Dịch thuật: Lạp nguyệt Lạp nhật Lạp bát chúc


LẠP NGUYỆT LẠP NHẬT LẠP BÁT CHÚC

          Hàng năm, tháng 12 âm lịch tại sao gọi là “Lạp nguyệt” 腊月? Vấn đề này phải bắt đầu từ chữ “Lạp” .
          Trong Hiện đại Hán ngữ từ điển 现代汉语词典, mục chữ “Lạp” điều thứ 1 có ghi rằng:
          Thời cổ vào tháng 12 âm lịch hợp tế chư thần gọi là “Lạp”. Cách giải thích này không sai, nhưng còn đơn giản. Theo khảo chứng, nó có 3 hàm nghĩa:
          1- “Lạp giả, tiếp dã” 腊者, 接也 (Lạp là tiếp), ngụ ý mới cũ thay nhau. (Tùy thư – Lễ nghi chí 隋书礼仪志)
     2- “Lạp giả đồng lạp” 腊者同猎 (chữ giống chữ ), chỉ những cầm thú săn bắt được dâng cúng chư thần và tổ tiên, cho nên chữ có bộ (nhục), ý nói dùng “nhục” (thịt) để tế.
          3- “Lạp giả, trục dịch nghinh Xuân” 腊者, 逐疫迎春 (Lạp là xua đuổi ôn dịch, nghinh đón Xuân về) (Kinh Sở tuế thời kí 荆楚岁时记).
          Theo lời chú trong Thuyết văn giải tự 说文解字:
Lạp hợp dã, hợp tế chư thần giả.
腊合也合祭诸神者
(Lạp là hợp, hợp tế chư thần)
          Trong Ngọc đôn bảo điển 玉炖宝典 có ghi:
Lạp giả tế tổ tiên, báo bách thần đồng nhật dị tế dã.
腊者祭祖先,报百神同日异祭也
(Lạp là tế tổ tiên, cúng bách thần cùng một ngày nhưng khác lễ tế)
          Từ đó có thể thấy, “Lạp” là một loại hoạt động tế tự bách thần và tổ tiên là điều không phải nghi ngờ gì. Thời cổ, mọi người hàng năm đem những cầm thú săn bắt được cử hành 4 lần tế vào 4 mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông, tế tổ tiên và thiên địa thần linh, trong đó quy mô tế Đông là lớn nhất và cũng là long trọng nhất; cho nên về sau mọi người gọi tế Đông là “Lạp tế” 腊祭. Như vậy, việc mọi người đem tháng 12 cuối năm có ngụ ý mới cũ thay nhau, xua đuổi ôn dịch nghinh đón Xuân về cử hành “Lạp tế” gọi là “Lạp nguyệt” 腊月 cũng là việc rõ ràng mạch lạc.
          “Lạp nguyệt” có thể lí giải là “tế tự chi nguyệt” 祭祀之月 (tháng tế tự), nhưng hoàn toàn không phải là trong tháng này ngày nào cũng tiến hành hoạt động tế tự, mà là chỉ tiến hành trong một ngày, ngày đó gọi là “Lạp nhật” 腊日. “Lạp nhật” lúc đầu không có ngày cố định, đến thời Hán dựa theo “can chi” đã định lại là vào ngày Tuất thứ 3 sau tiết Đông Chí 冬至 là “Lạp nhật”  (khoảng ngày thứ 36 tính từ tiết Đông Chí). Đến thời Nam Bắc triều mới lấy ngày mồng 8 tháng 12 âm lịch cố định làm “Lạp nhật” tức “Lạp bát tiết” 腊八节 (tục gọi là “Lạp bát” hoặc “Lạp bát nhật”). “Lạp bát tiết” còn được gọi là “Phật thành đạo tiết” 佛成道节, cũng có tên là “Thành đạo hội” 成道会. Theo truyền thuyết, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni tu hành chốn thâm sơn, qua 6 năm tĩnh tọa, thân thể gầy ốm, từng muốn thoát bỏ cảnh khổ này, gặp được cô gái chăn dê dâng cho Ngài bát sữa nai, sau khi dùng xong Ngài xếp bằng ngồi dưới gốc Bồ đề, và vào ngày mồng 8 tháng 12 ngộ đạo thành Phật. Xuất phát từ tấm lòng thành kính, tín đồ Phật giáo Trung Quốc đã dung hợp với “Lạp bát”, trở thành “Lạp bát tiết” của ngày hôm nay. Như vậy, “Lạp bát tiết” đã trở thành ngày lễ mọi người tế tự thần linh và tổ tiên cùng với Phật Tổ.
          Ở “Lạp bát tiết”, trong dân gian đa số lưu hành tập tục ăn cháo lạp bát (Lạp bát chúc 腊八粥). Khởi nguồn của tập tục này nhiều người cho rằng tín đó là đồ Phật giáo cảm ơn cô gái chăn dê đã dâng bát sữa nai cho Đức Phật, ngày đó họ dùng các loại gạo thơm cùng các loại quả nấu cháo dâng cúng Đức Phật.
 Nhưng về nguồn gốc của của cháo Lạp bát, trong dân gian vẫn còn lưu truyền nhiều câu chuyện khác nhau. Có thuyết cho rằng vào thời Tây Tấn có một anh thanh niên cực kì lười biếng, không làm việc gì. Người vợ của anh ta nhiều lần khuyên bảo nhưng vô hiệu. Một năm nọ vào ngày mồng 8 tháng 12, trong nhà không còn cái ăn, anh ta đói lả bèn lục hết những vò, chum, hũ trong nhà, nhặt được một ít gạo còn sót lại đem nấu cùng với những thứ có thể ăn được thành một nồi cháo đem ăn đỡ đói. Từ đó anh ta hối hận, quyết tâm sửa đổi lỗi lầm trước đây. Mọi người trong vùng đem chuyện đó ra dạy con cháu, mỗi khi đến ngày Lạp bát đều nấu cháo ăn, vừa biểu thị không quên công lao khó nhọc của tổ tiên, vừa mong thần linh mang đến cho một năm mới may mắn cơm no áo ấm.
Một thuyết khác cho rằng Nhạc Phi 岳飞 gặp phải gian thần hãm hại, quân lương bị chặn. Bách tính nghe được tin, nhà nhà liền nấu cháo đem đến, hôm đó đúng vào ngày mồng 8 tháng 12. Về sau cứ đến ngày này, mọi người đều nấu cháo Lạp bát, kỉ niệm Nhạc Phi và đội quân của ông.
Cũng một thuyết khác, Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương 朱元璋 lúc nhỏ đi chăn trâu cho một nhà địa chủ thường bị bỏ đói. Một hôm nọ ông ta phát hiện một hang chuột, định bắt vài con nướng ăn đỡ đói, liền thọc tay vào hang, lại phát hiện trong hang có nhiều gạo, bắp, đậu … mà chuột tha về tích trữ. Ông ta lấy nấu thành một nồi cháo rất thơm. Về sau làm Hoàng đế ngán những món sơn hào hải vị, ngày Lạp bát nhớ đến món cháo năm nào liền lệnh cho ngự trù đem ngũ cốc nấu cháo, đồng thời ban tên cho món cháo đó là “Lạp bát chúc”.
Tóm lại, bất luận là thuyết nào, cũng đều mang ý nghĩa cầu phúc. Do bởi Trung Quốc đất rộng, tập tục của các dân tộc ở các nơi cũng khác nhau, nên tuy cùng một món “Lạp bát chúc” nhưng có nhiều cách nấu khác nhau.

                                                                       Huỳnh Chương Hưng
                                                                     Quy Nhơn 19/01/2013
                                                                  Ngày Lạp bát năm Nhâm Thìn

Dịch từ nguyên tác Trung văn
LẠP NGUYỆT LẠP NHẬT LẠP BÁT CHÚC
腊月腊日腊八粥
Tác giả: Kỉ Thận Ngôn 纪慎言
Previous Post Next Post