Dịch thuật: Khởi nguyên của phong tục

KHỞI NGUYÊN CỦA PHONG TỤC

         Về vấn đề khởi nguyên của phong tục có rất nhiều suy đoán, tranh luận. Kì thực, cũng giống như sự phát sinh một sự vật khác, việc sản sinh phong tục nguyên thuỷ có 2 điều kiện:
- Nhu cầu phát triển của xã hội, đây là động lực cơ bản của khởi nguyên phong tục.
- Có điều kiện khách quan hình thành phong tục.
Cả hai điều kiện này không thể thiếu một.
          Thời kì đầu của nhân loại chỉ biết sử dụng cây gỗ và đá để đấu với dã thú, năng lực cá nhân rất có hạn, cần phải cùng một số người hình thành hợp lực mới có thể chiến thắng dã thú hung hãn, có được cái ăn cần thiết. Loại quần thể này lúc đầu là bầy nguyên thuỷ, nó như sợi dây liên kết có tác dụng nhất định trong xã hội mẫu hệ, phong tục quần cư này mãi là chỗ dựa cho sự sinh tồn của người nguyên thuỷ, chỉ có điều là hình thức có chỗ biến hoá mà thôi, trước sau trải qua công xã huyết thống, thị tộc mẫu hệ, thị tộc phụ hệ. Lúc bấy giờ mọi người đang dựa vào sức mạnh quần thể, sử dụng công cụ thô sơ, theo đuổi việc săn bắn, đánh bắt và hái lượm để có được nguồn thức ăn áo mặc. Đây là phương thức kiếm ăn ở thời kì đầu của nhân loại, là thủ đoạn cơ bản để sinh tồn.
          Vệc sản sinh phong tục nguyên thuỷ lúc đầu là phát sinh ngẫu nhiên, là xuất hiện từng cái một, không có mô thức nhất định, nhưng đều xuất phát từ công lợi, một khi có được cái lợi trong thực tiễn, có thể làm một cách thiết thực, bản thân người đó sẽ kiên trì làm tiếp, người khác bắt chước theo, một truyền mười, mười truyền trăm, lâu dần sẽ hình thành phong tục xã hội ước định, biến thành một loại thành kiến vững chắc, một sức mạnh xã hội to lớn.
          Trong quá trình hình thành và diễn biến của phong tục nguyên thuỷ, có 3 nhân tố lớn mang tác dụng trọng yếu:
- Đầu tiên: một phương thức nào đó đối với sự hình thành và phát triển phong tục có tác dụng chủ yếu. Để sinh tồn, nhất là để có nguồn thức ăn áo mặc,  lúc đầu lấy từ sản phẩm thiên nhiên do tự nhiên cung cấp, nhân loại có phương thức hái lượm, đánh bắt và săn bắn. Theo sự nâng cao của sức sản xuất, nhân loại đã phát minh ra cày cấy, chăn nuôi. Loại phong tục sản xuất này là sự bảo đảm căn bản cho sự sinh tồn của nhân loại, có các loại hình kinh tế như: loại hình săn bắn, loại hình đánh bắt cá, loại hình nông canh, loại hình chăn nuôi, đồng thời mỗi loại hình cũng có phong tục thủ công gia công riêng. Theo thời tiết, tôn giáo tín ngưỡng, vui chơi văn nghệ cũng có sự khác nhau. Phản ánh trong cuộc sống vật chất, chủ yếu là ăn mặc cư trú đi lại, loại hình kinh tế khác nhau có văn hoá vật chất khác nhau, đương nhiên phong tục cũng có nét đặc sắc riêng. Những sự thực nêu trên cho thấy, sự hình thành bất kì phong tục nào, cũng đều từ trình độ phát triển sức sản xuất và loại hình kinh tế quyết định, phong tục lại phản ánh phương thức sản xuất và loại hình kinh tế.
          - Thứ hai: tín ngưỡng nguyên thuỷ là ngọn nguồn của các phong tục. Trong buổi đầu của nhân loại, sức sản xuất cực kì thấp, năng lực tư duy có hạn, đối với mưa gió sấm chớp, mặt trời mặt trăng mọc rồi lặn của thế giới khách quan, thiên tai nhân hoạ, sinh lão bệnh tử, đều khó lí giải  cũng không có cách kháng cự. Nhân loại lúc bấy giờ xem những cảm giác trong mộng là linh hồn đang hoạt động, họ cho rằng nó với thân thể có thê phân có thể hợp, do đó đã sản sinh tín ngưỡng hữu linh. Về sau, họ cho rằng con người có linh hồn, từ đó suy rộng ra, các sự vật khác có trên đời cũng có linh hồn, cho nên gọi là vạn vật hữu linh luận. Kì thực, tầm nhìn của con người lúc bấy giờ hạn hẹp, năng lực nhận biết rất thấp, tiếp xúc sự vật cũng có hạn, không thể vạn vật đều có linh, mà chỉ là những sự vật có mối quan hệ mật thiết với nhân loại mới có linh. Trong đó đặc biệt coi trọng tổ tiên đã mất, bởi lúc còn sống họ là người thân, khi mất cũng  bảo hộ con cháu, từ đó xuất hiện phong tục an táng đối với người mất, rồi sùng bái phụng thờ, tiếp đó nhân loại lại sáng tạo ra các loại quỷ thần, con người dường như sống trong thế giới quỷ thần. Để dự tri thái độ quỷ thần lại xuất hiện phong tục chiêm bốc, giải đoán dự triệu. Tế tự là cung phụng, cầu mong thần linh; vu thuật là những thủ đoạn để đối phó với các loại quỷ thần.
          Nhân tố chủ quan của nhân loại, đặc biệt là tư duy, tín ngưỡng, yêu thích đối với sự hình thành và phát triển phong tục đã có ảnh hưởng không thể coi nhẹ.
          - Thứ ba: hoàn cảnh địa lí cũng có ảnh hưởng quan trọng đối với phong tục. Mặc dù thời tiền sử nhân loại đã sáng tạo ra văn hoá chung, nhưng do bởi hoàn cảnh tự nhiên khác nhau, điều kiện sinh tồn khác nhau, nên phong tục cũng có sự khác nhau. Lưu vực Trường giang 长江 Châu giang 珠江 là vùng sông nước, thịnh hành trồng lúa, phía bắc thịnh hành trồng ngô, điều này nói rõ điều kiện tự nhiên đã có ảnh hưởng quan trọng đối với nông canh. Lúc bấy giờ để qua sông, phát minh phổ biến là bè, thuyền, nhưng các nơi tuỳ theo địa hình, vật liệu nơi đó mà đã phát minh ra loại công cụ giao thông trên nước đặc biệt. Phương bắc có thuyền hoa bì 桦皮, phương nam có thuyền hồ lô 葫芦, thuyền độc mộc 独木. Phản ánh trong tín ngưỡng thần linh mỗi nơi cũng có sự khác nhau, cư dân hải đảo sùng bái Hải thần, cư dân vùng núi sùng bái Sơn thần v.v… Nhân đó, trong các loại phong tục đều có dấu ấn mang tính địa phương.
          Cũng cần phải nhìn thấy rằng, phong tục Trung Quốc mọc rễ từ thời viễn cổ, sinh trưởng ở địa phương. Từ thời viễn cổ đã thai nghén trên mảnh đất Trung Quốc, hình thành nên phong tục nguyên thuỷ Trung Quốc, như phương thức nông canh cổ xưa, lấy huyết thống như sợi dây liên kết làm phương thức sinh hoạt bộ tộc tụ cư, lễ chế cao hơn thần quyền, những đặc điểm có nét văn hoá phương đông này rất khác với văn hoá phương tây. Đây là sự phản bác có sức thuyết phục đối với cách nói văn hoá Trung Quốc là từ phương tây tới.

                                                                     Huỳnh Chương Hưng
                                                                     Quy Nhơn 22/3/2014

Nguyên tác Trung văn
PHONG TỤC ĐÍCH KHỞI NGUYÊN
风俗的起源
Trong quyển
TRUNG QUỐC PHONG TỤC THÔNG SỬ
NGUYÊN THUỶ XÃ HỘI QUYỂN
中国风俗通史
原始社会卷
Tác giả: Tống Triệu Lân宋兆麟
Thượng Hải văn nghệ xuất bản xã, 2001.
Previous Post Next Post