Ảnh: Song Trung miếu


Bình phong chữ "Trung"
12g01 ngày 13/10/2013


Mộ Võ Tánh
12g ngày 13/10/2013


Mộ Võ Tánh và mộ Nguyễn Tấn Huyên
12g03 ngày 13/10/2013


Bia ghi công Võ Tánh và Ngô Tùng Châu trong lầu Bát Giác
11g47 ngày 13/10/2013


Lầu Bát Giác
11g47 ngày 13/10/2013


Nhìn từ lầu Bát Giác
11g45 ngày 13/10/2013

SONG TRUNG MIẾU
(Xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định)


 SONG TRUNG MIẾU
(Xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định)
          Tại xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định trong thành Hoàng Đế hiện nay còn lại nền móng Song Trung miếu.
 Theo Đại Nam liệt truyện của Quốc sử quán triều Nguyễn, năm 1801 khi quân Tây Sơn tái chiếm thành Hoàng Đế, Hậu quân Võ Tánh quê ở Gia Định tự thiêu tại lầu Bát Giác, Lễ bộ Ngô Tùng Châu (Ngô Tòng Chu) quê huyện Phù Cát tỉnh Bình Định  uống thuốc độc tự tử. Năm 1802 vua Gia Long sai người đến Bình Định thu lấy hài cốt Võ Tánh đưa về chôn ở Gia Định. Lại cho dựng đền thờ ngay tại chỗ từng là lầu Bát Giác, gọi là “Bát Giác lâu từ” để thờ Võ Tánh và Ngô Tùng Châu.
Năm 1850 vua Tự Đức đổi tên “Bát Giác lâu từ” thành “Chiêu Trung từ”, nhưng người dân địa phương vẫn quen gọi là “Song Trung miếu”. Thời Pháp thuộc, miếu bị hư hỏng. Đến thời Bảo Đại, các thân hào thân sĩ Bình Định mở cuộc lạc quyên, triệt hạ đền cũ, xây lại đền mới. Từ đó, có người thì gọi là đền Song Trung, người thì gọi là Lăng Võ Tánh. Năm 1946, miếu bị dỡ bỏ vì nằm trong kế hoạch “tiêu thổ kháng chiến”.
Theo Lộc Xuyên Đặng Quý Địch, lầu Bát Giác hiện nay được xây từ năm 1938, là năm Phó bảng Đào Phan Duân đứng ra trùng tu Song Trung miếu. Lầu Bát Giác này để che nắng che mưa cho tấm bia ghi công Võ Tánh và Ngô Tùng Châu đặt ở giữa lầu. Cũng theo Lộc Xuyên Đặng Quý Địch trong quyển Song Trung miếu và thơ xướng hoạ, nền mộ Võ Tánh tại thành Hoàng Đế hình vuông, mỗi cạnh 4m, tượng trưng cho đất. Nấm mộ hình nửa khối cầu úp xuống, cao 1m, tượng trưng cho trời. Năm 1968 mộ đã được sửa sang không còn hình dáng như cũ. Ngôi mộ cổ còn lại nằm dưới chân mộ Võ Tánh được xác định là của Thống binh Nguyễn Tấn Huyên. Mộ Ngô Tùng Châu được gia tộc đưa về an táng tại quê nhà ở huyện Phù Cát.
          - Quách Tấn: Nước non Bình Định, nxb Thanh Niên 1999
          - Hoàng Trọng: Cảm thương quan Hậu thủ thiềng ba năm

Trong Đại Nam thực lục của Quốc sử quán triều Nguyễn có ghi lại việc tuẫn tiết của Võ Tánh và Ngô Tùng Châu như sau:
(Năm 1801) Thành Bình Định bị vây lâu hết lương. Chưởng Hậu quân bình Tây tham thặng đại tướng quân quận công Võ Tánh và Lễ bộ Ngô Tòng Chu đều chết. Trước là quân giặc vây thành, Tánh tuỳ phương chống đỡ, quân lệnh nghiêm minh, xếp đặt chỉnh đốn, được tướng sĩ liều chết để đánh, lớn nhỏ hơn vài chục trận, chưa từng bị nhụt chút nào. Có người khuyên Tánh phá vòng vây mà ra. Tánh không nghe, nói rằng: “Ta vâng mệnh giữ thành, phải cùng còn mất với thành, nay bỏ thành mà cầu lấy sống thì còn mặt mũi nào nhìn thấy chúa thượng nữa!” Đến đây lương hết, phải giết voi ngựa để ăn mà người ta vẫn không có lòng phản. Tánh lo thành bị hãm quân lính không khỏi tổn thương nhiều. Bèn sai các quân lấy củi khô chất quanh dưới lầu bát giác. Một buổi sớm Tòng Chu đến hỏi kế thì Tánh trỏ vào lầu bát giác mà nói rằng: “Đây là kế của tôi!” Nhân bảo Tòng Chu rằng: “Tôi làm chủ tướng, nghĩa không thể cùng sống với giặc. Ông là văn thần, quân địch tất không hại đâu, nên tính cách tự toàn.” Tòng Chu cười nói rằng: Cứ gì văn hay võ, lòng trung cũng là một thôi. Tướng quân biết chết theo nạn nước, Chu này không biết làm tôi chết với trung sao?” Thế rồi trở về mặc mũ áo, hướng về cửa khuyết bái vọng rồi uống thuốc độc mà chết. Tánh ngậm ngùi than rằng: “Ngô quân đã hơn ta một nước rồi!” Tức thì tới thăm và khâm liệm tống táng. Xong rồi kíp gởi thư cho (Trần Quang) Diệu nói: “Tướng quân nghĩa phải chết là việc của ta, quân sĩ không có tội gì, không nên giết hại.” Bèn lấy thuốc súng bỏ vào lầu bát giác, mặc triều phục lên trên lầu, gọi các tướng bảo rằng: “Ta từ khi phụng mệnh giữ thành này, giặc Tây Sơn đem lực lượng cả nước vây đánh bốn mặt, đã hai năm nay, thực nhờ tướng sĩ đồng tâm nên giữ vững được thành mà chống giặc. Nay lương hết sức kiệt, giữ không thể được nữa mà đánh cũng vô ích, nên ta chết, kẻo để tướng sĩ khổ mãi.” Các tướng và quân lính đều rạp xuống đất kêu khóc. Tánh vẫy lùi ra. Bèn phóng lửa đốt. Cai cơ quản đạo Ứng nghĩa là Nguyễn Tiến Huyên cũng gieo mình vào lửa để chết. Sau khi Tánh và Tòng Chu đã tử tiết, Diệu đem quân vào thành, dùng lễ chôn cất. (Nền cũ lầu bát giác ở trong thành, sau khi bình định thì lập đền thờ ở đó. Năm Gia Long thứ 5 [1808], cho tòng tự ở Thái miếu, năm Minh Mệnh thứ 5 [1824] đổi tùng tự ở Thế miếu; năm thứ 12 [1831] truy phong Tánh là Hoài quốc công, Tòng Chu là Ninh Hoà quận công). Tướng sĩ ở trong thành không bị giặc giết.
          (Phiên dịch: Nguyễn Ngọc Tỉnh. Hiệu đính: Đào Duy Anh, tập 1, trang 447. Nhà xuất bản Giáo dục, 2002)
                                                                     Huỳnh Chương Hưng
                                                                    Quy Nhơn 30/10/2013

Previous Post Next Post