Dịch thuật: Diễn biến quan xưng Tể tướng ... (kì 3)


DIỄN BIẾN QUAN XƯNG TỂ TƯỚNG
 QUA CÁC TRIỀU ĐẠI

 TẤN, THẬP LỤC QUỐC

          TRIỀU TẤN
          Tây Tấn
          Triều Tây Tấn đã đem các Công thiết lập thời Tào Nguỵ hợp xưng là Bát công 八公 (tức Thái sư 太师, Thái phó 太傅, Thái bảo 太保, Đại tư mã 大司马, Đại tướng quân 大将军, Thái uý 太尉, Tư đồ 司徒, Tư không 司空). Trong Bát công, Thái tể, Thái phó, Thái bảo gọi là Thượng công 上公, chỉ là hư hàm; Đại tư mã, Đại tướng quân cũng chỉ là hàm danh dự, đều được bổ sung nhậm chức Đô đốc 都督 tại địa phương; Thái uý, Tư đồ, Tư không xưng là Tam công, về cơ bản cũng chỉ là hàm danh dự, nhưng bảo lưu một số quyền lực của Tể tướng, đồng thời thường lấy Tư đồ là Tể tướng danh dự.
          Tể tướng thực tế triều Tây Tấn là Thượng thư lệnh 尚书令, vị chủ quản Thượng thư đài 尚书台, ngoài ra còn thiết lập Thượng thư Tả bộc xạ 尚书左仆射, Thượng thư Hữu bộc xạ 尚书右仆射, tương đương Phó tể tướng, quốc sự do những người này trực tiếp xử lí. Gặp phải chính sự trọng đại, sẽ do Bát toạ 八座 nghị định (tức Thượng thư lệnh, Tả Hữu bộc xạ và Lục tào). Điều này cho thấy Tể tướng đương thời là do một nhóm người tổ thành. Có lúc, cũng xem tước hàm Lục thượng thư sự 录尚书事  như Tể tướng.
          Trong loạn bát vương, Triệu Vương Tư Mã Luân 司马伦, Thành Đô Vương Tư Mã Dĩnh 司马颖 từng dùng hàm Tướng quốc, Thừa tướng để hành sử  chức Tể tướng. Sau khi loạn bát vương kết thúc, Tư Mã Việt 司马越, Tư Mã Duệ 司马睿, Tư Mã Bảo 司马保 cũng lấy quan hàm Thừa tướng để hành sử chức quyền Tể tướng.
          Đông Tấn
          Đông Tấn theo chế độ Tây Tấn, thiết lập Bát công, địa vị cũng tương đồng triều Tây Tấn. Vương triều Đông Tấn dựa vào sự ủng hộ của giới sĩ tộc nam bắc mà tồn tại, quân quyền không mạnh, phụ chính đại thần đều bổ nhiệm Lục thượng thư sự, “chức quyền của họ không gì không nắm giữ”, thao túng triều chính. Lại đặt ra Thượng thư lệnh tổng lí 尚书令总理, xử lí chính sự, lấy Thượng thư bộc xạ, Thượng thư Hữu bộc xạ, Thượng thư Tả bộc xạ làm phó. Do đó, triều Đông Tấn lấy Lục thượng thư sự, Thượng thư lệnh cùng với Thượng thư bộc xạ làm Tể tướng.
          THẬP LỤC QUỐC
          Hơn 130 năm từ cuối thời Tây Tấn trở đi, các tộc thống trị phương bắc như Hung Nô 匈奴, Tiên Ti 鲜卑, Yết Chi 羯氏 lần lượt trước sau kiến lập các vương triều lớn nhỏ, chủ yếu có Tiền Triệu 前赵, Hậu Triệu 后赵, Tiền Yên 前燕, Hậu Yên 后燕, Bắc Yên 北燕, Nam Yên 南燕, Tiền Tần 前秦, Hậu Tần 后秦, Tây Tần 西秦, Tiền Lương 前凉, Hậu Lương 后凉, Bắc Lương 北凉, Nam Lương 南凉, Tây Lương 西凉, Đại Hạ 大夏 gồm 15 vương triều. Trong lịch sử đã đem 15 vương triều này cùng với Thành Hán 成汉 do người Hán kiến lập ở phía tây nam gọi chung là “thập lục quốc”. Ngoài ra, còn có các chính quyền như Nhiễm Nguỵ 冉魏, Tây Yên 西燕, Đại , Nhu Nhiên 柔然.
          Những vương triều này rất ngắn ngủi, nội bộ lại biến loạn, thường công phạt lẫn nhau, chức xưng Tể tướng cũng phức tạp không ổn định, vừa sử dụng một số quan xưng của  chính quyền tộc người Hán, lại mang đặc trưng của chính quyền dân tộc mình, cả hai lẫn lộn với nhau. Trong đó những chính quyền bị Hán hoá tương đối sâu đậm, sử dụng quan xưng của chính quyền tộc người Hán tương đối nhiều. Những chính quyền bị Hán hoá tương đối ít thì sử dụng quan xưng vốn của dân tộc mình thường sử dụng. Đại thể mà nói, Tiền Triệu, Thành Hán, Tiền Yên, Hậu Yên, Nam Yên, Nhiễm Nguỵ, Tiền Tần, Hậu Tần, Hậu Lương, đa phần lấy Lục thượng thư sự, Thượng thư lệnh, Thượng thư Tả Hữu bộc xạ làm Tể  tướng, có lúc lấy Thừa tướng, Tư đồ làm Tể tướng; Hậu Triệu, Nam Lương, Tây Lương, Bắc Lương đa phần lấy Tả Hữu trưởng sử, Tả Hữu tư mã, Thượng thư Tả Hữu thừa làm Tể tướng; còn Bắc Yên, Tây Tần, Đại Hạ thì trước sau lấy Lục thượng thư sự, Thượng thư lệnh, Thượng thư bộc xạ, Thượng thư Tả Hữu thừa, Thượng thư, Tả phụ, Hữu bật làm Tể tướng.
          Những ghi chép về một số chính quyền này rất giản lược, và sử liệu cũng không đầy đủ.

                                                                             Huỳnh Chương Hưng
                                                                            Quy Nhơn 20/01/2013

Dịch từ nguyên tác Trung văn
LỊCH ĐẠI TỂ TƯỚNG QUAN XƯNG ĐÍCH DIỄN BIẾN
历代宰相官称的演变
Trong quyển
TRUNG QUỐC LỊCH ĐẠI TỂ TƯỚNG LỤC
中国历代宰相录
Chủ biên: Dương Kiếm Vũ 杨剑宇
Thượng Hải văn hoá xuất bản xã, 1999.
Previous Post Next Post