Dịch thuật: "Quân yếu thần tử, thần bất đắc bất tử" ... (tiếp theo)

“QUÂN YẾU THẦN TỬ THẦN BẤT ĐẮC BẤT TỬ”
CÂU NÀY AI NÓI?
(tiếp theo)

          Thế thì “quân yếu thần tử, thần bất đắc bất tử” rốt cuộc là do thần thánh phương nào đề xuất? Rất may là hiện nay rất nhiều sách cổ cất thành kho tư liệu, kiểm tra qua rất nhanh. Tôi từng bỏ ra một khoảng thời gian đi kiểm tra xuất xứ của câu đó. Kết quả phát hiện, bất cứ chính sử nào và cả Nho điển đều không có câu này cùng cách nói tương tự như vậy, mà là trong hí khúc tiểu thuyết thời Minh Thanh tìm được rất nhiều, như:
          - Đời Minh có Tây du kí 西游记 của Ngô Thừa Ân 吴承恩, Tần Vương dật sử 秦王逸史 của Chư Thánh Lân 诸圣邻, Phong thần diễn nghĩa 封神演义 của Trần Trọng Lâm 陈仲琳….
          - Đời Thanh có Vô thanh hí 无声戏 của Lí Ngư 李渔, Tái sinh duyên 再生缘 của Trần Đoan Sinh 陈端生, Thuyết Nhạc toàn truyện 说岳全传 của Tiền Thái 钱彩, Tiết Đinh San chinh tây 薛丁山征西 của Như Liên cư sĩ 如莲居士, Đường đại cung đình diễm sử 唐代宫廷艳史 của Hứa Khiếu Thiên 许啸天, Song phụng kì duyên 双凤奇缘 của Tuyết Tiều chủ nhân 雪樵主人, Tam hiệp kiếm 三侠剑 của Trương Kiệt Hâm 张杰鑫, Thanh sử diễn nghĩa 清史演义 của Thái Đông Phiên 蔡东藩….
          Có thể thấy, câu “quân yếu thần tử, thần bất đắc bất tử” xuất hiện sớm nhất trong tiểu thuyết đời Minh, trong tiểu thuyết và hí khúc đời Thanh càng thường thấy hơn. Tác giả tiểu thuyết khi nhắc đến câu này, phía trước thường viết: “thường ngôn đạo”, “cổ ngữ vân”, “tự cổ đạo”, “tục thoại thuyết”, cho thấy rõ nó có khả năng là tục ngữ lưu hành trong dân gian thời Minh Thanh. Còn như bắt đầu từ khi nào có câu tục ngữ này thì không thể tra khảo, nhưng có thể khẳng định, việc lưu hành câu này có liên quan đến sự đề cao chuyên chế hoàng quyền của hai đời Minh Thanh, thẩm thấu tư tưởng ngu trung.
          Chu Nguyên Chương 朱元璋 kiến lập một chính thể chuyên chế hoàng quyền dường như thoát li giáo nghĩa của Nho gia và truyền thống trị lí của hai triều Đường Tống. Đối với những luận thuật của Mạnh Tử về mối quan hệ quân thần càng bị Chu Nguyên Chương xem như cừu thù. Có một hôm ông ngẫu nhiên xem quyển Mạnh Tử 孟子, khi đọc đến câu quân chi thị thần như thổ giới, tắc thần thị quân như khấu cừu, đột nhiên đại nộ, cho đó là lời phản động “không phải những lời mà người quân tử nên nói”, ông còn đắng đằng sát khí mắng rằng:
Lão già đó mà sống đến ngày nay, há miễn được tội sao!
Bèn hạ lệnh đem bài vị Mạnh Tử đưa ra khỏi miếu, không cho phối hưởng. Sau đó sai Hàn lâm học sĩ Lưu Tam Ngô 刘三吾 tiến hành lược bỏ bộ Mạnh Tử, nội dung bị bỏ gần 1/3, chỉ cho phép học trò cả nước học “khiết bản” 洁本 (bản sạch) này.
          Cách nói Quân sử thần dĩ lễ, thần sự quân dĩ trung của Khổng Tử cũng bị người triều Thanh phê phán. Thẩm Luyện 沈炼, người từng là Cẩm y vệ nói rằng:
          Phụ bất từ, tử bất khả dĩ bất hiếu; phu bất nghĩa, phụ bất khả dĩ bất trinh; bằng hữu bất phu, ngô bất khả dĩ bất thành. Nhi viết ‘Quân sử thần dĩ lễ, tắc thần sự quân dĩ trung’, thử Nho giả chi ngộ dã.  
          父不慈, 子不可以不孝; 夫不义, 妇不可以不贞; 朋友不孚, 吾不可以不诚. 而曰君使臣以礼, 则臣事君以忠’, 此儒者之误也
          (Cha bất từ, con không thể vì thế mà bất hiếu; chồng bất nghĩa, vợ không thể vì thế mà không giữ tiết trinh; bạn bè không giữ chữ tín, ta không thể vì thế mà không chân thành. Còn như nói: ‘Vua lấy lễ để sai khiến bề tôi, bề tôi lấy lòng trung để thờ vua’, đó là cái lầm của nhà Nho)
         Tôi đoán rằng con người Thẩm Luyện vốn không có ý “quân yếu thần tử, thần bất đắc bất tử”, nhưng cả một thời đại nhà Minh, sĩ đại phu luôn bị đế vương tru sát sỉ nhục, bị đánh trượng giữa sân, quả thực đã xuất lộ mấy phần không khí khủng bố “quân yếu thần tử, thần bất đắc bất tử”. Sự chuyên chế hoàng quyền của triều Thanh cùng với mức độ giam cầm tư tưởng, so với đời Minh càng đi đến chỗ tột cùng. Trong bối cảnh lịch sử như thế, tục ngữ dân gian và trong tiểu thuyết của văn nhân lưu hành cách nói “quân yếu thần tử, thần bất đắc bất tử” cũng không có gì là lạ. Nhưng chúng ta cần phải làm rõ: không một Nho gia nào tán đồng, tuyên dương chủ trương “quân yếu thần tử, thần bất đắc bất tử”. Chỉ có đế vương chuyên chế mới thích lí luận này.
          Nhân đây tôi cũng xin làm rõ một sự hiểu sai khác: xuất hiện cùng với câu “quân yếu thần tử, thần bất đắc bất tử”, còn có câu:
Phụ yếu tử vong, tử bất đắc bất vong
父要子亡,子不得不亡
(Cha khiến con chết, con không thể không chết)
          Và câu này cũng không phải là giáo nghĩa của Nho gia.
          Tăng Sâm 曾参, học trò của Khổng Tử từng hỏi qua Khổng Tử:
Cảm vấn tử tùng phụ chi lệnh, khả vị hiếu hố?
敢问子从父之令, 可谓孝乎?
(Xin hỏi: con tuân theo mệnh lệnh của cha, có thể gọi là hiếu thuận chăng?)
          Khổng Tử có vẻ giận, nói:
          Thị hà ngôn dư? Thị hà ngôn dư? Phụ hữu tránh tử, tắc thân bất hãm vu bất nghĩa. Cố đương bất nghĩa, tắc tử bất khả dĩ bất tránh vu phụ, thần bất khả dĩ bất tránh vu quân. Cố đương bất nghĩa tắc tránh chi. Tùng phụ chi lệnh, hựu yên đắc vi hiếu hồ?
          是何言与? 是何言与? 父有争子, 则身不陷于不义. 故当不义, 则子不可以不争于父, 臣不可以不争于君. 故当不义则争之. 从父之令, 又焉得为孝乎?
          (Nói gì lạ vậy? Nói gì lạ vậy? cha mà có đứa con dám can ngăn nói thẳng, thì người cha sẽ không bị hãm vào chỗ bất nghĩa. Cho nên, khi gặp phải những việc bất nghĩa, phận làm con không thể không khuyên can cha, phận làm bề tôi không thể không can gián vua. Cho nên đối với những việc bất nghĩa, nhất định phải ra sức can ngăn. Chỉ biết tuân theo mệnh lệnh của cha, sao có thể gọi là hiếu thuận được?)
          Khổng Tử cho rằng, phận làm con, đối với cha không nên một mực phục tùng, mà là phải biện minh phải trái đúng sai, nếu cha sai phải ra sức can ngăn, như vậy mới có thể tránh cho cha rơi vào chỗ bất nghĩa, đó mới là hiếu thuận.
          Tăng Sâm là người có chút ngu hiếu. Có một lần Tăng Sâm làm cỏ ruộng dưa, nhân vì sơ ý làm dưa đứt rễ, cha tức giận vụt cho một gậy bất tỉnh. Sau khi tỉnh lại, Tăng Sâm hướng đến cha tạ lỗi rồi về phòng đàn hát, có ý cho cha biết mình không bị hề hấn gì. Khổng Tử biết chuyện, vô cùng giận, nói với các học trò rằng:
Tăng Sâm có đến đừng cho vào
         Tăng Sâm cho mình không có lỗi, nhờ bạn đến thỉnh giáo ở thầy, Khổng Tử nhân đó nói rằng:
          Tăng Sâm thờ cha, lúc cha giận muốn đánh chết mà không chịu tránh đi, để cha lỡ đánh chết thật, có phải là anh ta đã đẩy cha vào chỗ bất nghĩa không? So ra thì việc nào xem là hiếu hơn. Với anh, anh chẳng phải là con dân của thiên tử sao? Nếu cha anh giết con dân của thiên tử thì tội lớn biết bao?
          Với Khổng Tử, mỗi cá nhân đều có hai thân phận: vừa là con của cha mẹ, vừa là dân của đất nước. Phụ quyền hoàn toàn không phải là tuyệt đối, trên phụ quyền còn có vương pháp bảo vệ nhân quyền.

                                                       Huỳnh Chương Hưng
                                                        Quy Nhơn 24/6/2015

Nguồn
THUỲ THUYẾT “QUÂN YẾU THẦN TỬ THẦN BẤT ĐẮC BẤT TỬ”
Tác giả: Ngô Câu 吴钩
Previous Post Next Post