Dịch thuật: Hậu Tắc dạy dân trồng trọt

HẬU TẮC DẠY DÂN TRỒNG TRỌT

          Cuối thời kì xã hội nguyên thuỷ của Trung Quốc, xuất hiện một khoa học gia nông nghiệp và giáo dục gia nổi tiếng, đó chính là thuỷ tổ Hậu Tắc 后稷 của người Chu “dạy dân trồng trọt” trong sử tịch. Vị thánh nhân này có tác dụng rất lớn đối với sự phát triển sản xuất nông nghiệp ở lưu vực Hoàng hà Trung Quốc, sự cải thiện đời sống nhân dân cùng với sự thay đổi một bước kết cấu ẩm thực của họ.
          Hậu Tắc vốn tên là “Khí” , là thuỷ tổ của tộc Chu, truyền thuyết cho rằng ông sống vào thời Nghiêu Thuấn. Mẫu thân của ông tên Khương Nguyên 姜嫄, là con gái của họ Hữu Thai 有邰, Khương Nguyên giẫm lên dấu chân người khổng lồ, có thai và sinh ra ông.
          Theo Sử kí 史记 của Tư Mã Thiên 司马迁: “Ông Khí lúc nhỏ, đã có chí lớn, khi vui chơi thích trồng trọt. Đến khi trưởng thành, lại thích làm ruộng, coi đất tốt xấu, thích hợp trồng loại cây gì. Dân học theo ông. Đế Nghiêu nghe tiếng, cử ông làm Nông sư 农师, thiên hạ được lợi.” Và cũng nói sau khi Đế Nghiêu mất, Đế Thuấn chấp chính, vẫn để ông Khí đảm nhiệm nông quan, dạy dân trồng bách cốc. Trong Thi kinh 诗经 có nhiều bài thơ ca tụng Hậu Tắc. Bài Sinh dân 生民 Đại nhã 大雅 trong Thi kinh 诗经 đã miêu tả sinh động công đức của Hậu Tắc, nói Hậu Tắc lúc nhỏ vui đùa thích trồng trọt. Dưa đậu mà ông trồng rất tươi tốt, thu hoạch được nhiều. Sau khi Hậu Tắc đảm nhiệm chức Nông quan, dạy dân trồng các loại ngũ cốc, dường như có thần ngầm giúp. Bắt đầu từ mầm lớn lên, đến mùa Hạ phát dục trưởng thành vô cùng tươi tốt. Khi nở hoa kết hạt, bông lúa chi chít trĩu đầy nhánh, khi chín, hạt thóc no chắc, có thể nói ngũ cốc được mùa. Do bởi được mùa, khi tế Thượng Đế, cơm trong tế phẩm bốc hơi ngào ngạt, mùi thơm bay tới trời cao. Từ những ghi chép trong sách cổ như Sử kí, Thi kinh cùng với những chú thích của người đời sau trong những sách đó, đại thể có thể thấy được Hậu Tắc rất có thể sơ bộ hiểu được tri thức nông nghiệp ở mấy phương diện sau:
- Tuỳ theo loại đất mà trồng cây, tức điều mà gọi là “tướng địa chi nghi” 相地之宜, xem đất nào thích hợp với loại cây nào thì trồng loại cây đó.
- Sơ bộ hiểu được việc chọn giống tốt. Trong Thi kinh nói rằng Thượng Đế ban tặng cho Hậu Tắc “gia chủng” 嘉种 (giống tốt), đây là sự ca tụng của mọi người đối với nhân vật mà họ sùng bái. Trên thực tế có thể là Hậu Tắc biết chọn giống tốt.
- Sơ bộ coi trọng giống đủ và đều, tức ruộng không để trống khuyết.
- Biết được việc làm cỏ, tức như trong Thi kinh – Đại Nhã – Sinh dân có nói:
Phất (1) quyết phong thảo
(1) 厥丰草
(Khởi đầu (ông dạy dân chúng) giẫy cỏ um tùm)
(Theo Tạ Quang Phát: Kinh Thi, tập 3, trang 1445, nxb Văn học, 1992)
          Ngoài ra cũng có khả năng Hậu Tắc sơ bộ hiểu được cách vun đất để giữ bộ rễ của cây. Những điều này lúc bấy giờ mà nói, quả thực là tài giỏi.

CHÚ CỦA NGƯỜI DỊCH
(1)- Ở Kinh Thi, tập 3 do Tạ quang Phát dịch, chữ ở câu này có bộ thảo, tức chữ có nghĩa là trị, trừ bỏ.
                                                                       Huỳnh Chương Hưng
                                                                      Quy Nhơn 27/3/2014

Nguyên tác Trung văn
HẬU TẮC GIÁO DÂN GIÁ SẮC
后稷教民稼穑
Trong quyển
TRUNG QUỐC DÂN TỤC VĂN HOÁ
ẨM THỰC
中国民俗文化
饮食
Chủ biên: Chu Ưng (朱鹰)
Trung Quốc xã hội xuất bản xã, năm 2005
Previous Post Next Post