Dịch thuật: Nghi thức thăm hỏi (kì 1)

NGHI THỨC THĂM HỎI
(Kì 1)

          Đối với nghi thức thăm hỏi, do bởi thân phận của người thăm và người được thăm khác nhau nên có sự phân biệt khác nhau. Giữa bách tính bình dân với nhau, việc thăm hỏi bạn bè hoặc bà con chòm xóm không có nhiều lễ tiết phức tạp, trước khi thăm cũng không cần phải thông báo cho đối phương biết, nhưng cũng không thể tự ý bước vào cửa. Khi đến nhà chủ nhân, trước tiên cần phải gõ cửa, sau khi chủ nhân đồng ý mới được vào, đây là lễ tiết sơ đẳng nhất. Trên chiếc bình gốm đời Thanh phát hiện tại Trường Sa 长沙 có một bài thơ phản ánh cụ thể lễ tục đương thời này:
Khách lai mạc trực nhập
Trực nhập chủ nhân sân
Đả môn tam ngũ hạ
Tự hữu xuất lai nhân
客来莫直入
直入主人嗔
打门三五下
自有出来人
Khách đến nhà chớ có tự ý vào
Tự ý vào sẽ khiến chủ nhà giận
Phải gõ cửa ba bốn tiếng
Sẽ có người ra đón
(Trung Quốc dân tục từ điển - 中国民俗辞典)
          Nếu không gõ cửa mà tự ý vào, chủ nhân sẽ giận, trách mình không biết phép tắc. Trong Lễ kí – Khúc lễ thượng đệ nhất 礼记 - 曲礼上第一 có ghi:
          Tương thướng đường, thanh tất dương. Hộ ngoại hữu nhị lũ (1), ngôn văn tắc nhập, ngôn bất văn tắc bất nhập. Tương nhập hộ, thị tất hạ.
将上堂, 声必扬. 户外有二屦 (1), 言闻则入, 言不闻则不入. 将入户, 视必下
          (Trước khi bước vào nhà phải lên tiếng hỏi. Nếu thấy bên ngoài có 2 đôi giày tức bên trong đang có hai người, nghe thấy tiếng thì mới vào, không nghe thấy tiếng thì không vào. Khi bước vào thì phải nhìn xuống)
          Quan lại sĩ đại phu, những người có thân phận địa vị rất chú ý lễ tiết khi bái yết, không thể dùng cách gõ cửa. Thông thường trước tiên phải đưa “danh thiếp” 名帖, trên danh thiếp viết họ tên, thân phận, quê quán cùng mối quan hệ với đối phương và cả mục đích gặp, giao cho người nhà đem vào thông báo với chủ nhân. Thông qua danh thiếp chủ nhân biết được tình huống người muốn gặp để nghinh tiếp theo lễ tiết tương ứng. Danh thiếp thăm hỏi đã xuất hiện từ rất lâu, lúc ban đầu dùng thẻ tre, thẻ gỗ, nội dung viết cũng rất đơn giản gọi đó là “thích” , hoặc “danh thích” 名刺, cũng còn gọi là “yết” . Khi Lịch Dị Ki (Cơ) 郦食其 (2) cầu kiến Hán vương Lưu Bang 刘邦 đã cầm “yết” giao cho thuộc hạ của Lưu Bang đem vào thông báo. Về sau, giấy được ứng dụng rộng rãi, bắt đầu dùng giấy để làm danh thiếp, gọi là “danh chỉ” 名纸, nhưng cũng có người gọi là “danh thích”. Đưa cho người nhà vào thông báo gọi là “đầu thích” 投刺. Từ sau thời Đường có tên gọi là “môn trạng” 门状 (Cai dư tùng khảo 陔余丛考, quyển 31 – Danh thiếp 名帖). Thời Minh Thanh, danh thiếp không chỉ được chế tác kĩ lưỡng mà chủng loại cũng rất nhiều. Bái yết người nào phải dùng loại danh thiếp nấy, hình thức chữ viết trên danh thiếp cũng rất được chú trọng. Do bởi sự phức tạp trong hoạt động xã giao, việc sử dụng danh thiếp rộng rãi nên đã khiến cho số lượng dùng tăng lên rất nhiều, xuất hiện những người chế tác chuyên môn, những nhà chuyên bán danh thiếp. Quan lại sĩ đại phu cũng những người kinh doanh buôn bán đa phần đều mua danh thiếp để dùng trong việc bái yết. Lợi Mã Đậu 利玛窦(3) đã thuật lại tỉ mỉ việc sử dụng danh thiếp trong hoạt động xã giao cuối đời Minh:
          Tập quán thăm hỏi có những nghi thức cố định và phức tạp. Người đến thăm phải trình bái thiếp, bên trên ghi họ tên, cũng có thể có vài lời hỏi thăm, điều này phải dựa vào địa vị của khách hoặc của chủ nhân mà định. Bái thiếp do người nhà đem vào. Nếu là một người thăm nhiều người, hoặc nhiều người thăm một người, chủ nhân và khách là bao nhiêu đều có bấy nhiêu bái thiếp với hình thức khác nhau. Loại bái thiếp hoặc tiểu sách tử 小册子 này gồm mười mấy trang giấy, dài khoảng độ nửa bàn tay, có hình vuông, ở giữa trang bìa có một mảnh giấy đỏ dài khoảng 2 thốn. Thông thường loại “tiểu sách tử” được để vào trong một chiếc hộp giấy màu đỏ. Chủng loại của loại bái thiếp này rất nhiều, cho nên một người trong tay có ít nhất 20 loại bái thiếp dùng trong những trường hợp khác nhau, bên trên viết tước hàm thích hợp. Người được thăm có một tập quán, gọi người nhà đem họ tên và chỗ ở của khách đến thăm chép vào “bị vong lục” 备忘录 để khỏi quên nội trong 3 ngày tiến hành nghĩa vụ thăm xã giao lại. Nếu người được thăm không có ở nhà, hoặc do bởi một nguyên nhân nào đó mà không tiếp đãi khách được, khách đến thăm có thể để lại bái thiếp trong phòng. Cách thăm hỏi như thế có thể dùng phương thức đồng dạng để đáp lại, tức chỉ lưu bái thiếp lại trong phòng, lúc bấy giờ hai bên cảm thấy vừa ý, cho rằng đã làm trọn nghĩa vụ. Địa vị của khách càng cao thì họ tên trên tấm thiếp viết càng lớn, có lúc mỗi chữ lớn đến 1 tấc Anh, đến nỗi một chữ kí đơn giản theo tập quán viết từ trên xuống dưới của người Trung Quốc chiếm trọn một trang giấy.
          (Lợi Mã Đậu Trung Quốc trát kí 利玛窦中国札记, quyển 1)
          Những ghi chép của Lợi Mã Đậu còn khiến chúng ta hiểu được rằng, lúc bấy giờ bái thiếp được sử dụng rộng rãi, có người không đích thân đến mà chỉ dùng hình thức lưu tấm thiếp lại để thể hiện nghi lễ xã giao, hình thức này thường thấy vào dịp mừng năm mới. Địa vị của người được thăm càng cao, họ tên của họ càng viết lớn. Thời Minh Thanh, trong số các văn nhân xuất thân hàn lâm vẫn còn tập tục này. Danh thần Anh Hoà 英和 thời Gia Khánh, Đạo Quang, lần đầu tiên khi gia nhập Hàn lâm viện, đã mang thiếp đến yết kiến Đậu Đông Cao 窦东皋, chữ trên thiếp lớn cỡ 6,7 phân, không ngờ vị Đậu Đông Cao này vẫn còn chê là “chữ quá nhỏ”, sau khi chuyện trò xong, lúc ra về dặn Anh Hoà lần sau viết lớn hơn nữa (Ân Phúc đường bút kí 恩福堂笔记, quyển hạ).
          Danh thiếp thời Minh Thanh còn phân làm 2 loại: “đơn thiếp” 单帖 và “toàn thiếp” 全帖. Đơn thiếp dùng trong lúc bái yết thông thường, còn toàn thiếp dùng tờ giấy đỏ dài rộng gấp 10 lần đơn thiếp gấp lại thành 10 trang, còn gọi là “đại hồng toàn thiếp” 大红全帖. Dùng loại thiếp này biểu thị sự cung kính cao nhất. Trong Nho lâm ngoại sử 儒林外史, hồi thứ 3, sau khi Phạm Tiến 范进 thi đậu, để tạo mối quan hệ, vị hương thân họ Trương sau khi nghe được tin liền mang toàn thiếp đến bái yết. Lúc bấy giờ Phạm Tiến đang tiếp đãi láng giềng, “trông thấy một quản gia có thể diện, tay cầm đại hồng toàn thiếp chạy như bay đến: ‘Trương lão gia đến thăm Phạm lão gia vừa mới thi đậu’. Nói vừa dứt lời thì kiệu cũng vừa tới cửa”.
          Danh thiếp “đại hồng toàn thiếp” này bắt đầu vào khoảng niên hiệu Chính Đức 正德 nhà Minh do đại hoạn quan Lưu Cẩn 刘瑾 phát minh. Về sau phát triển thêm một bước, khi Nghiêm Tung 严嵩 triều Gia Tĩnh 嘉靖nắm quyền, có người nịnh bợ vị các lão này, để biểu thị lòng cung kính đặc biệt của mình đã dùng “hồng lăng kim tự” 红绫金字 (lụa đỏ chữ vàng) làm tấm thiếp. Thời Vạn Lịch 万历, khi Đại học sĩ Trương Cư Chính 张居正 đương chức, bọn xu phụ quyền thế đã “ dùng gấm dệt thành danh thiếp, chữ bằng nhung đỏ, lại thêu sợi vàng hình con mãng long uốn khúc”. Trương Cư Chính “thích tôn quý,cho nên mọi người dùng loại thiếp đó để nịnh ông ta” ((Cai dư tùng khảo 陔余丛考Danh thiếp 名帖).
          Lúc bấy giờ kẻ dưới gặp người trên, hoặc học học trò gặp thầy còn dùng một loại danh thiếp gọi là “thủ bản” 手本, thường có 6 trang, trước sau có bìa  cứng, đời Minh bìa màu xanh, đời Thanh bìa màu đen. Học trò lần đầu tiên bái kiến thầy dùng loại thủ bản có bìa bọc bằng lụa đỏ. Thủ bản đời Thanh lại phân thành “hồng bẩm” 红禀 và “bạch bẩm” 白禀. “Hồng bẩm” dùng vào lần đầu yết kiến hoặc lúc chúc mừng, “bạch bẩm” thường dùng để báo cáo sự việc. Trong Nho lâm ngoại sử sau khi Phạm Tiến thi đậu đến bái yết Quốc tử giám Tu nghiệp là Chu Tiến 周进 và Bảo Văn Khanh 鲍文卿 bái kiến Tri phủ phủ An Khánh 安庆 đều dùng loại thủ bản này.
                                                                                            (còn tiếp)

CHÚ CỦA NGƯỜI DỊCH
(1)- Theo Lễ kí dịch giải 禮記譯解 của Vương Văn Cẩm 王文錦, ở đây là chữ “lũ” (hộ ngoại hữu nhị lũ 戶外有二屨). Trong nguyên tác in nhầm là chữ “hộ” (hộ ngoại hữu nhị hộ 戶外有二戶). Tôi sửa theo Lễ kí dịch giải.
          (Quyển thượng, trang 9, Thượng Hải thư cục, 2007).
(2)- LỊCH DỊ KI (CƠ) 酈食其: trong Khang Hi từ điển, mục chữ có ghi:
          Hựu tính dã. “Tiền Hán – Cao Đế kỉ”: 酈食其 vi Lí giám môn. Chú: âm Lịch Dị Ki (Cơ)
          又姓也. “前漢 - 高帝紀酈食其 為里監門. : 音歷異基.
          (Chữ ) cũng là họ. Trong “Tiền Hán – Cao Đế kỉ” có chép: 酈食其 giữ chức Lí giám môn. Chú rằng: âm đọc là Lịch Dị Ki (Cơ).
                                  (Hán ngữ đại từ điển xuất bản xã, 2003, trang 1266)
(3)- LỢI MÃ ĐẬU 利玛窦, tức Matteo Ricci (1552 – 1610): học giả và là giáo sĩ truyền giáo người Ý.  Thời Vạn Lịch 万历 nhà Minh, ông đến cư trú ở Trung Quốc.
          Nguồn http://baike.baidu.com/view/83745.htm

                                                                      Huỳnh Chương Hưng
                                                                      Quy Nhơn 03/6/2013

Nguyên tác Trung văn
BÁI PHỎNG
拜访
Trong quyển
Trong quyển
TRUNG QUỐC DÂN TỤC VĂN HOÁ
LỄ NGHI
中国民俗文化
礼仪
Chủ biên: Chu Ưng (朱鹰)
Trung Quốc xã hội xuất bản xã, năm 2005
Previous Post Next Post