Dịch thuật: Hoàng quyền chí thượng


HOÀNG QUYỀN CHÍ THƯỢNG

          Trước đời Tần, những vị thống trị tối cao của nhà Thương nhà Chu đều xưng là “Vương”. Đến thời Chiến quốc, vương thất suy vi, quần hùng nổi lên, xưng “Vương” xưng “Đế”. Tần diệt 6 nước, Tần vương Chính cho rằng nếu không sửa đổi danh hiệu thì “không có gì để xứng với thành công, truyền lại cho hậu thế”. Vì thế sau khi thống nhất, Tần vương Chính đã bắt tay kiến lập hoàng quyền. Theo chỉ ý của Tần vương, quần thần sau khi thương nghị cho rằng, Tần vương công quá Tam Hoàng 三皇, đức sánh Ngũ Đế 五帝, nên lấy hiệu là “Thái Hoàng” 泰皇. Nhưng Tần vương Chính không theo đó, ông ta đề xuất dùng xưng hiệu “Hoàng đế” 皇帝. Đây là sự sáng tạo mang tính lịch sử đầu tiên của Tần vương Chính. Từ đó trở về sau, xưng hiệu “Hoàng đế” được các vị thống trị phong kiến tối cao của các triều đại dùng theo.
          Tần vương Chính còn quy định xưng vị chuyên dùng của Hoàng đế, xác lập chế độ ngọc tỉ, phế bỏ thuỵ hiệu, lấy thuyết cũ “ngũ đức chung thuỷ” 五德终始 (1),  xác lập và thần hoá hoàng quyền.
          Để thể hiện địa vị độc tôn của Hoàng đế, Tần vương Chính dùng kiến nghị của bọn Lí Tư 李斯, chế định chế độ. Như mệnh của Hoàng đế gọi là “chế” , lệnh gọi là “chiếu” , tự xưng là “trẫm” . Ấn ngọc của Hoàng đế gọi là “tỉ” , văn tự phải kị “tên huý” của Hoàng đế v.v… Trước đó, “trẫm” và “tỉ”  không phải dành riêng cho giai cấp thống trị chuyên dùng. Ngoài ra, còn quy định về mũ áo, xe kiệu chuyên dùng. Những nghi thức phức tạp này được chế độ hoá, thích ứng với nhu cầu nhấn mạnh “tôn quân” của giai cấp thống trị nhằm tăng cường sự thống trị trong cả nước.
          Từ giữa đời Chu bắt đầu thực thi chế độ “thuỵ pháp” 谥法, có sự phân biệt tốt xấu khen chê. Việc “con nghị bàn về cha, bề tôi nghị bàn về vua”, đã ngược lại với nhu cầu tăng cường tập quyền chuyên chế của đời Tần, vì thế Tần vương Chính đã xuống chế thư chính thức phế bỏ việc đặt tên thuỵ tự xưng là “Thuỷ Hoàng Đế” 始皇帝, “đời sau theo số mà tính”, xưng “Nhị thế, Tam thế”, huyễn tưởng “đến vạn thế, truyền ngôi mãi không dứt”.
          Thuyết ngũ đức chung thuỷ do Trâu Diễn 邹衍 thời Chiến quốc đặt ra, lấy việc tương sinh tương khắc của 5 loại vật chất là kim, mộc, thuỷ, hoả, thổ, đi rồi lại đến, tuần hoàn qua lại để giải thích việc các triều đại thay đổi nhau là do thiên mệnh định sẵn. Học thuyết này thích ứng với nhu cầu chính trị của nước Tần, và đã được thu thập vào bộ Lã thị Xuân Thu 吕氏春秋. Tần Thuỷ Hoàng phát huy thuyết ngũ đức chung thuỷ, cho rằng nhà Chu là Hoả đức, thuỷ thắng hoả, Tần là Thuỷ đức, về sắc chuộng màu đen, lấy tháng 10 làm đầu năm, hạn định “số dĩ lục vi kỉ” 数以六为纪, “độ dĩ lục vi danh” 度以六为名 (2). Việc Tần Thuỷ Hoàng dùng lịch pháp đảo ngược này rõ ràng là để khoác lên sắc thái thiên mệnh của chủ nghĩa thần bí.

CHÚ THÍCH CỦA NGƯỜI DỊCH
(1)- NGŨ ĐỨC CHUNG THUỶ 五德终始: là quan niệm lịch sử cho Âm dương gia Trâu Diễn 邹衍 thời Chiến quốc chủ trương, nó cùng với quan niệm không gian thiên hạ cấu thành thành phần quan trọng của văn hoá Trung Quốc. “Ngũ đức” 五德 chỉ 5 đức tính do ngũ hành mộc, hoả, thổ, kim, thuỷ làm đại biểu; “chung thuỷ” 终始 chỉ việc vận chuyển tuần hoà đi rồi lại về của “ngũ đức”. Trâu Diễn thường lấy học thuyết này để giải thích sự biến thiên của lịch sử và sự hưng suy của hoàng triều. Về sau, kẻ thống trị tối cao của hoàng triều thường tự xưng là “Phụng Thiên Thừa Vận Hoàng Đế” 奉天承运皇帝. “Thừa vận” ở đây ý nói “đức” vận của thuyết ngũ đức chung thuỷ.
          Mộc khắc thổ, kim khắc mộc, hoả khắc kim, thuỷ khắc hoả, thổ khắc thuỷ. Do bởi màu đen thuộc thuỷ, cho nên triều Tần chuộng màu đen. Theo thuyết của Trâu Diễn, 5 đức tính mà ngũ hành đại biểu lấy mối quan hệ tương khắc thay thế cho nhau. Đời sau có người đề xuất lấy thuyết ngũ hành tương sinh để giải thích ngũ đức chung thuỷ.
          Đầu đời Hán, thời Hán Cao Tổ Lưu Bang 刘邦, Trương Thương 张苍 cho rằng, vận số triều Tần ngắn ngủi lại bạo ngược vô đạo nên không thuộc triều đại chính thống. Phải là triều Hán thay thế Hoả đức của triều Chu, cho nên chính sóc của triều Hán là Thuỷ đức. Đến thời Hán Vũ Đế, lại cho rằng Tần là triều đại chính thống nên triều Hán đã đổi chính sóc là Thổ đức (do bởi thổ khắc thuỷ). Mãi đến khi Vương Mãng 王莽 kiến lập triều Tân mới theo thuyết của cha con Lưu Hướng 刘向 và Lưu Hâm 刘歆 cho rằng triều Hán thuộc Hoả đức.
          Sau khi Hán Quang Vũ khôi phục lại Hán thất, chính thức thừa nhận thuyết này, từ đó xác lập chính sóc của triều Hán là Hoả đức. Trong các sử thư thời Đông Hán và của các đời sau như Hán thư 汉书, Tam quốc chí 三国志 … đều theo thuyết này, vì thế triều Hán có lúc còn được gọi là “Viêm Hán” 炎汉, và cũng nhân vì Hoàng đế triều Hán họ Lưu nên cũng được gọi là “Viêm Lưu” 炎刘.
          Trước thời Vương Mãng, nhìn chung theo thuyết ngũ hành tương khắc, các triều đại lần lượt thay thế nhau là:
          Hoàng Đế là Thổ, triều Hạ là Mộc, triều Thương là Kim, triều Chu là Hoả, triều Tần là Thuỷ, triều Hán là Thổ.
          Sau khi Vương Mãng soán ngôi nhà Hán, để chứng minh tính hợp pháp của chính quyền của mình đã theo thuyết ngũ hành tương sinh của hai cha con Lưu Hướng, đồng thời đổi đức tính của các triều đại trước đời Hán:
          Hoàng Đế là Thổ, triều Hạ là Kim, triều Thương là Thuỷ, triều Chu là Mộc, triều Hán là Hoả.
          Mãi đến đời Nguyên vẫn theo thuyết này.
          Triều Hán là Hoả, Tào Nguỵ là Thổ, triều Tấn là Kim, Bắc Nguỵ là Thuỷ, Bắc Chu là Mộc, triều Tuỳ là Hoả, triều Đường là Thổ, Hậu Lương là Kim, Hậu Hán là Thuỷ, Hậu Chu là Mộc, triều Tống là Hoả, triều Kim là Thổ, triều Nguyên là Kim.
          Từ đời Nguyên vế sau lại theo thuyết tương khắc:
          Triều Nguyên là Kim, triều Minh là Hoả, triều Thanh là Thuỷ, Trung Hoa Dân Quốc là Thổ, Trung Hoa nhân dân cộng hoà quốc là Mộc.
          Ngoài ra còn có thuyết cho rằng nếu là thiện nhượng hoặc buộc truyền ngôi trong hoà bình thì là theo tương sinh. Nếu chiến tranh, tạo phản mà tự lên ngôi thì là theo tương khắc.
          Nguồn http://zh.wikipedia.org/wiki
(2)- Trong ngũ hành, hoả là dương, thuỷ là âm; trong bát quái có quẻ dương và quẻ âm. Quẻ Càn là quẻ dương, quẻ Khôn là quẻ âm. Quẻ Càn do 3 vạch liền tổ thành, gọi là “Càn tam liên” 乾三连, quẻ Khôn do 3 vạch đứt tổ thành, gọi là “Khôn lục đoạn” 坤六断. Với 64 quẻ kép, “cửu” đại biểu cho hào dương, “lục” đại biểu cho hào âm. Thuỷ thuộc âm, Khôn là âm, Thuỷ đức tất lấy “lục” làm định số và làm tên.

                                                  Huỳnh Chương Hưng
                                                 Quy Nhơn 16/02/2013

Dịch từ nguyên tác Trung văn
HOÀNG QUYỀN CHÍ THƯỢNG
皇权至上
Trong quyển
THỐNG NHẤT VƯƠNG TRIỀU ĐÍCH ĐẢN SINH – TẦN
统一王朝的诞生 -
Chủ biên: “Đồ thuyết Trung Quốc lịch sử”
Trường Xuân - Cát Lâm xuất bản tập đoàn hữu hạn trách nhiệm công ti, 2006
Previous Post Next Post