Ảnh: Đài kỉ niệm Nước Mặn


Đài kỉ niệm
10g21 ngày 13/10/2013


Bia chữ Nôm
10g22 ngày 13/10/2013

ĐÀI KỈ NIỆM NƯỚC MẶN
(Thôn An Hoà, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định)


ĐÀI KỈ NIỆM NƯỚC MẶN
(Thôn An Hoà, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định)
          Nước Mặn là tên gọi một cảng thị sầm uất nằm bên đầm Thị Nại thuộc phủ Quy Nhơn vào thế kỉ XVII – XVIII. Không chỉ thế, Nước Mặn còn là một trung tâm truyền giáo đầu tiên của giáo phận Đàng Trong và cũng là nơi phôi thai chữ quốc ngữ.
          Theo bài viết Nước Mặn – Nơi phôi thai chữ quốc ngữ của Nguyễn Thanh Quang, cảng thị Nước Mặn xưa bao gồm các thôn: An Hoà, Lương Quang thuộc xã Phước Quang và thôn Kim Xuyên thuộc xã Phước Hoà huyện Tuy Phước tỉnh Bình Định ngày nay.
          Ngày 18 tháng 1 năm 1615, các Thừa sai Dòng Tên đến Đà Nẵng, sau đó không lâu các Thừa sai đến Hội An thành lập cư sở (residentia) đầu tiên. Tháng 7 năm 1618, các Thừa sai Dòng Tên từ Hội An đến Nước Mặn và lập cư sở thứ hai tại đây. Cư sở thứ ba được lập tại Thanh Chiêm vào năm 1623.
          Nước Mặn là nơi các Thừa sai nghiên cứu và sáng chế chữ quốc ngữ trong giai đoạn thô sơ nhất (giai đoạn phiên âm). Cư sở Nước Mặn cũng là “trường quốc ngữ” đầu tiên cho các Thừa sai đến sau.
          Trung tâm truyền giáo Nước Mặn được các Thừa sai Dòng Tên phụ trách cho đến khoảng tháng 2 năm 1665. Thời gian sau do các Thừa sai MEP phụ trách (MEP là Hội Thừa sai Hải ngoại Paris, viết tắt từ La Société des Missions Étrangères de Paris).
          Hiện nay tại thôn An Hoà có xây một đài kỉ niệm để kỉ niệm các Thừa sai Dòng Tên đầu tiên đến lập cơ sở truyền giáo. Đài kỉ niệm có hình dáng một cây đa với 16 nhánh tượng trưng cho 16 giáo phận từ Huế trở vô hiện nay. Chung quanh thân cây được gắn 7 tấm bia đá với 7 thứ tiếng: Việt Nam, Bồ Đào Nha, Ý, Pháp, Anh, La tinh, chữ Nôm. Bia đá được gắn ngày 15 tháng 7 năm 2011.
          Dưới đây là nguyên văn bia tiếng Việt:

ĐỂ MUÔN ĐỜI GHI NHỚ
Tại nơi đây Nước Mặn
- Ba linh mục Dòng Tên: Francesco Buzomi người Ý, Francisco de Pina người Bồ Đào Nha, Cristoforo Borri người Ý, và tu huynh António Dias người Bồ Đào Nha, đã đến lập cơ sở truyền giáo đầu tiên vào tháng 7 năm 1618, do lời mời của quan Trần Đức Hòa, Khám lý phủ Qui Nhơn.
- Đức Giám mục Phêrô Lambert de La Motte, Đại diện Tông tòa tiên khởi Giáo phận Đàng Trong, tiền thân của Giáo phận Qui Nhơn, đã đến vào tháng 10 năm 1671. Đầu năm 1672, khi trở lại, ngài bổ nhiệm một linh mục Việt Nam đầu tiên như là quản xứ; đó là cha Giuse Trang, quê Quảng Ngãi, vị linh mục Việt Nam tiên khởi, do chính ngài truyền chức vào ngày 31-3-1668 tại Juthia, Thái Lan; cũng chính ngài lập Dòng Mến Thánh Giá ở Đàng Trong, tại An Chỉ, Quảng Ngãi, vào cuối năm 1671.
                                             Qui Nhơn, ngày 15 tháng 7 năm 2011
                                                       Phêrô NGUYỄN SOẠN
                                                 Giám mục Giáo phận Qui Nhơn

          Ngày 31 tháng 7 năm 2011, lễ thánh Inhaxiô Lôyôla, tổ phụ Dòng Tên, công trình đã được hoàn thành.
          Ngày 05 tháng 8 năm 2011, lễ Cung hiến Đền thờ Đức Bà, Đức cha Phêrô Nguyễn Soạn, Giám mục giáo phận Qui Nhơn đã làm phép công trình.


                                                                    Huỳnh Chương Hưng
                                                                    Quy Nhơn 24/10/2013

Previous Post Next Post