Dịch thuật: Lôi thần và kê tín ngưỡng

LÔI THẦN VÀ KÊ TÍN NGƯỠNG 

          Tập tục truyền thống của Trung Quốc, vào ngày nguyên đán năm mới, lưu hành tục dán Môn thần 门神. Chúng ta phát hiện, trong cổ tục ngoài Môn thần ra, còn có một vị Kê thần 鸡神, hoặc đem Kê thần treo trên Môn thần, hoặc vẽ hình con gà lên cửa, hoặc giết gà lấy huyết bôi lên cửa, bách quỷ sợ hãi. Môn thần khoác áo giáp, cầm cây búa, tựa hồ chẳng qua chỉ là người canh cửa hoặc tuỳ tùng đi theo ngoài Kê thần trấn bách quỷ. Điều mà ma quỷ sợ hãi đó là thần lực của gà được treo trên cửa. Thần Đồ 神荼, Uất Luỹ 郁垒 dường như theo không kịp. Tục ngày nay ít dùng gà, kì thực, cổ tục dùng gà là chủ yếu, nó bắt nguồn từ truyền thuyết phong tục cổ xưa. Gỗ cây đào, bùa bằng gỗ đào kị quỷ; Thần Đồ, Uất Luỹ bắt quỷ đều mượn “kim kê hoán nhật” 金鸡唤日 (gà trống gọi mặt trời), để gọi thần công dương quang, khắc tinh âm quỷ đến. Bản lĩnh đuổi quỷ của những vị thần này hoàn toàn đều mượn dương lực của kim kê mà ra uy. Có thể thấy, Kê thần hiển hách hơn Môn thần, bản thân Kê thần là vị thần trấn trạch thủ môn. Thời Nguỵ Tấn Nam Bắc triều, ngoài vẽ gà, treo gà lên cửa ra, còn lưu truyền phong tục lấy vàng đúc hình gà treo nơi cửa. Trong các thôn trấn vùng Giang Nam trên mái nhà vẫn còn có “tích vẫn” 脊吻 di tồn và lưu truyền, trên thực tế cũng là một loại biến hình của hình chế phong tục này. Tranh tết “Kê vương trấn trạch” 鸡王镇宅 lưu hành vùng Ninh Ba 宁波 Triết Giang 浙江 thời cổ là một loại hình thái khác của tập tục cổ này. Vị thần trấn trạch của đời sau cùng với Môn thần được tách ra, Môn thần độc lập, tựa hồ trở thành vị thần canh giữ một nhà, nhưng thần công xua đuổi ma quỷ bắt nguồn từ dương lực của gà, cho nên nội dung tỉ mỉ của kết cấu hình tượng vẫn không rời khỏi ý tượng về gà. Lấy Xích Quách 尺郭, Thần Đồ 神荼, Uất Luỹ 郁垒, Chung Quỳ 钟馗, những vị thần xua đuổi quỷ trong tập tục Trung Quốc làm đại biểu, cả 4 vị này đều liên quan đến nguyên hình gà. Trong Thần dị kinh – Đông nam hoang kinh 神异经 - 东南荒经 có ghi:
          Đông nam phương hữu thần yên, chu hành thiên hạ, thân trường thất trượng, ……  đầu đới kê phụ khi đầu, chu y cảo đới, dĩ xích xà nhiễu ngạch, vĩ hợp vu đầu, bất ẩm bất thực, triêu thôn ác quỷ tam thiên, mộ thôn tam bách, dĩ quỹ vi phạn, dĩ lộ vi tương, danh viết Xích Quách.
          东南方有神焉, 周行天下, 身长七丈, …… 头戴鸡父魌头, 朱衣缟带, 以赤蛇绕额, 尾合于头, 不饮不食, 朝吞恶鬼三千, 暮吞三百, 以鬼为饭, 以露为浆, 名曰赤郭.
          (Phía đông nam có thần, đi khắp thiên hạ, mình cao 7 trượng, ….. đầu đội “kê phụ khi đầu”, mặc áo đỏ, dây thắt lưng bằng the, lấy rắn đỏ vấn quanh trán, đuôi hợp với đầu, không ăn không uống, sáng sớm nuốt ba ngàn con quỷ, chiều tối nuốt ba trăm con quỷ, lấy quỷ làm cơm, lấy giọt móc làm nước tương, tên gọi là Xích Quách)
          “Kê phụ khi đầu” 鸡父魌头 tức mũ và mặt nạ hình con gà. Thần Đồ, Uất Luỹ nguyên vốn là kim kê toạ trấn. Kim kê gáy lên, dã quỷ du hồn sợ hãi bỏ chạy. Trên đầu hai thần vốn có linh quang của kim kê. Dân gian cho rằng loài quỷ sở dĩ sợ Chung Quỳ là bởi trong bụng Chung Quỳ có đạo bùa của kim kê. Ngày nay một số khu vực lưu hành tập tục ôm gà trừ quỷ chiêu hồn, đây là mô phỏng hành vi của Chung Quỳ.
          Từ đó có thể thấy, không chỉ gà có thể xua quỷ trừ hung, linh quang và ngẫu tượng của gà cũng có phép thuật như thế. Đồng thời, phàm những gì có thể xua quỷ trừ hung tất phải có hình tượng và thần tính của gà. Nhân đó, dân gian đem một số thần vật diệt ác trừ quỷ cùng với hình tượng gà xếp cùng với nhau để nêu cao thần tính cố hữu.
          Điều nổi bật nhất đó là tín ngưỡng sùng bái Lôi thần 雷神, trong tâm thức dân gian, Lôi thần là vị “hành hình thần” 行刑神thay trời hành đạo, chuyên trừng trị yêu ma quỷ quái và những kẻ tác ác đa đoan. Trong Hoài Nam Tử - Lãm minh huấn 淮南子 - 览冥训 có ghi:
          Thứ nữ khiếu thiên, lôi điện hạ kích, Cảnh Công đài vẫn, chi thể thương tra ….. Do thử quan chi, thượng thiên chi tru dã.
          庶女叫天, 雷电下击, 景公台陨, 支体伤查 ….. 由此观之, 上天诛也.
          (Dân nữ kêu đến trời, sấm chớp đánh xuống, đài của Cảnh Công đổ, thân thể bị thương ….. Từ đó có thể thấy, trời đã tru diệt)
          Ở đây nói Lôi thần vâng mệnh trời trừng phạt Cảnh Công, giải nỗi oan cho dân nữ. Vương Sung 王充 thời Đông Hán trong Luận hành – Lôi hư 论行 - 雷虚 cũng có chép tục thuyết dân gian tương tự:
          Thịnh Hạ chi thời, lôi điện tấn tật, kích chiết thụ mộc, thời phạm sát nhân. Thế tục dĩ vi kích chiết thụ mộc, hoại bại thất ốc giả, thiên thủ long; kì phạm sát nhân dã, vị chi hữu ‘âm quá’. Ấm tự  nhân dĩ bất khiết tịnh, thiên nộ, kích nhi sát chi, long long chi thanh, thiên nộ chi âm, nhược nhân chi cấu hu hĩ. Thế vô ngu trí, mạc vị bất nhiên.
          盛夏之时, 雷电迅疾, 击折树木, 时犯杀人. 世俗以为击折树木, 坏败室屋者, 天取龙; 其犯杀人也, 谓之有阴过’. 饮食人以不洁净, 天怒, 击而杀之, 隆隆之声, 天怒之音, 若人之呴吁矣. 世无愚智, 莫谓不然.
          (Lúc mùa Hạ nóng bức, sấm chớp vang lên mãnh liệt, đánh đổ cây cối, có lúc còn sát hại cả người. Thế tục cho rằng sấm chớp đánh đổ cây cối, huỷ hoại phòng ốc đó là trời cho bắt rồng; phạm phải sát nhân ấy là người đó có ‘tội ngầm’. Lấy những thứ không sạch cho người khác ăn uống, nên trời giận, đánh giết người đó. Tiếng sấm ầm ầm, chính là thanh âm trời giận, giống như con người tức giận gào lên. Trên đời bất luận là kẻ ngu người trí, không ai là không cho như thế.)
          Người bị sét đánh “chỗ bị cháy giống như có văn tự. Mọi người trông thấy cho đó là trời viết ra tội của người đó để thị chúng”.
          Lôi thần có thần uy và sức nhìn xuyên suốt như thế, vậy thì hình dạng ra sao? Hình tượng Lôi thần trong thần thoại Trung Quốc rất phức tạp, hình tượng hiện tồn thường thấy là hình gà và hình rồng. Lôi thần mà dân chúng thuộc hệ thống thái dương điểu tộc thời thượng cổ sùng bái là hình gà, Lôi thần hình rồng là sau này. Trong các sử tịch Trung Quốc, Lôi thần thường có quan hệ với gà, cùng gắn với “kê nhật” 鸡日, “kê minh” 鸡鸣.
          Trong Hạ tiểu chính 夏小正  Xuân chinh nguyệt 春正月ghi rằng:
Trĩ chấn cấu (*)
雉震呴
(Chim trĩ vỗ cánh kêu)
Lời truyện viết rằng:
         Chinh nguyệt tất lôi, lôi bất tất văn, duy trĩ vi tất văn chi, Hà dĩ vị chi? Lôi tắc trĩ chấn cấu, tương thức dĩ lôi.
正月必雷, 雷不必闻, 唯雉为必闻之. 何以谓之? 雷则雉震, 相识以雷
          (Tháng giêng có sấm, sấm rền có thể không nghe, duy chỉ có chim trĩ nghe
được. Sao lại nói như thế? Sấm rền thì chim trĩ vỗ cánh kêu, cùng sấm tương thức)
          (Xem Vương Li 王篱: Hạ tiểu chính nghĩa 夏小正义)
          Lôi trong thần thoại Trung Quốc dường như lấy Trĩ làm căn cứ. Khuất Nguyên 屈原 trong Li tao 离骚 viết rằng:
Loan hoàng vị dư tiên giới hề
Lôi sư cáo dư dĩ vị cụ.
鸾皇为余先戒兮
雷师告余以未具
(Chim loan vì ta mà báo trước
Lôi sư bảo ta hành trang lên đường chưa đầy đủ)
          Hứa Thận 许慎 trong Thuyết văn 说文 viết rằng:
Cấu, hùng trĩ minh dã. Lôi thuỷ động, trĩ minh nhi cấu kì cảnh (1)
, 雄雉鸣也. 雷始动, 雉鸣而雊其颈 (1)
          (“Cấu” có nghĩa là chim trĩ trống kêu. Mùa xuân khi sấm bắt đầu rền, trĩ trống cong chiếc cổ kêu lên)
          Thời xưa gọi ngày mồng 1 tháng Giêng âm lịch là ngày gà sinh ra. Trong bài thơ Nghi Chương nguyên nhật 宜章元日, Chiêm Bản Trung 占本中 đã viết:
Tị địa phùng kê nhật
避地逢鸡日
(Nơi tị địa gặp ngày kê)
          Trong Kinh Sở tuế thời kí 荆楚岁时记 chuyển dẫn lời của Đổng Huân 董勋 trong Vấn lễ tục 问礼俗:
Chinh nguyệt nhất nhật vi kê
正月一日为鸡
(Ngày mồng 1 tháng Giêng là ngày kê)
Ngày này cũng chính là ngày “sấm rền nhẹ”, “sấm thông với khí”. Trung Quốc và Nhật Bản đều có câu chuyện truyền thuyết về kim kê gáy vào ngày mồng 1 tháng Giêng, cũng đều phát sinh mối quan hệ sấm.   (còn tiếp)

Chú của người dịch
(1)- Trong nguyên tác và trong Thuyết văn giải tự, bản do Trung Hoa thư cục xuất bản năm 1963, trang 76 ghi là:
Cấu, hùng thư minh dã. Lôi thuỷ động, trĩ minh nhi cấu kì cảnh
, 雄雌鸣也. 雷始动, 雉鸣而雊其颈
          Nhưng trong Thuyết văn giải tự, bản do Đoàn Ngọc Tài 段玉裁 chú, tập 1 trang 142 và Thuyết văn giải tự (văn bạch đối chiếu), do Lí Ân Giang 李恩江, Giả Ngọc Dân 贾玉民 chủ biên, trang 317 đều ghi là:
Cấu, hùng trĩ minh dã. Lôi thuỷ động, trĩ minh nhi cấu kì cảnh
, 雄雉鸣也. 雷始动, 雉鸣而雊其颈
          Tôi theo hai tài liệu này.

                                                                  Huỳnh Chương Hưng
                                                                  Quy Nhơn 05/9/2014

Nguyên tác Trung văn
Trong quyển
TRUNG QUỐC ĐIỂU TÍN NGƯỠNG
中国鸟信仰
Tác giả: Trần Cần Kiến 陈勤建
Học Uyển xuất bản xã, 2003
Previous Post Next Post