Dịch thuật: Thích nghĩa hai chữ "tân dân"

THÍCH NGHĨA HAI CHỮ “TÂN DÂN”

          Nói “tân dân” 新民, không phải là muốn dân ta vứt bỏ hết những cái cũ để theo người ta. Chữ “tân” ở đây có 2 nghĩa:
          - Một là tôi luyện những cái mà mình vốn có để làm mới nó
          - Hai là thu thập bổ sung những cái mà mình không có rồi làm mới nó
          Cả hai điều này nếu thiếu một thì cũng vô ích. Các bậc tiên triết lập giáo không ngoài hai con đường, đó là nhân theo tài mà đốc thúc và biến hoá khí chất. Tức nói tôi luyện những cái vốn có, thu thập bổ sung những cái không có. Một người như thế, chúng dân cũng như thế.
          Phàm một nước mà có thể đứng trên thế giới, tất người dân nước đó phải có đặc chất của riêng mình. Trên từ đạo đức pháp luật, dưới đến phong tục tập quán, văn học mĩ thuật, đều có một tinh thần độc lập. Tổ tiên truyền lại, con cháu nối theo; sau đó bầy đàn đoàn kết lại, nước mới thành; đó quả thực là suối nguồn căn bản của chủ nghĩa dân tộc vậy. Đồng bào ta mấy ngàn năm lập quốc ở đại lục châu Á, tất đặc chất của nó to lớn cao thượng, hoàn mĩ rõ ràng, khác với quần tộc khác, đó là cái mà chúng ta cần phải bảo tồn chớ có để cho mất. Tuy nhiên, bảo tồn nó, không phải là để mặc cho nó tự sinh tự trưởng rồi nói rằng: “Chúng ta bảo tồn, chúng ta bảo tồn”. Thử lấy ví dụ ở cây, nếu hàng năm không có chồi non xuất hiện, thì cây sẽ khô; lấy ví dụ về giếng, nếu từng giây từng phút không có mạch nguồn tuôn chảy thì giếng sẽ cạn. Phàm mầm mới nguồn mới, há từ bên ngoài đến sao? Cũ đấy, nhưng không thể không gọi là mới. Cái mới hàng ngày chính là toàn từ cái cũ. Rửa ráy, lau chùi làm cho nó sáng; mài giũa, tôi luyện để nó thành cốt cán; bồi dưỡng, khơi thông làm cho vững cái gốc, cái nguồn, nối lớn thêm cao cùng với thời gian. Có như vậy, tinh thần của quốc dân mới được bảo tồn, mới được phát đạt. Trên thế gian có người xem hai chữ “thủ cựu” là từ cực đáng ghét, nhưng có phải như thế chăng? có phải như vậy chăng? Điều mà tôi lo không phải ở chỗ thủ cựu, mà là không có “chân năng thủ cựu” 真能守舊? Như thế nào là “chân năng thủ cựu”? tức điều mà tôi nói đó là tôi luyện những cái mà mình vốn có.
          Chỉ tôi luyện những cái mà mình vốn có, đủ không? Xin thưa rằng: không phải như vậy! Thế giới ngày nay khác với thế giới ngày xưa, con người ngày nay khác với con người ngày trước. Ngày xưa Trung Quốc chỉ có “bộ dân” 部民 mà không có “quốc dân” 國民, không phải là không thể thành quốc dân, mà là do tình thế khiến như vậy. Trung Quốc to lớn sừng sững đứng ở phương đông, chưa giao thông cùng các đại quốc khác, nên người dân Trung Quốc thường xem nước mình là thiên hạ. Những gì mà tai mắt tiếp xúc, thấm vào trong đầu đều là những huấn thị của bậc thánh triết, những di truyền của tổ tiên, khiến nó có thể làm nên tư cách của cá nhân, có thể làm nên tư cách của người một nhà, có thể làm nên tư cách của người một làng, có thể làm nên tư cách của người trong thiên hạ, nhưng độc không thể làm nên tư cách của quốc dân một nước. Phàm tư cách  của quốc dân, tuy ở đây chưa hẳn đếm được những những ưu điểm từ xa, nhưng ngày nay đứng chung cùng các nước, thời đại kẻ mạnh nuốt kẻ yếu, ưu thắng liệt bại, nếu thiếu tư cách đó thì quyết không thể tự lập trong trời đất. Cho nên hiện nay, nếu không muốn làm cho Trung Quốc mạnh lên thì thôi, đã muốn làm cho Trung Quốc mạnh thì không thể không tham khảo rộng rãi con đường mà dân tộc các nước khác tự lập, từ đó chọn lấy những cái mạnh để bổ sung những chỗ mình chưa có. Nay luận về chính trị, học thuật, kĩ nghệ, không ai là  không biết lấy sở trường của người để bổ sung sở đoản của ta, nhưng không biết dân đức, dân trí, dân lực thực là nguồn gốc to lớn của chính trị, học thuật, kĩ nghệ (1), không lấy cái này mà lấy cái kia, bỏ cái gốc mà chăm cái ngọn, thì có khác nào nhìn thấy cây của người ta xanh tốt, muốn dời cành của nó về nối cho cành khô của cây mình? thấy giếng của người ta dồi dào, muốn múc về đổ vào nguồn cạn của giếng mình? Cho nên với việc thu thập bổ sung những cái mình chưa có để làm mới nhân dân, không thể không suy nghĩ kĩ.
          Hiện tượng của muôn vạn sự việc trên thế giới không ngoài hai chủ nghĩa lớn:
          - Một là “bảo thủ” 保守
          - Hai là “tiến thủ” 進取
          Khi vận dụng hai chủ nghĩa này, có người thiên về bảo thủ có người thiên về tiến thủ. Hoặc cả hai ngang nhau mà cùng xung đột, hoặc cả cùng tồn tại mà điều hoà. Thiên về một phía chưa hẳn đứng vững được. Có xung đột tất có điều hoà, xung đột là tiên phong của điều hoà, người giỏi điều hoà đó là quốc dân vĩ đại, như người Anglo – Saxon vậy. Như bước đi, một chân đứng một chân bước, như lấy đồ vật, một tay nắm một tay lấy. Cho nên gọi là “tân dân”, không phải  là say mê ngọn gió tây, coi thường đạo đức, học thuật, phong tục mấy ngàn năm của ta, để cầu theo với họ; cũng không phải khư khư giữ lấy cái cũ, cho rằng chỉ cần ôm lấy đạo đức, học thuật, phong tục mấy ngàn năm là đủ để đứng trên cõi đời này.

Chú của người dịch
(1)- Đoạn này không có trong nguyên tác.
         http://ctext.org/wiki.pl?if=en&chapter=429933, đoạn này như sau:
          Kim luận giả vu chính trị, học thuật, kĩ nghệ, giai mạc bất tri thủ trường nhi bổ ngã đoản hĩ, nhi bất tri dân đức, dân trí, dân lực, thực vi chính trị, học
Thuật, kĩ nghệ chi đại nguyên.
          今论者于政治, 学术, 技艺, 皆莫不知取长而补我短矣, 而不知民德, 民智, 民力, 实为政治学术技艺之大源.
          Trong nguyên tác là:
          Kim luận giả ư chính trị học thuật kĩ nghệ chi đại nguyên, …
          今論者於政治, 學術, 技藝之大源….
          Tôi theo 2 tư liệu trên dịch thêm vào.

                                                            Huỳnh Chương Hưng
                                                           Quy Nhơn 07/11/2014

Nguyên tác Trung văn
THÍCH TÂN DÂN CHI NGHĨA
釋新民之義
Trong quyển
ẨM BĂNG THẤT TOÀN TẬP
飲氷室全集
Tác giả: Lương Khải Siêu 梁啟超
Văn hoá đồ thư công ti ấn hành
Previous Post Next Post