Dịch thuật: Giữa dòng đập mái chèo xuống mạn thuyền

 

GIỮA DÒNG ĐẬP MÁI CHÈO XUỐNG MẠN THUYỀN

          Tổ Địch 祖逖là nhà quân sự nổi tiếng thời Đông Tấn, lúc trẻ đã nuôi chí lớn, sau khi thành niên, bác lãm quần thư, rất có tài cán. Tổ Địch một đời dồn sức cho việc bắc phạt, khát vọng khôi phục sơn hà phương bắc, cũng từng thu phục mảnh đất rộng lớn phía nam Hoàng hà, nhân do bởi các mâu thuẫn của nội bộ triều đình nên chưa thể thực hiện, khiến ông ưu phẫn thành tật. Năm 321 Tổ Địch bệnh và qua đời ở Ung Khâu 雍丘.

          Trước khi Tây Tấn sắp diệt vong, người Hung nô chiếm lĩnh trung nguyên, nhiều người phương bắc chạy đến phương nam tị nạn. Tổ Địch cũng vượt sông đến Kiến Khang 建康 (nay là Nam Kinh 南京), ông khuyên Tư Mã Duệ 司马睿 lúc bấy giờ chưa lên ngôi, nói rằng:

          Hiện bách tính trung nguyên bị Hung nô giày xéo, người người muốn vùng lên phản kháng, chỉ cần đại vương hạ lệnh xuất binh, phái chúng tôi đi thu phục vùng đất đã mất, nhân dân các nơi ở phương bắc nhất định sẽ nổi dậy hưởng ứng.

          Tư Mã Duệ nguyên trước đó chưa nghĩ đến việc khôi phục trung nguyên, nhưng dưới sự thuyết phục hai ba lần của Tổ Địch cũng đã đáp ứng lời thỉnh cầu, phái Tổ Địch làm Thứ sử Dự Châu 豫州 (nay là phía đông nam Hà Nam 河南và phía bắc An Huy 安徽), cấp một số lương thực và vải vóc làm quân phí, còn nhân mã và vũ khí bảo ông tự tìm cách.

          Tổ Địch dẫn mấy trăm hương thân đi cùng, tổ thành một đội ngũ, vượt ngang Trường Giang, bắt đầu bắc phạt. Đương lúc thuyền đến giữa dòng, Tổ Địch cầm mái chèo đập xuống mạn thuyền, thề trước mọi người rằng:

          - Tổ Địch ta nếu không thể tảo bình Hung nô, thu phục trung nguyên, thì quyết sẽ không qua con sông này nữa.

          Giọng nói mạnh mẽ và lời thề hào hùng của ông đã khích lệ các tráng sĩ đi cùng.

          Sau khi qua sông, Tổ Địch một mặt chế tạo binh khí, một mặt chiêu binh mãi mã, tụ tập hơn 2000 người, tiến phát về phía bắc. Đội quân của ông trên đường đi được sự ủng hộ của nhân dân, nhanh chóng thu phục được nhiều vùng bị mất. Ông thuyết phục cường hào vũ trang, đình chỉ nội chiến, cùng ông bắc phạt. Đội ngũ của ông ngày càng lớn mạnh.

          Một lần nọ, Tổ Địch và Đào Báo 桃豹 – tướng lĩnh của Hậu Triệu giằng co hơn 40 ngày, quân lương hai bên đều thiếu nghiêm trọng. Tổ Địch nghĩ ra một kế sách làm mê hoặc quân địch. Ông bảo quân sĩ dùng bao bố đổ đầy cát, tổ thành một đội ngũ vận chuyển lương thực tấp nập không dứt, vận chuyển đến Tấn dinh. Cuối cùng lại sai mấy binh sĩ vác mấy bao gạo, cố ý để cho binh sĩ của Đào Báo cướp lấy. Binh sĩ của Đào Báo cho là lương thực của Tổ Địch đầy đủ nên quân tâm dao động. Đào Báo vội hướng đến quốc chủ Hậu Triệu là Thạch Lặc 石勒 yêu cầu chi viện lương thực. Thạch Lặc phái binh dùng 1000 con lừa vận chuyển lương thực. Tổ Địch sớm đã biết được tin, bèn phái người giữa đường cướp toàn bộ lương thực của Hậu Triệu. Quân mã của Hậu Triệu không có lương thực, ngay trong đêm bỏ trận địa tháo chạy.

 

Phụ lục

          Tổ Địch 祖逖 sống vào thời kì Tây Tấn từ chỗ thống nhất đi đến suy vong, trải qua “Bát vương chi loạn” 八王之乱, “Vĩnh Gia chi loạn” 永嘉之乱, nhìn thấy một mảng sơn hà phía bắc rơi vào tay ngoại tộc. Lúc Tây Tấn diệt vong, Tổ Địch thống lĩnh thân tộc hương đảng mấy trăm nhà xuống phương nam, đến khu vực Giang Hoài 江淮 tị nạn. Tổ Địch không chịu sống yên với hiện trạng, muốn bắc phạt thu phục trung nguyên và cả một khu vực phương bắc. Triều đình Đông Tấn đương thời không hề ủng hộ bắc phạt, nhưng Tổ Địch không chịu bỏ, tự mình lập nên một đội quân bắt đầu bắc phạt, đồng thời từ trong tay Hậu Triệu đoạt lại một vùng đất đã bị mất. “Trung lưu kích tiếp” 中流击楫 (giữa giòng đập mái chèo xuống mạn thuyền) thể hiện quyết tâm bắc phạt của Tổ Địch, cùng với việc đối mặt với khó khăn quyết không thoái lui dũng khí, đáng để chúng ta học tập.

                                                        Huỳnh Chương Hưng

                                                        Quy Nhơn 15/01/2021

Nguyên tác Trung văn

TRUNG LƯU KÍCH TIẾP

中流击楫

Trong quyển

TRUNG QUỐC LỊCH SỬ CỐ SỰ (tập 4)

中国历史故事

Biên soạn: Sơ Dương Tả Tả 初阳姐姐

Trường Xuân: Cát Lâm văn sử xuất bản xã, 2015

Previous Post Next Post