Dịch thuật: Trang phục Thu Đông - Áo

TRANG PHỤC THU ĐÔNG
ÁO

          “Áo” là một loại phục trang trên cơ sở của “nhu” (1) diễn biến mà ra, lúc đầu thường gọi lẫn lộn với loại “đoản nhu” 短襦, hoặc hợp cả hai làm một gọi là “nhu áo” 襦袄. Người mặc ngày càng tăng nhiều, hàm ý của “áo” cũng càng rõ ràng hơn: phàm loại ngắn dài tới eo, vẫn gọi là “nhu”. Loại mà so với “nhu” thì dài hơn; so với “bào” ngắn hơn thì gọi là “áo”.
          “Áo” đa phần được mặc vào mùa Thu mùa Đông, thường dùng chất liệu dày để may. Bên trong có lót, tục gọi là “giáp áo” 夹袄. Nếu trong “áo” có chứa bông gòn thì gọi là “miên áo” 棉袄. Ngoài ra, còn có loại bên trong lót da thú gọi là “bì áo” 皮袄. Khoản thức của “áo” đa phần là vạt lớn, rất ít dùng vạt đối xứng. Tay áo chật để giữ ấm. Từ thời Đường Tống trở về sau, nam nữ đều có thể mặc, sĩ thứ nam nữ có thể mặc làm áo ngoài. Những người tôn quý thì mặc nó bên trong áo dài, rất ít khi mặc riêng. Phụ nữ thời Minh Thanh rất nhiều người mặc loại “áo”, trong tranh nhân vật lúc bấy giờ đã có vẽ với một số lượng lớn, cũng có không ít vật thực truyền đời.
          Nói đến “nhu áo” 襦袄, tất phải giới thiệu qua “mã quái” 马褂. “Mã quái” cũng là một loại áo ngắn, đa phần dành cho đàn ông, lưu hành vào đời Thanh và thời Dân Quốc. Hình dáng lấy vạt đối xứng làm chính, rất ít loại vạt lớn hoặc vạt khuyết, dài chưa đến eo, phía dưới xẻ tà; tay áo có hai loại dài và ngắn, loại dài đến cổ tay, loại ngắn đến cùi chỏ. Miệng tay áo đa phần là ngang bằng nhau, thông thường được mặc ngoài “bào quái” 袍褂. Đầu đời Thanh, “mã quái” chỉ dành cho võ sĩ, do bởi tiện lợi trong việc cưỡi ngựa cho nên có tên gọi như thế. Cuối thời Khang Hi 康熙 “mã quái” truyền ra dân gian, rồi nhanh chóng phổ cập toàn quốc, bất phân quan lại dân thường, ai cũng có thể mặc, rồi diễn biến thành một loại thường phục. Màu sắc của “mã quái” cũng có định chế, “hoàng mã quái” 黄马褂 là tôn quý nhất, chuyên dành cho Ngự tiền thị vệ, Hộ quân thống lĩnh, dân thường không được mặc hoàng mã quái, các màu còn lại đều có thể mặc được. Đầu đời Thanh chuộng màu thiên thanh, khoảng thời Càn Long 乾龙 chuộng màu đỏ tía, thời Gia Khánh 嘉庆 lại chuộng màu tro nhạt.
          Đầu thời Dân Quốc, “mã quái” được định làm lễ phục của nam giới. Nhìn từ quy chế mà chính phủ Dân Quốc ban bố, “mã quái” mà đàn ông lúc bấy giờ dùng làm lễ phục, thông thường có cổ áo cao ngang bằng nhau, vạt đối xứng, dài đến bụng, tay áo dài đến cổ tay, tà trái tà phải cùng sau lưng có xẻ, chất liệu dùng tơ, bông, lông để may, màu đen, đính 6 nút. Khi sử dụng phối hợp cùng mũ lễ, áo dài. Phàm khi ra ngoài giao tiếp phải mặc loại lễ phục này. Bắt đầu từ những năm 40, do bởi tây phục lưu hành, loại áo này dần suy.

Chú của người dịch
1- Nhu :
Theo Hán Việt tự điển của Thiều Chửu:
          “Áo cánh, áo lót mình gọi là hãn nhu 汗襦
Theo Từ điển Hán Việt văn ngôn dẫn chứng của Nguyễn Tôn Nhan:
          Áo ngắn (chỉ tới đầu gối trở lên), giống áo sơ mi ngày nay.

                                                                  Huỳnh Chương Hưng
                                                                 Quy Nhơn 20/12/2014

Nguyên tác Trung văn
THU ĐÔNG CHI PHỤC
ÁO
秋冬之服
Trong quyển
TRUNG QUỐC DÂN TỤC VĂN HOÁ
PHỤC SỨC
中国民俗文化
服饰
Biên soạn: Vân Trung Thiên 云中天
Bách Hoa Châu văn nghệ xuất bản xã,  2006.
Previous Post Next Post