Dịch thuật: Truyền thuyết cây thù du

TRUYỀN THUYẾT CÂY THÙ DU

          Từ việc cài cành thù du, uống rượu hoa cúc trong ngày tết Trùng Dương 重阳, chúng ta liên tưởng đến tập tục treo ngải diệp, uống rượu hùng hoàng trong ngày tết Đoan ngọ 端午. Kì thực, tết Đoan ngọ và tết Trùng dương, một tết  là sự giao mùa giữa Xuân với Hạ, một tết là sự giao mùa giữa Thu với Đông, đều là thời điểm dễ dàng lưu hành tật bệnh. Điều này phản ánh tổ tiên người Trung Quốc đã có tư tưởng khoa học dự phòng tật bệnh. Thù du 茱萸 là một vị thuốc. Trong Trung Quốc dược học đại từ điển 中国药学大辞典 giải thích rằng: vị thuốc này cả miền nam miền bắc đều có, nhưng ở “đất Ngô” là tốt nhất, cho nên còn được gọi là “Ngô thù du”. Gọi là “đất Ngô”, tức nước Ngô trong lịch sử. Tên gọi “thù du” 茱萸 này cũng là đến từ một truyền thuyết.
          Tương truyền, vào thời Xuân Thu Chiến Quốc, nước Ngô nhược tiểu hàng năm theo thời gian ấn định đều phải tiến cống cho nước Sở hùng mạnh bên cạnh. Một năm nọ, sứ giả nước Ngô đem đặc sản của nước mình là vị thuốc “Ngô du” 吴萸 dâng lên cho Sở vương. Sở vương tham lam vô tri chỉ biết yêu quý trân châu mã não cùng vàng bạc ngọc ngà, không những xem thường vị thuốc này, mà còn cho rằng nước Ngô đang bỡn cợt mình, vì thế nổi trận lôi đình , không để cho sứ giả giải thích lấy nửa lời, đã ra lệnh đuổi ra khỏi cung. Bên cạnh Sở vương có một vị đại phu họ Chu rất thân thiết với sứ giả nước Ngô, Chu đại phu đã rước sứ giả về nhà mình, ra sức an ủi. Sứ giả nước Ngô nói rằng:
Ngô du là vị thuốc thượng đẳng của nước tôi, có tính ôn, giảm đau nhức, chuyên trị các chứng như bao tử bị hàn, bụng đau, hoặc bị thổ tả không dứt. Vì nghe Sở vương vốn bị chứng bao tử hàn bụng đau nên dâng lên, không ngờ Sở vương không phân biệt phải trái trắng đen
Nghe xong, Chu đại phu sai người tiễn sứ giả nước Ngô về lại nước, đồng thời bảo quản kĩ vị thuốc Ngô du mà sứ giả mang đến.
Năm sau, Sở vương bị hàn, bệnh cũ tái phát, bụng đau như dao cắt. Các thầy thuốc đều bó tay không có cách. Chu đại phu thấy thời cơ đã đến liền đem vị thuốc Ngô du sắc lên rồi dâng cho Sở vương uống. Trong phút chốc cơn đau đã giảm. Sở vương vô cùng vui mừng, trọng thưởng cho Chu đại phu đồng thời hỏi xem đó là vị thuốc gì? Chu đại phu liền đem chuyện dâng thuốc của sứ giả nước Ngô thuật lại. Sở vương sau khi nghe qua, vô cùng hối hận, một mặt phái người mang lễ vật đến xin lỗi Ngô vương, một mặt sai người trồng rộng rãi cây Ngô du. Mấy năm sau, nước Sở bị ôn dịch lưu hành, bệnh nhân đau bụng đầy khắp nơi, hết thảy đều nhờ cây Ngô du cứu sống tính mạng. Để cảm ơn cứu mạng của Chu đại phu, bách tính nước Sở đã thêm chữ “chu” vào trước chữ “du”, gọi là “Ngô chu du” 吴朱萸. Y học gia đời sau lại thêm bộ thảo trên chữ “chu”, chính thức lấy tên là “Ngô thù du” 吴茱萸, tên gọi này lưu truyền đến ngày nay.

                                                                              Huỳnh Chương Hưng
                                                                             Quy Nhơn 03/10/2014

Previous Post Next Post