Dịch thuật: Các "tể tướng" Trung Quốc trong thành ngữ

CÁC “TỂ TƯỚNG” TRUNG QUỐC
 TRONG THÀNH NGỮ

1- Sơn trung tể tướng (山中宰相) (Tể tướng trong núi)
          Đào Hoằng Cảnh (陶弘景) thời Nam triều sau khi ẩn cư trong núi, triều đình mỗi khi có đại sự đều sai người đến hỏi ý kiến ông, người bấy giờ gọi ông là “Sơn trung tể tướng”. Thành ngữ này hiện nay dùng để phiếm chỉ những người không đương chức mà vẫn mưu bàn chính sự.

2- Bạn thực tể tướng (伴食宰相) (Tể tướng chỉ biết ăn)
          Lô Hoài Thận (卢怀慎) và Diêu Sùng (姚崇) thời Đường đều làm tể tướng. Họ Lô cho mình là tài năng không bằng Diêu Sùng, mỗi khi có việc đều tìm cách chối từ không dám đảm nhận, ông bị mọi người gọi là “Bạn thực tể tướng”. Thành ngữ này về sau chỉ những người hiển quý chỉ biết ăn mà không dám làm.

3- Lộng chương tể tướng (弄獐宰相) (Tể tướng lộng chương)
          Người đời ai cũng biết tể tướng triều Đường Lí Lâm Phủ (李林甫) là một người “khẩu mật phúc kiếm” (口蜜腹剑) nhưng không biết ông ta còn là một người không rành chữ nghĩa. Có một lần khi Lí Lâm Phủ viết thư chúc mừng một người bà con sinh được con trai, đã viết “弄璋” (lộng chương) thành “弄獐” (lộng chương) (thời cổ, khi sinh con trai thì gọi là “lộng chương” 弄璋, chữ “chương” này viết với bộ “ngọc” chỉ một loại ngọc. Lí Lâm Phủ đã viết với bộ “khuyển” chỉ một loại dã thú ). Về sau người đời dùng “Lộng chương tể tướng” để gọi những kẻ quyền quý mà không có văn hoá.

4- Mô lăng tể tướng (模棱宰相) (Tể tướng ba phải)
          Vị tể tướng hơi có danh tiếng của triều Đường là Tô Vị Đạo (苏味道) từng nói với mọi người rằng:
          Xử sự bất dục quyết đoán minh bạch, nhược hữu thác ngộ, tất di cữu khiển, thường mô lăng dĩ trì lưỡng đoan khả hĩ.
          处事不欲决断明白, 若有错误, 必贻咎谴, 常模棱以持两端可矣.
          (Xử sự chớ có nhanh chóng quyết đoán minh bạch, nếu lỡ có sai sót tất sẽ bị khiển trách, cho nên phải dò tìm để nắm hai đầu mối)
          Năm đầu niên hiệu Khánh Lịch (庆历) đời Võ Tắc Thiên, ông giữ chức tể tướng, xử sự rất khéo nên người đời gọi ông là “Tô mô lăng”.

5- Thanh từ tể tướng (青词宰相) (Tể tướng thanh từ)
          Minh Thế Tông sùng tín Đạo giáo, thích thuật trường sinh, trong cung mỗi khi có lễ trai giới liền sai bề tôi chuyên về từ soạn thảo văn tế. Những bài văn này dùng mực son viết trên giấy thanh đằng (青藤), gọi đó là “thanh từ”. Các từ thần
như Lí Xuân Phương (李春芳), Nghiêm Nột (严讷), Quách Phác (郭朴), Viên Vĩ
(袁炜) đều nhờ dâng những “thanh từ” mà được sủng ái, cuối cùng làm đế tể tướng. Nhân đó, người đời gọi họ là “Thanh từ tể tướng”. Về sau thành ngữ này dùng để châm biếm những kẻ được thăng quan không theo con đường chính.

6- Miên hoa tể tướng (棉花宰相) (Tể tướng hoa gòn)
          Đại học sĩ (tể tướng) Lưu Cát (刘吉) đời Minh, rất giỏi thu vén cho bản thân mình mà không lo gì đến quốc sự, ngồi không mà ăn bổng lộc, chẳng có đóng góp gì. Khi bị gián quan đàn hặc, ông dựa vào hoàng đế, câu kết với hoạn quan dùng thủ đoạn trừ khử dần những gián quan, ở Nội các tròn 18 năm, người đời gọi ông là “Miên hoa tể tướng”. Gọi là “miên hoa” là lấy đặc tính “nại đàn” (耐弹) của loại hoa này (lấy chữ “đàn” là đàn hồi để chỉ “đàn hặc” ). Thành ngữ này phiếm dụ những quan lại may mắn trên đường sĩ hoạn.

7- Đan thanh tể tướng (丹青宰相) (Tể tướng hội hoạ)
          Hoạ sĩ Diêm Lập Bản (阎立本) thời Đường giỏi về tả chân, nổi tiếng cả trong triều ngoài nội, rất được Cao Tông ưa thích, năm 669 ông giữ chức Hữu tướng (右相). Suốt đời ông là một nghệ thuật gia, “không có phong thái của tể tướng”, không có tài năng về chính trị. Lúc bấy giờ, đại thần Khương Khác (姜恪) nhân vì chiến đấu có công được làm Tả tướng (左相), người đời bình luận rằng:
Tả tướng tuyên uy sa mạc, Hữu tướng trì dự đan thanh
左相宣威沙漠, 右相驰誉丹青
(Tả tướng ra uy nơi sa mạc, Hữu tướng lừng danh chốn đan thanh)
          Vì thế Diêm Lập Bản được người đời gọi là “Đan thanh tể tướng”.

8- Khu lư tể tướng (驱驴宰相) (Tể tướng đuổi lừa)
          Thời Võ Tắc Thiên, Vương Cập Thiện (王及善) tài năng tầm thường, làm quan đến chức Hữu tướng (右相), sau lại được đổi là Văn Xương tả tướng (文昌左相), người bấy giờ gọi ông là “chim cưu đậu ao phụng hoàng” (cưu tập phụng trì - 鸠集凤池). Thời gian tại vị, ông chẳng làm được việc gì, chỉ đưa ra một quy định: quan viên các bộ không được cưỡi lừa đến triều. Và để thực thi quy định này, ông sai người suốt ngày đuổi lừa, có lúc tự mình tham gia, cho nên có ngoại hiệu là “Khu lư tể tướng”.

9- Tam bất khai tể tướng (三不开宰相) (Tể tướng 3 không)
          Thời vua cuối cùng Lí Tùng Kha (李从珂) triều Hậu Đường thời Ngũ đại, Mã Dận Tôn (马胤孙) làm tể tướng. Nguyên tắc làm chính trị của ông là:
          - Vào triều ấn không mở (không quan tâm chính sự)
          - Gặp khách miệng không mở (không bàn quốc sự)
          - Về nhà, cửa không mở (không tiếp sĩ đại phu cùng quan viên thuộc hạ)
Vì thế người đời gọi ông là “Tam bất khai tể tướng”.
10- Tam chỉ tể tướng (三旨宰相) (Tể tướng 3 thánh chỉ)
          Thời Thần Tông triều Bắc Tống, Vương Khuê (王珪) làm tể tướng 16 năm, không làm được việc gì, chỉ có tác dụng là thượng truyền hạ đạt: Mỗi lần trình tấu chương của cơ quan mình cho hoàng thượng, ông quỳ tâu rằng: “Xin thánh chỉ”; tấu chương phê xong, quỳ tiếp nhận và nói: “Lãnh thánh chỉ”; xuất cung về lại cơ quan lại nói: “Đã được thánh chỉ”. Tóm lại, mọi việc ông đều dựa vào thánh chỉ, không có thánh chỉ làm không được, người đời gọi ông là “Tam chỉ tể tướng”.

11- Lãng tử tể tướng (浪子宰相) (Tể tướng lãng tử)
          Thời Tống Huy Tông, Lí Bang Ngạn (李邦彦) làm tể tướng, ngao du vô độ, hành vi phóng đãng, thích làm những dâm từ diễm khúc, tự hiệu là Lí Lưu Tử (李流子). Thân là tể tướng nhưng không quan tâm chính sự, chỉ biết hưởng lạc, tự xưng là:
Thưởng tận thiên hạ hoa, thích tận thiên hạ cầu, tố tận thiên hạ quan
赏尽天下花, 踢尽天下球, 做尽天下官
          (Thưởng thức hết hoa trong thiên hạ, đá hết cầu trong thiên hạ, làm hết quan trong thiên hạ)
          Vì vậy mọi người đều gọi ông là “Lãng tử tể tướng”.

12- Tất suất tể tướng (蟋蟀宰相) (Tể tướng ham dế)
          Cuối thời Nam Tống, Giả Tự Đạo (贾似道) vì có người chị được Lí Tông sủng ái mà leo lên đến chức tể tướng. Thời Độ Tông, nhân có công mà độc nắm triều chính, quyền lực khuynh đảo cả trong triều ngoài nội. 10 năm làm tể tướng, gây hoạ cho nước gây hại cho dân, hoang dâm vô độ, thường cùng với đám thê thiếp bò lăn ra đất đấu dế, lại còn dựa vào kinh nghiệm nuôi dế của mình mà viết ra bộ Xúc chức kinh (促织经). Người đời sau gọi ông là “Tất suất tể tướng”.

                                                                            Huỳnh Chương Hưng
                                                              Quy Nhơn ngày 13 tháng 5 năm 2012

Dịch từ nguyên tác Trung văn
TỂ TƯỚNG CHI TỐI
宰相之最
Trong quyển
TRUNG QUỐC CHI TỐI
QUỐC GIA CHÍNH TRỊ - LỊCH SỬ VĂN HOÁ
中国之最
国家政治 - 历史文化
Chủ biên: Lưu Chấn Vũ (刘振宇)
Kinh Hoa xuất bản xã, 2007.
Previous Post Next Post