Dịch thuật: Vương Tường ngoạ băng

VƯƠNG TƯỜNG NGOẠ BĂNG
王祥卧冰
VƯƠNG TƯỜNG NẰM TRÊN BĂNG

Giải thích: tìm mọi cách để phụng dưỡng cha mẹ, hết lòng vì đạo hiếu.
Xuất xứ: Tấn . Can Bảo 干宝: Sưu thần kí 搜神记

          Thời Tây Tấn có một người tên Vương Tường 王祥, người ở Lâm Nghi 临沂, Lang Nha 琅邪 (nay thuộc Sơn Đông 山东). Lúc nhỏ đã mất mẹ, cha là Vương Dung 王融 cưới một người vợ kế họ Chu . Chu thị ngược đãi Vương Tường, nhưng Vương Tường đối đãi mẹ kế vô cùng hiếu thuận.
          Trong sân nhà họ Vương có một cây lí, trái vừa lớn vừa ngọt, rất ngon. Có một năm, lí sắp chín, Chu thị rất thích ăn, sợ chim tới mổ, nên đã gọi Vương Tường ra sân đuổi chim. Một đêm nọ, đột nhiên nổi gió to, trong phút chốc mưa như trút nước. Cây lí chịu không nổi mưa gió, từng trái từng trái rụng xuống. Vương Tường ôm cây lí khóc. Chu thị nhìn thấy bất giác cảm động.
          Mùa đông năm nọ, Chu thị đột nhiên muốn ăn cá tươi. Lúc bấy giờ mặt sông đóng băng rất dày, ngư dân không có cách nào buông lưới đánh cá. Vương Tường chạy qua mấy phố nhưng mua không có cá tươi, bèn lấy lưới và một khúc cây chạy đến bên sông, chuẩn bị phá băng, sau đó sẽ thả lưới. Mùa đông mặc quần áo rất dày không tiện dùng sức, Vương Tường cởi áo ngoài, lấy sức đánh trên băng. Băng quá dày, trong nhất thời khó phá. Vương Tường nghĩ bụng có thể dùng hơi ấm của mình để làm tan băng. Vì thế, Vương Tường liền nằm một lát  trên băng, sau đó lại tiếp tục phá băng. Vương Tường không ngừng dùng sức, cuối cùng băng phá thành một lỗ lớn. Vương Tường thả lưới, mẻ đầu tiên đã bắt  được 2 con cá chép lớn sắc vàng. Vương Tường vội mang cá về nhà, hiếu kính dâng lên mẹ kế.
          Do bởi Vương Tường nghĩ mọi cách để hiếu kính Chu thị, về sau Chu thị đối đãi Vương Tường như con ruột của mình. 

                                                           Huỳnh Chương Hưng
                                                 Quy Nhơn 30/6/2015

Nguyên tác Trung văn
VƯƠNG TƯỜNG NGOẠ BĂNG
王祥卧冰
Trong quyển
TRUNG QUỐC THÀNH NGỮ CỐ SỰ TỔNG TẬP
中国成语故事总集
(tập 1)
Chủ biên: Đường Kì 唐麒
Trường Xuân – Thời đại văn nghệ xuất bản xã, 2004.
Previous Post Next Post