Dịch thuật: Biết đâu hạc nội mây ngàn là đâu (2402) ("Truyện Kiều")

 

BIẾT ĐÂU HẠC NỘI MÂY NGÀN LÀ ĐÂU (2402)

          Hạc nội mây ngàn: Xuất xứ từ thành ngữ “Cô vân dã hạc” 孤云野鹤  / 孤雲野鶴 hoặc “Nhàn vân dã hạc” 闲云野鹤 / 閑雲野鶴, “Nhàn vân cô hạc” 闲云孤鹤 / 閑雲孤鶴hình dung người nhàn tản, không chịu câu thúc, không cầu danh lợi.

          Lưu Trường Khanh 刘长卿 đời Đường trong bài Tống phương ngoại thượng nhân 送方外上人 viết rằng:  

Cô vân tương dã hạc

Khởi hướng nhân gian trú

Mạc mãi Ốc Châu sơn

Thời nhân dĩ tri xứ

孤云将野鹤

岂向人间住

莫买沃州山

时人已知处

(Hạc nội cưỡi mây lẻ loi bay trên bầu trời

Há chịu ở chốn nhân gian?

Ông chớ có mua vùng Ốc Châu sơn nổi tiếng kia

Vì nơi đó mọi người đều biết rất rõ)

https://baike.baidu.com/item/%E9%80%81%E6%96%B9%E5%A4%96%E4%B8%8A%E4%BA%BA/10189834?fromtitle=%E9%80%81%E4%B8%8A%E4%BA%BA&fromid=6972628

          Và trong Toàn Đường thi thoại 全唐诗话 của Vương Mậu 王袤đời Tống có chép câu chuyện như sau:

          Tương truyền vào cuối đời Đường, tại huyện Lan Khê 兰溪 ở Vụ Châu 婺州 có hoà thượng Quán Hưu 贯休, tinh thông thư hoạ, về thơ càng nổi tiếng gần xa. Đương thời, Đông quân Tiết độ sứ trấn Trấn Hải 镇海 là Tiền Liêu 钱镠thống lĩnh vùng Lưỡng Chiết 两浙và vùng Hàng Châu 杭州. Quán Hưu mộ danh từ nơi xa Hồng Châu 洪州đến yết kiến, đồng thời làm một bài thơ đưa kèm theo danh thiếp. Trong thơ có hai câu:

Mãn đường hoa tuý tam thiên khách

Nhất kiếm hàn sương thập tứ châu

满堂花醉三千客

一剑霜寒十四州

(Hương hoa khắp nhà làm say lòng vô số tân khách

Một thanh gươm bén tiễu trừ thập tứ châu)

          Ý nói Tiền Liêu chiêu nạp rộng rãi nhân tài, uy danh và phẩm hạnh có đủ. Tiền Liêu cảm thấy “Nhất kiếm sương hàn thập tứ châu” chưa đủ khí thế, chưa thể hiện được chí hướng to lớn của mình, bảo Quán Hưu sửa lại là “tứ thập châu” mới gặp. Quán Hưu không chịu, đáp rằng:

Châu diệc nan thiêm, thi diệc nan cải, nhàn vân dã hạc, hà bất khả phi.

          州亦难添, 诗亦难改, 闲云野鹤, 何不可飞.

          (Châu cũng khó thêm, thơ cũng khó sửa, mây nhàn hạc nội, sao chẳng có thể bay được).

          Quan viên vào báo lại, Tiền Liêu thấy không thể, liền đổi sắc mặc đón tiếp.

http://zgfzmsw.com/lssb/2015/0530/55.html

          Trong Hồng lâu mộng 红楼梦 của Tào Tuyết Cần 曹雪芹 ở hồi thứ 120 có câu:

Độc hữu Diệu Ngọc như nhàn vân dã hạc, vô câu vô thúc.

独有妙玉如闲云野鹤, 无拘无束

(Chỉ có mỗi một mình Diệu Ngọc như mây nhàn hạc nội, không bị câu thúc)

Rồi đây, bèo hợp mây tan

Biết đâu hạc nội mây ngàn là đâu

(“Truyện Kiều” 2401 - 2402)

Hạc nội mây ngàn: Con hạc ở ngoài đồng nội đám mây trên rừng làm sao biết được tung tích?

(Đào Duy Anh: “Từ điển Truyện Kiều”, nxb Khoa học xã hội, Hà Nội – 1989)

Trong “Kim Vân Kiều” (Đoạn trường tân thanh) do Bùi Khánh Diễn chú thích, ghi rằng:

          Đường thi: Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản, bạch vân thiên tải không du du.

          唐詩: 黃鶴一去不復返白雲千載空悠悠

          (Thơ Đường: Hạc vàng đã đi không lại, mây trắng nghìn năm vẫn dằng dặc. Tức là sau mỗi người mỗi ngã)

(Sài Gòn: nxb Sống Mới, 1960)

Xét: Theo ý riêng câu 2402 này, Nguyễn Du đã liên tưởng đến thành ngữ “Nhàn vân dã hạc”.

Trong “Tư liệu Truyện Kiều  - Bản Duy Minh Thị 1872” do GS Nguyễn Tài Cẩn phiên Nôm, câu 2402 là:

Biết đâu hạc nội mây NHÀN là đâu

                                                     (Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, 2002)

                                                                 Huỳnh Chương Hưng

                                                                 Quy Nhơn 02/3/2021

 

Previous Post Next Post