Dịch thuật: Xã hội nô lệ và sự thịnh suy của quan học

XÃ HỘI NÔ LỆ VÀ SỰ THỊNH SUY CỦA QUAN HỌC

          Triều Hạ cách nay đã hơn 4000 năm, truyền thuyết trong một số cổ tịch cho rằng lúc đó đã xuất hiện học hiệu. Như Mạnh Tử - Đằng Văn Công thượng 孟子 - 滕文公上 có nói:
Hạ viết hiệu
夏曰校
(Nhà Hạ gọi là “hiệu”)
          Trong Lễ kí – Vương chế 礼记 - 王制 có ghi:
Hạ Hậu thị dưỡng quốc lão vu đông tự, dưỡng thứ lão vu tây tự
夏后氏养国老于东序, 养庶老于西序
(Họ Hạ Hậu nuôi dưỡng quốc lão ở đông tự, nuôi dưỡng thứ lão ở tây tự)
          Nhưng, do bởi đến nay vẫn chưa có được những chứng thực từ những văn vật phát hiện trong lòng đất nên chúng ta chưa thể giải thích gì nhiều thêm về học hiệu của triều Hạ. Thời triều Thương , về các phương diện như chính trị, kinh tế và văn hoá, xã hội theo chế độ nô lệ của Trung Quốc đã có bước phát triển. Học hiệu triều Thương không chỉ được ghi chép trong sách vở mà còn có được những chứng cứ văn vật phát hiện từ lòng đất đặc biệt là Ân Khư giáp cốt văn. Tên gọi học hiệu triều Thương , trừ “tường” , “hiệu” , “tự” ra, còn có tên gọi “học” , “đại học” 大学, “cổ tông” 瞽宗. Về “học” , đã có được  chứng thực từ trong bốc từ giáp cốt, nó biểu minh: thầy trò song phương đang ở trong một phòng chuyên biệt, tiến hành hoạt động dạy học về “hào” liên quan đến tri thức tính toán. Nhìn từ đó, trong Lễ kí – Vương chế 礼记 - 王制  có nói:
Ân viết học
殷曰学
(Nhà Ân gọi là “học”)
xác thực là có căn cứ sự thực, có đầy đủ hình thái cơ bản học hiệu chính thức. Còn như phát hiện hai chữ 大学 (đại học) trong bốc từ, cũng với ghi chép trong Lễ kí – Minh đường vị 礼记明堂位:
Cổ tông, Ân học dã
瞽宗, 殷学也
(Cổ tông là trường học đời Ân)
đều tiến thêm một bước chứng minh vào thời Ân Thương không chỉ xuất hiện học hiệu chính thức, mà còn có sự phát triển đến một trình độ nhất định. Người Ân trừ tiến hành dạy viết, toán số cơ bản ra, còn coi trọng giáo dục các phương diện khác như: tôn giáo, quân sự, lễ, nhạc, trong đó đặc biệt coi trọng nhạc giáo. Người Ân vốn trọng quỷ kính thần, trước khi họ phát động chiến tranh hoặc tiến hành hoạt động tế tự thường phối hợp cùng nghi lễ và âm nhạc tương ứng, điều này tất nhiên đối với việc giáo dục lễ, nhạc đặc biệt là nhạc giáo đã có sự coi trọng tương ứng.
          Thời Tây Chu 西周, chế độ học hiệu bắt đầu có quy mô. Học hiệu thời Tây Chu bao gồm hai hệ thống là “quốc học” 国学 và “hương học” 乡学. Quốc học là quan học trung ương, thiết lập tại vương kì và đô thành của nước chư hầu; Hương học là quan học địa phương, thiết lập tại trung tâm khu vực hành chánh địa phương các hương, châu, đảng, lư. Về quốc học có thể phân thành hai loại: “đại học” và “tiểu học”. Trong đó đại học lại có hai dạng, đại học được thiết lập trong vương thành nhà Chu gọi là “Bích ung” 辟雍, hoặc “Học cung” 学宫, “Đại trì” 大池, “Xạ lư” 射卢. Đại học được thiết lập tại quốc đô của chư hầu gọi là “Phán cung” 泮宫. Bất luận là “Bích ung” hay “Phán cung”, phong cách kiến trúc của chúng đều có nét đặc sắc. Chúng có tường vây, 3 mặt thường có nước bao bọc, một mặt thông với rừng sâu. Tiểu học trong quốc học cũng có hai dạng, một là tiểu học dành cho con em quý tộc được thiết lập gần cung đình, một dạng khác là tiểu học thông thường được thiết lập tại khu vực ngoại ô.
          Về hương học, theo Chu lễ 周礼:
Hương hữu tường, châu hữu tự, lư hữu thục
乡有庠, 州有序, 闾有塾
(Hương có “tường”, châu có “tự”, lư có “thục”)
          Trong Học kí 学记 cũng có ghi:
Gia hữu thục, đảng hữu tường, toại hữu tự, quốc hữu học
家有塾, 党有庠, 术有序, 国有学
(Gia có “thục”, đảng có “tường”, toại có “tự”, quốc có “học”)
          Những ghi chép này nói rõ vào thời Tây Chu ở Trung Quốc đã xuất hiện quan học địa phương để con em quý tộc đến học, nhưng tuyệt không thể vì thế mà nói rằng từ rất sớm vào thời Tây Chu đã hình thành mạng lưới quan học địa phương phổ biến, những điều đó chưa đủ tin. Bắt đầu từ thời Tây Chu khai sáng truyền thống tổ chức việc học “quan sư hợp nhất” 官师合一, “chính giáo hợp nhất” 政教合一. Cần phải nói rằng, đặc điểm này cùng với tính xã hội của giáo dục nêu trên có mối tương quan mật thiết, quý tộc thông qua lực lượng phủ quan, đồng thời thiết lập quan lại chuyên quản. Trong tình hình “học tại quan phủ” này, thầy dạy của học hiệu rõ ràng không thể không là quan, một cách rất tự nhiên hình thành cục diện “quan sư hợp nhất”. Thầy dạy ở quốc học do các quan như: Đại tư nhạc 大司乐, Nhạc sư 乐师, Bảo thị 保氏, Đại tư 大胥, Tiểu tư 小胥, Đại sư 大师, Tiểu sư 小师, Thược sư 龠师 đảm nhiệm. Thầy dạy ở hương học do Đại sư đồ 大师徒, Hương sư 乡师, Hương đại phu 乡大夫, Châu trưởng 州长, Đảng chính 党正, Phụ sư 父师, Thiếu sư 少师 đảm nhiệm. Do bởi một thân gánh hai nhiệm vụ, họ không chỉ xem học hiệu là nơi dạy học mà đồng thời còn cử hành một số hoạt động xã hội như tế thần tế tổ, hội nghị quân sự, hiến phù mừng công, luyện võ tấu nhạc… tại Bích ung; còn hương học vừa là học hiệu dạy học lại còn có công năng nghị chính và giáo hoá. Mô thức “chính giáo hợp nhất” này đã sản sinh ảnh hưởng quan trọng đối với xã hội đời sau. Học hiệu ở đời sau tuy từ phủ quan tách ra, thầy dạy cũng có người chuyên trách; nhưng quan địa phương “diệc chính diệc giáo” 亦政亦教 (vừa xử lí chính sự, vừa dạy học), cũng quan tâm và coi trọng giáo dục học hiệu, có thể nói là nét đặc sắc trọng yếu của văn hoá truyền thống Trung Quốc.  (còn tiếp)

                                                                 Huỳnh Chương Hưng
                                                                 Quy Nhơn 28/4/2014

Nguyên tác Trung văn
NÔ LỆ XÃ HỘI DỮ QUAN HỌC THỊNH SUY
奴隶社会与官学盛衰
Trong quyển
TRUNG QUỐC TRUYỀN THỐNG VĂN HOÁ
中国传统文化
Chủ biên: Trương Khởi Chi 张岂之
Cao đẳng giáo dục xuất bản xã
Previous Post Next Post