuyết nói là Tử Thượng 子尚), tục xưng là Khương Thái Công, Khương Tử Nha, công thần khai quốc triều Tây Chu, thuỷ tổ của nước Tề. Trong lịch sử, đối với tác giả của Lục thao, năm hoàn thành sách cùng tính chân nguỵ của nó luôn có nhiểu tranh luận. Từ đời Tống trở đi, cơ bản phủ định bộ sách này do Lã Vọng biên  soạn, cho rằng đó là nguỵ thác của người từ đời Hán trở về sau. Năm 1972 trong ngôi mộ thời Tây Hán tại núi Ngân Tước 银雀 huyện Lâm Nghi 临沂 tỉnh Sơn Đông 山东 đã phát hiện một số thẻ trúc, trong đó đó 54 thẻ về Lục thao nhưng bị tàn khuyết, điều này nói rõ Lục thao đã lưu truyền trước thời Tây Hán, chứ không phải là nguỵ thác của người từ đời Hán trở về sau. Đa phần các học giả hiện nay đều nhận định Lục thao thành sách là vào thời Chiến Quốc. Lí do là: Văn từ trong Lục thao không sâu, phong cách văn tự khác xa thời Thương Chu, mà gần với Ngô Tử 吴子, Tôn Tẫn binh pháp 孙膑兵法 của thời Chiến Quốc. Nhiều thiên trong sách đề cập đến kị binh tác chiến, mà kị binh sản sinh sau khi Triệu Vũ Linh Vương 赵武灵王 thời Chiến Quốc thực hành “Hồ phục kị xạ” 胡服骑射. Trong sách cũng nói đến một loạt những binh khí bằng sắt, những loại binh khí này đến thời Chiến Quốc mới xuất hiện. Ngoài ra, sự hình thành học thuyết âm dương ngũ hành cũng là sự kiện của thời Chiến Quốc. Lục thao thành sách vào thời Chiến Quốc, đương nhiên không phải là sáng tác của Lã Vọng, mà là người thời Chiến Quốc giả danh soạn thành.
          Lục thao thông qua hình thức đối thoại giữa Chu Văn Vương, Chu Vũ Vương với Lã Vọng, luận thuật nguyên tắc cùng lí luận trị quốc, trị quân và chỉ đạo chiến tranh, là bộ binh thư có giá trị trọng yếu, có ảnh hưởng to lớn đối với đời sau, rất được danh tướng binh gia các đời coi trọng. Tư Mã Thiên 司马迁 trong Sử kí – Tề Thái Công thế gia 史记 - 齐太公世家 nói rằng:
          Hậu thế chi ngôn binh cập Chu chi âm quyền, giai tông Thái Công vi bản mưu.
          后世之言兵及周之阴权, 皆宗太公为本谋
          (Đời sau khi bàn về đạo dùng binh và quyền thuật bí ẩn của nhà Chu đều tôn và tuân theo sách lược cơ bản của Thái Công.)
          Khoảng niên hiệu Nguyên Phong 元丰 thời Thần Tông 神宗 triều Bắc Tống, Lục thao được xếp vào một trong “vũ kinh thất thư” 武经七书 (1), là sách mà người học võ cần phải đọc. Lục thao cũng có ảnh hưởng sâu rộng đối với nước ngoài, thế kỉ thứ 16 truyền vào Nhật Bản, thế kỉ thứ 18 truyền sang châu Âu, hiện nay đã dịch sang các thứ tiếng như Nhật, Pháp, Triều, Việt, Anh, Nga …
          Trong những trứ tác binh thư thời Xuân Thu Chiến Quốc, bộ Tôn Tử binh pháp 孙子兵法 của Tôn Vũ 孙武 là trứ tác lí luận quân sự sớm nhất hiện còn, nổi tiếng khắp thế giới. Bộ Tôn Tẫn binh pháp 孙膑兵法 của hậu nhân của ông, đã trên cơ sở Tôn Tử binh pháp tiến thêm một bước quy nạp kinh nghiệm chiến tranh, đề xuất tư tưởng và nguyên tắc chỉ đạo tác chiến mới. Ngoài ra, cũng như Uý Liêu Tử 尉缭子, Lục thao 六韬 …, nó cũng là bộ trứ tác binh thư trọng yếu.

Chú của người dịch
1- Vũ kinh thất thư 武经七书: là bộ tùng thư binh pháp được triều đình Bắc Tống ban hành, là bộ giáo khoa thư quân sự đầu tiên của Trung Quốc cổ đại, gồm:
          - Tam lược 三略
          - Lục thao 六韬
          - Tôn Tử binh pháp 孙子兵法
          - Ngô Tử binh pháp 吴子兵法
          - Tư Mã pháp 司马法
          - Uý Liêu Tử 尉缭子
          - Đường Thái Tông Lí Vệ Công vấn đối 唐太宗李卫公问对 

                                                                     Huỳnh Chương Hưng
                                                                     Quy Nhơn 29/9/2015

Nguyên tác
KHƯƠNG TỬ NHA CẬP “LỤC THAO”
姜子牙及六韬
Trong quyển
XUÂN THU CHIẾN QUỐC VĂN HOÁ ĐẠI QUAN
春秋战国文化大观
Chủ biên: Lí Thiếu Lâm 李少林
Nội Mông Cổ nhân dân xuất bản xã, 2006
Previous Post Next Post