Dịch thuật: Tên với thời đại

TÊN VỚI THỜI ĐẠI

          Đặt tên, do cần phải có ý nghĩa nên chịu ảnh hưởng xã hội thời đại; thông qua tên có thể nhìn thấy một cách trực tiếp hoặc gián tiếp, hiển lộ hoặc ngầm về phong tục và thời thượng của thời đại, thậm chí cả kinh tế và văn hoá.
          Thời Ân Thương, đế vương đa phần đều lấy can chi để đặt tên, như vương triều Ân, từ sau Thượng Giáp Vi 上甲微, hơn 30 đế vương đều lấy “thập can” để làm tên. Trong điển tự tế tổ,  Ân vương cũng lấy tên can của các đế vương để định ngày tế. Điều này có khả năng có liên quan đến cuộc sống và năng lực tư duy của họ. Do bởi lúc bấy giờ không có khí cụ ghi nhớ thời gian, lại không có năng lực định rõ thời gian, cho nên 10 đơn vị tính giờ giản đơn đã trở thành nội dung trọng yếu trong cuộc sống của họ. Vì thế, mọi người đa phần đều lấy “Thiên can” để làm tên.
          Thời Xuân Thu, giữa tính và danh đa phần thêm vào trợ từ “Chi” và  “Tử” , nhưng kết cấu không cố định. Như, Ngũ Xa 伍奢 còn có tên là Ngũ Tử Xa; Giới Thôi 介推 còn có tên là Giới Chi Thôi; Mạnh Phản 孟反 là Mạnh Chi Phản; Chúc Vũ 烛武 là Chúc Chi Vũ. Ngoài ra còn có Tử Sản 子产 cũng được gọi là Thành Tử 成子; Tôn Vũ 孙武 là Tôn Tử v.v…
          Từ đời Hán đến thời Tam quốc, tên người có 2 đặc điểm mới:
          1- Tên đơn rất nhiều. Ví dụ tên một số nhân vật đầu thời Hán như: Lưu Bang 刘邦, Lữ Trĩ 吕雉, Tiêu Hà 萧何, Lục Giả 陆贾, Hàn Tín 韩信, Trương Lương 张良, Phàn Khoái 樊哙, Tào Tham 曹参, Bành Việt 彭越, Trần Bình 陈平, Chu Bột 周勃. Sau đó Vương Mãng 王莽 lại ra lệnh cấm tên 2 chữ, vì thế tên đơn trở thành chế định của một thời. Ví dụ như tên một số nhân vật thời Tam quốc: Lưu Hiệp 刘协, Viên Thiệu 袁绍, Tào Tháo 曹操, Quách Gia 郭嘉, Tào Phi 曹丕, Tào Thực曹植, Tư Mã Ý 司马懿, Mã Quân 马钧, Lưu Bị 刘备, Lưu Thiện 刘禅, Gia Cát Lượng 诸葛亮, Tôn Quyền 孙权, Chu Du 周瑜, Mạnh Hoạch 孟获, Quan Vũ 关羽, Trương Phi 张飞, Đổng Trác 董卓, Tư Mã Chiêu 司马昭, Lỗ Túc 鲁肃, Hoàng Cái 黄盖, Lục Tốn 陆逊, Hoàng Trung 黄忠, Mã Siêu 马超 … đều là tên đơn (trong đó Gia Cát, Tư Mã là họ phức, tên vẫn là đơn).
          2- Qua tên cho thấy thứ hạng, như con của Lưu Biểu 刘表 là Lưu Kì 刘琦, Lưu Tông 刘琮. Họ không chỉ là tên đơn mà còn đều dùng bộ thủ giống nhau biểu thị là anh em. Hiện tượng này có ảnh hưởng rất lớn đối với người đời sau. Như anh em văn học gia đời Tống là Tô Thức 苏轼 và Tô Triệt 苏辙 đều dùng bộ “xa” để biểu thị cùng thứ hạng. Hiện nay, đặc biệt một số người làm văn hoá, khi đặt tên đều dùng cùng bộ thủ để biểu thị quan hệ anh chị em. Có anh em lấy bộ “thuỷ” như thanh , phái , dật , khiết , trị … có chị em lấy bộ “thảo” như hoa , chi , anh , vân , phân , phương , cần , nhược ,bình
         Thời Nguỵ Tấn, Lục triều, thịnh hành dùng chữ “Chi” , thậm chí đên mấy đời đều theo như thế. Như đời sau của Vương Đạo 王导 người ở Lâm Nghi 临沂 Lang Nha 琅玡 thời Đông Tấn, nối tiếp nhau 5 đời dùng chữ “Chi”: Lâu Chi 娄之, Doãn Chi 允之, Hi Chi 羲之, Bưu Chi 彪之, Côn Chi 昆之, Hi Chi 希之, Tân Chi 辛之, Hiến Chi 献之, Lậu Chi 陋之, Vọng Chi 望之, Trinh Chi 桢之, Dụ Chi 裕之, Duyệt Chi 悦之, Toản Chi 瓒之, Thăng Chi 升之, Vi Chi 微之, Tú Chi 秀之, Diên Chi 延之, Dư Chi 舆之,  Thiều Chi 韶之 .
          Sĩ gia đại tộc thời Nguỵ Tấn Nam Bắc triều vốn rất chú ý lễ pháp coi trọng tị huý, nhưng đối với chữ “Chi” lại nối tiếp nhau dùng mà không tị huý, đây có thể là liên quan đến quan niệm tôn giáo lúc bấy giờ. Nhà sử học nổi tiếng Trần Dần Khác 陈寅恪 trong Thiên Sư đạo dữ Hải Tân địa ngục chi quan hệ 天师道与海滨地狱之关系 cho rằng, chữ “Chi” là kí hiệu của “Ngũ đấu mễ”五斗米 (tức đạo Thiên Sư), sĩ đại phu lúc bấy giờ rất tôn sùng đạo Thiên Sư, đồng thời lấy đó làm vinh dự. Vì thế, lấy “Chi” đặt tên làm kí hiệu cho đạo Thiên Sư là việc rất tự nhiên.
          Tên của người thời Đường đa số thích dùng chữ số. Như trong Xương Lê tập 韩黎集 của Hàn Dũ 韩愈, đề mục nêu một số tên người dùng chữ số để đặt:
          - Phó Giang Lăng đồ trung kí tặng Ngũ thập nhị bổ khuyết 赴江陵途中寄赠五十二补阙.
          - Tự Lí nhị thập bát dạ ẩm Tương thành 自李二十八夜饮襄城.
          - Túc thần quy chiêu Lí nhị thập bát, Phùng thập thất 宿神龟招李二十八, 冯十七.
          - Tống Lí lục hiệp luật quy Kinh nam 送李六协律归荆南
          - Tảo xuân trình thuỷ bộ Trương thập bát viên ngoại 早春呈水步张十八员外. …
          Trong thơ của Đỗ Phủ 杜甫 đa số cũng như thế. Đơn cử như trong Thảo đường thi tiên 草堂诗笺 dùng chữ số để đặt tên có:
          - Cao tam thập 高三十, Ngũ thư kí Thích 五书记适, Trịnh thập bát Tư hộ Kiền 郑十八司户虔, Trương thập tam Kiến Phong 张十三建封, Trịnh thập bát Bí 郑十八贲, Đường thập ngũ thành 唐十五诚, Vệ bát xử sĩ 卫八处士, Phàn tam thập tam thị ngự 樊三十三侍御, Tiết thập nhị trượng phán quan 薛十二丈判官, Đường thập bát sứ quân 唐十八使君, Nhị thập bát cữu 二十四舅, Lí thập ngũ trượng 李十五丈 v.v…
          Một số đại văn nhân mà ai cũng biết cũng không ít người dùng chữ số để xưng danh, như: Lí Bạch 李白 là Lí thập nhị 李十二, Hàn Dũ 韩愈 là Hàn thập bát 韩十八, Lí Thân 李绅 là Lí nhị thập 李二十, Bạch Cư Dị 白居易 là Bạch nhị thập nhị 白二十二.
          Nhưng, thứ tự chữ số ở đây, đa phần không phải chỉ anh em ruột, mà bao gồm cả anh em họ, cũng có thể là anh em họ xa, thậm chí là anh em của phụ thân. Như Lí Bạch, thứ tự của ông không phải là “thập nhị”, mà chỉ do bởi thứ tự của phụ thân ông là “thập nhị” nên người đời gọi Lí Bạch là “Lí thập nhị”.
          Người thời Ngũ đại, đa số dùng chữ “Ngạn” để đặt tên. Có người đã thống kê, từ thời Ngũ đại đến đầu đời Tống, nhân vật lớn nhỏ dùng “Ngạn” để đặt tên, trong sử sách có đến hơn 145 người, trong đó, tên Ngạn Chương 彦章 có 11 người, Ngạn Uy 彦威 7 người, Ngạn Khanh 彦卿 7 người, Ngạn Tiến 彦进 4 người, Ngạn Ôn 彦温, Ngạn Xương 彦昌 3 người. Đương nhiên ở đây là có nguyên nhân văn hoá xã hội. Trong Thuyết văn 说文 có ghi:
Ngạn, mĩ sĩ hữu văn, nhân sở ngôn dã.
, 美士有文, 人所言也
(Ngạn là hiền sĩ tài đức xuất chúng, văn nhã được mọi người khen ngợi)
          Tên của người thời Tống đa phần dùng chữ “Lão” . Trong sử đời Tống và trong thơ văn thường gặp những tên như … Lão, … Tẩu, … Ông. Như văn học gia nổi tiếng Tô Tuân 苏询 hiệu Lão Tuyền 老泉, Âu Dương Tu 欧阳修 hiệu Tuý Ông 醉翁. Trong Khái dư tùng khảo 咳余丛考 của Triệu Dực 赵翼 đời Thanh có nêu dùng “Lão” để đặt tên: Hồ Đường Lão 胡唐老, Lưu Đường Lão 刘唐老, Mạnh Nguyên Lão 孟元老, Trần Triều Lão 陈朝老, tổng cộng 19 vị; dùng “Lão” để đặt tự: Tôn Tuỵ Lão 孙萃老, Lưu Lão 刘老, Hứa Tùng Lão 许崧老, Triệu Đức Lão 赵德老, tổng cộng 28 vị. Ngoài ra còn có một số dùng “Lão” mà không phân biệt được tên hay tự, như Lữ Biện Lão 吕辨老, Trương Mậu Lão 张茂老, Trâu Viên Lão 邹园老, Hà Quốc Lão 何国老, có 7 vị.
          Người thời Tống thích chữ “Lão” chữ “Ông” có quan hệ đến việc hoàng đế sùng tín Đạo giáo, ra sức thực hiện và sùng thượng cái học Hoàng Lão.
          Tên người vào cuối đời Thanh đầu thời Dân quốc, đa phần bộc lộ khuynh hướng tư tưởng và lí tưởng nhân sinh của mình, mang màu sắc chính trị rõ rệt.
          Khang “Hữu Vi” 有为” , lãnh tụ phái cải lương cận đại, nhìn thấy Trung Quốc thảm bại bởi Nhật, đã từng 7 lần dâng thư lên hoàng đế Quang Tự 光绪 yêu cầu biến pháp.
          Đàm Tự Đồng 谭嗣同 hiệu “Tráng Phi” 壮飞, một hiệu khác là “Hoa chúng tương sinh” 华众相生, nhà chính trị, nhà tư tưởng của chủ nghĩa cải lương cận đại.
          Hoàng Tuân Hiến 黄遵宪, đậu cử nhân thời Quang Tự. Từng làm đại sứ ở nước ngoài, tiếp xúc trực tiếp chủ nghĩa cải lương Minh Trị duy tân của Nhật và chế độ tư bản chủ nghĩa phương tây, xác lập được tư tưởng chủ nghĩa cải lương quân chủ lập hiến, về sau tham gia cuộc biến pháp năm Mậu Tuất. Từ tư tưởng đến hành động, quả thực ông đã thực hiện được “tuân hiến” (tuân thủ hiến chế).
          Ngoài ra, còn có Hoàng Hưng 黄兴 hiệu Khắc Cường 克强; Trần Thiên Hoa 陈天华 hiệu Tư Hoàng 思黄; Chương Bỉnh Lân 章炳麟 hiệu Thái Viêm 太炎 (dùng tên của Cố Viêm Vũ 顾炎武, chí sĩ kháng Thanh cuối đời Minh để tỏ chí hướng); Lâm Giác Dân 林觉民 (làm cho “dân” “tỉnh ngộ”) v.v… ngụ ý chính trị trong cách đặt tên rất rõ.
                                                                       Huỳnh Chương Hưng
                                                                       Quy Nhơn 22/7/2012

Dịch từ nguyên tác Trung văn
DANH TỰ DỮ THỜI ĐẠI
名字与时代
Trong quyển
BÁT TỰ HÔN NHÂN HỌC
八字婚姻学
Tác giả: Vương Trạch Thụ 王泽树
Thanh Hải nhân dân xuất bản xã, 2005.
Previous Post Next Post