Dịch thuật: Cổ điệu bất đàn

CỔ ĐIỆU BẤT ĐÀN
古调不弹
 ĐIỆU ĐÀN XƯA KHÔNG AI ĐÁNH

Giải thích: Điệu nhạc cổ xưa đã không còn người đánh. Ví tâm tình cô độc sa sút nhưng đến chết vẫn giữ chặt không chịu buông thả vật cũ mà đã không còn ai quan tâm để ý đến
Xuất xứ: Đường . Lưu Trường Khanh 刘长卿: Đàn cầm 弹琴  

          Thi nhân Lưu Trường Khanh刘长卿 thời Đường có một bài thơ ngũ ngôn mang đầu đề Đàn cầm 弹琴 , trong đó có 2 câu:
Cổ điệu tuy tự ái
Kim nhân đa bất đàn
古调虽自爱
今人多不弹
Điệu xưa tuy mình yêu thích
Nhưng người đời nay đa phần không đàn nữa
          Trong một bài thơ ngũ ngôn khác cũng của ông, có 2 câu:
Thanh cầm hữu cổ điệu
Cánh hướng hà nhân thao (1)
清琴有古调
更向何人操
Khúc điệu cũ xưa ở đàn
Biết hướng đến ai mà đàn bây giờ
          Hai câu đầu có thành ngữ là “Cổ điệu bất đàn” 古调不弹. Thời xưa một số văn thất ý thường mượn để ví “nhân tâm bất cổ” 人心不古, buồn than người thời nay không cao thượng như người xưa.
          Hai câu sau có thành ngữ là  “Cổ điệu độc đàn” 古调独弹, hoặc “Cổ điệu tự thưởng” 古调自赏. Một số văn nhân thời xưa cũng mượn để than “tri âm khó kiếm”

CHÚ CỦA NGƯỜI DỊCH
(1)- Hai câu này trong bài Khách xá tặng biệt 客舍赠别 của Lưu Trường Khanh 刘长卿.
                                                                     Huỳnh Chương Hưng
                                                          Quy Nhơn 15/01/2014

Nguyên tác Trung văn
CỔ ĐIỆU BẤT ĐÀN
古调不弹
Trong quyển
TRUNG QUỐC THÀNH NGỮ CỐ SỰ TỔNG TẬP
中国成语故事总集
(tập 1)
Chủ biên: Đường Kì 唐麒
Trường Xuân – Thời đại văn nghệ xuất bản xã, 2004.
Previous Post Next Post