Dịch thuật: Trà làm môi giới hôn nhân


 TRÀ LÀM MÔI GIỚI HÔN NHÂN

Bồn giang Giang khẩu thị nô gia
Lang nhược nhàn thời lai ngật trà
Hoàng thổ trúc tường mao cái ốc
Môn tiền nhất thụ tử kinh hoa
湓江江口是奴家
郎若闲时来吃茶
黄土筑墙茅盖屋
门前一树紫荆花
Nơi Giang khẩu Bồn giang là nhà của em
Nếu chàng có thời gian mời đến uống trà
Nhà em tường đắp đất vàng mái lợp cỏ tranh
Trước cửa có cây tử kinh hoa.
          Đây là bài dân ca truyền thống vùng Giang Nam Trung Quốc, biểu hiện việc dùng trà làm môi giới truyền đạt tình yêu đã trở thành phong tục trong dân gian. Ngoài ra, khi đính hôn hoặc kết hôn, trà cũng là vật trọng yếu không thể thiếu được.Thời cổ do bởi trình độ khoa học kĩ thuật còn hạn chế, người ta thường cho rằng cây trà không thể chuyển dời trồng sang chỗ khác, cho nên đa phần lấy hạt trà trồng trực tiếp. Như trong Trà kinh 茶经của Lục Vũ 陆羽 có ghi:
Phàm nghệ nhi bất thực, cố thực nhi hãn mậu
凡艺而不实, 植而罕茂
(Phàm dùng kĩ thuật di dời để trồng thì không thích hợp, nếu có sống thì cũng không tươi tốt)
          Để lấy tư tưởng “tùng nhất” 从一 quán xuyến trong hôn nhân, trà không những trở thành khúc dạo đầu của hôn nhân tức tượng trưng việc đính hôn, mà còn trở thành vật tượng trưng cho hôn lễ. Sau thời Đường, phương bắc phương nam đều gọi đính hôn là “thụ trà” 受茶 (nhận trà), kết hôn là “ngật trà” 吃茶 (ăn trà), vàng đính hôn gọi là “trà kim” 茶金, lễ vật gọi là “trà lễ” 茶礼, náo tân phòng gọi là “ hợp hợp trà” 合合茶, “quế hoa trà” 桂花茶, bái lạy cha mẹ gọi là “bái trà” 拜茶, “quỵ trà” 跪茶 … Công chúa Văn Thành 文成 đời Đường khi được gã cho Tùng Tán Can Bố 松赞干布 ở Tây Tạng đã lấy trà và đồ gốm làm của hồi môn. Việc truyền bá trà vào Tây Tạng bắt đầu từ sau việc hoà thân. Lang Anh 郎瑛 đời Minh trong Thất tu lược cảo 七修略稿 nói rằng:
          Trồng trà không thể di dời, di dời thì cây trà không sống, cho nên con gái khi đã nhận sính lễ thì gọi là ăn trà. Lấy trà làm lễ vật là từ ý nghĩa này.
          Từ thời Minh Thanh trở về sau, “trà lễ” 茶礼 (tục gọi “hạ trà” 下茶) càng thịnh hành. Trong Kim Bình Mai 金瓶梅 nhiều chỗ nói đến “trà lễ”, Nguyễn Quỳ Sinh 阮葵生 đời Thanh trong Trà dư khách thoại 茶余客话 có nói người phía nam sông Hoài khi nạp sính lễ “dưới đồ vật quý báu phải lót trà, để chia tặng người thân , bạn bè”.
 Phúc Cách 福格 đời Thanh trong Thính vũ tùng đàm 听雨丛谈 cũng nói
Ngày nay trong hôn lễ khi nạp sính lễ lấy trà làm tiền tệ, người Mãn người Hán đều như thế, nhưng không phải là chính thất thì không dùng.
          Phong tục trong quá khứ, nếu như nam nữ sau khi gặp nhau vừa ý, bên nam sẽ mang sính lễ đến, bên nữ tiếp nhận, việc hôn nhân đã định, cô gái coi như đã “ăn trà” của người ta. Nếu nhận sính lễ của một nhà khác nữa đó là “ăn trà hai nhà” sẽ bị mọi người coi thường.
          Đến nay trong tập tục hôn nhân của nhiều dân tộc thiểu số ở Trung Quốc vẫn có thể thấy mối quan hệ giữa trà với những tập tục hôn nhân đó. Với tộc người Dao , con trai khi cầu hồn cần phải có trà và thuốc lá; còn ở tộc Bố Lãng 布朗 là trà chua. Tộc Đức Ngang 德昂 cầu hôn được chia làm nhiều lần, mỗi lần đều phải mang trà. Lễ đính hôn của tộc người Ngoã có trà, chuối, rượu. Con trai tộc Tát Lạp 撒拉 mời người làm mai tặng lễ vật gọi là “đính hôn trà”, nhìn chung có 1 đôi khoen tai, 1 bao trà. Tộc Bảo An 保安 ở  núi Tích Thạch 积石 Cam Túc 甘肃 trong lễ đính hôn cũng dùng trà gọi là “nã trà” 拿茶. Tộc Lạp Hỗ 拉祜 ở Vân Nam 云南 sau khi xác định ngày giờ thành hôn nhà trai sẽ nạp trà, muối, rượu, gạo, củi làm sính lễ, những lễ vật khác có thể không nạp chứ trà thì không thể thiếu. Người Lạp Hỗ có câu: “Không có trà thì không thể kết hôn”. Với tộc Đông Hương 东乡 trong sính lễ phải có mấy bao trà, lễ đính hôn gọi là “đính trà” 订茶. Trong hôn lễ của các dân tộc thiểu số càng không thể thiếu trà. Trong hôn lễ của tộc người Dư ở Phúc Kiến 福建 có tục “uống trà Bảo tháp”. Ngày thành hôn, nhà trai đem kiệu đỏ đến nhà gái đón dâu, nhà gái dùng mâm trà bát giác bằng gỗ cây chương sơn đỏ, chồng lên trên đó 5 bát trà thành hình cái tháp, tục gọi là “bảo tháp trà” 宝塔茶, sau khi hai bên ca hát đối đáp, chàng rể dùng miệng cắn lấy bát trà trên cùng, hai tay nhanh chóng chụp lấy 3 bát ở tầng giữa, rồi đưa cho 4 người khiêng kiệu, sau đó sẽ uống cạn bát còn lại, lấy ý “thanh thuỷ bào trà điềm như mật” 清水泡茶甜如蜜 (nước trong pha trà ngọt như mật). Trong hôn lễ của tộc người Bạch ở Nhĩ Hải 耳海, cô phụ dâu trước tiên mời chú rể trà mật ong, sau đó mời cô dâu chú rể uống “hồ điệp trà” 蝴蝶茶, tức dùng hạt thông, hoa quỳ ghép thành đôi bướm pha với loại hồng đường trà, cầu chúc cho tình yêu của hai người bền chặt, ngọt như mật, và có nhiều con cháu. Ngoài ra, người tộc Đồng trước đây có cách thoái hôn “thoái trà” 退茶. Việc hôn nhân do cha mẹ định liệu, cô gái không bằng lòng thì đem trà đến quăng vào nhà trai rồi quay lưng chạy, nếu không bị chàng trai bắt được thì coi như việc thoái hôn đã thành.

                                                                   Huỳnh Chương Hưng
                                                                   Quy Nhơn 27/8/2012
  
Dịch từ nguyên tác Trung văn
DĨ TRÀ VI MÔI
以茶为媒
Trong quyển
TRÀ DỮ TRUNG QUỐC VĂN HOÁ
茶与中国文化
Tác giả: Vương Quốc An 王国安, Yếu Anh要英
Hán ngữ đại từ điển xuất bản xã, 2000.
Previous Post Next Post