Dịch thuật: Lễ Vu lan

LỄ VU LAN

          Lễ Vu lan (Vu lan bồn tiết 盂兰盆节) là một trong 2 lễ lớn của Phật giáo, còn được gọi là “Tăng tự tứ nhật” 僧自恣日, “Phật hoan hỉ nhật” 佛欢喜日, đây là ngày lễ mà tín đồ Phật giáo cử hành nghi thức cúng Phật kính tăng cùng cầu cho vong linh cha mẹ ông bà được siêu độ. Lễ được cử hành vào ngày rằm tháng Bảy.
          Theo yêu cầu của giới luật, hàng năm vào ngày rằm tháng Tư đến ngày rằm tháng Bảy, các tăng ni phải kiết hạ an cư, tức vào thời kì động thực vật sinh sôi phát triển, phải định cư một chỗ, một là để tránh làm tổn thương đến sinh linh, hai là để chuyên tâm tu tập. Đến rằm tháng Bảy mỗi tăng ni phải tự mình kiểm điểm hoặc giới thiệu kinh nghiệm tu tập, nên gọi là “Tăng tự tứ” 僧自恣. Trải qua 3 tháng chuyên tâm tu tập, công hạnh của tăng chúng tất nhiên được nâng cao, khiến chư Phật hoan hỉ, nhân đó ngày này cũng được gọi là “Phật hoan hỉ nhật” 佛欢喜日.
          Thế thì tại sao ngày này lại trở thành lễ Vu lan? Điều này phải bắt đầu nói từ bộ Phật thuyết Vu Lan bồn kinh 佛说盂兰盆经 do Trúc Pháp Hộ 竺法护 thời Tây Tấn dịch. Bộ kinh này nói rằng: Tôn giả Mục Kiền Liên 目犍连 thần thông đệ nhất trong lúc thiền định thấy người mẹ đã mất của mình sinh vào đường ngạ quỷ (饿鬼 quỷ đói), tuy ra sức dùng thần thông để cứu nhưng cứu không được nỗi khổ của mẹ, vì thế Tôn giả Mục Kiền Liên khóc bạch với Phật. Phật chỉ ra rằng: Ngày rằm tháng Bảy là ngày chúng tăng kiết hạ an cư viên mãn, ngày đó nên thiết Vu lan bồn để cúng, dùng trăm thức ăn cúng dường chúng tăng thập phương, nhờ uy lực thần thông của chúng tăng cứu mẹ thoát khỏi đường ngạ quỷ. Mục Kiền Liên làm theo lời, quả nhiên người mẹ thoát được. Mục Kiền Liên hỏi Phật, tương lai đệ tử của Phật có thể thông qua lễ cúng Vu lan để cứu cha mẹ quá vãng của mình được không? Phật bảo rằng: Từ nay về sau, phàm đệ tử của Phật từ bi hiếu hạnh đều có thể vào ngày rằm tháng Bảy “Tăng tự tứ nhật” “Phật hoan hỉ nhật” chuẩn bị thức ăn làm lễ Vu lan, cúng dường chúng tăng để cho cha mẹ còn sống tăng phước trường thọ, cha mẹ đã mất thoát khỏi ác đạo.
          “Vu lan bồn” 盂兰盆 ở đây là dịch âm từ tiếng Phạn, dịch ý là “cứu đảo huyền” 救倒悬, ý nghĩa là cứu độ nỗi khổ “đảo huyền” 倒玄(treo ngược) của vong linh. “Bồn” là tiếng Hoa, chỉ dụng cụ đựng thức ăn để dâng cúng chúng tăng. Khi bộ kinh này xuất hiện, lập tức đã nhận được sự hoan hỉ của người Trung Quốc.
 Thời Nam Bắc triều, Lương Vũ Đế 梁武帝 tổ chức lần đầu tiên lễ Vu lan trên đất Hán. Do bởi Lương Vũ Đế ra sức đề xướng, các giai tầng nhân sĩ không ai là không bắt chước làm theo. Các Hoàng đế đời sau cùng với bách tính đều sôi nổi với hoạt động Phật sự này, đồng thời không ngừng làm phong phú thêm nội dung, từ đó hình thành lễ Vu lan mang nét đặc sắc riêng, cũng có thể gọi là “Hiếu thân tiết” 孝亲节 (lễ Báo hiếu).
          Thời Đường, lễ Vu lan cực kì xa hoa. Lúc bấy giờ các chùa trong thành Trường An vào ngày rằm tháng Bảy đều có đuốc hoa, bình hoa, cây giả hoa giả … chưng bày trước chùa, đồng thời có cả nghi trượng âm nhạc, rất là hoành tráng.
          Đến thời Tống, đã kết hợp với truyền thuyết ngày rằm tháng Bảy là tết Trung nguyên của Đạo gia, in ấn phát hành Tôn thắng chú 尊胜咒, Mục Liên kinh 目连经. Lại dùng một cây trúc chẻ làm 3 chân, cao khoảng 3 đến 5 thước, bên trên kết đèn có hình dạng giống chiếc tổ gọi đó là Vu lan bồn, treo y phục, tiền âm phủ, rồi đốt. Đội nhạc từ đêm ngày mồng 7 đã diễn vở “Mục Liên cứu mẫu”, cho đến ngày rằm mới thôi, người xem đông vô kể.
          Lễ Vu lan từ chỗ dâng cúng thức ăn cho chúng tăng dần chuyển thành hoạt động Phật sự dâng cúng thức ăn cho quỷ, cầu siêu cho vong linh. Đời sau  còn có thả đèn trên sông, dần biến thành tập tục dân gian. Thời Nguyên Minh, tập tục này rất thịnh hành, lễ Vu lan trở thành một trong những hoạt động trọng yếu hàng năm ở chùa (1). (trích)

CHÚ CỦA NGƯỜI DỊCH
(1)- Xem thêm “Ý nghĩa và xuất xứ của hai tiếng Vu lan”, đăng trên Chuyện Đông chuyện Tây của An Chi, tập 4 trang 411. Nhà xuất bản Trẻ, 2005.

                                                                     Vu lan năm Quý Tị
                                                                     Huỳnh Chương Hưng   
                                                                     Quy Nhơn 21/8/2013


Previous Post Next Post