Dịch thuật: Tế điệu Khuất Nguyên (tiếp theo) (Tư Mã Thiên)

 

TẾ ĐIỆU KHUẤT NGUYÊN

(tiếp theo) 

          - Tôi hỏi ông, một người vừa mới gội đầu xong, trước khi đội mũ, đầu tiên có phải là phủi bụi trên mũ không? Một người vừa mới tắm xong, có phải là cần thay y phục sạch không? Có thể thấy mọi người đều không muốn làm bẩn thân thể đã sạch của mình. Tôi thà nhảy xuống sông Mịch La, táng thân vào bụng cá chứ không chịu để nhân cách trong sạch của tôi bị thế tục nhuộm dơ.

          Thế là Khuất Nguyên sau khi viết thiên Hoài sa 怀沙 khúc chiết cảm động lòng người đã ôm khối đá nhảy xuống sông Mịch La tự tận.

          Ngày Khuất Nguyên nhảy xuống sông đúng vào ngày mồng 5 tháng 5 âm lịch. Bách tính nơi đó dùng nếp gói trong lá trúc lớn nấu thành một loại bánh gọi là “tông tử” 粽子 quăng xuống sông, để nếp đã nấu chín dán dính miệng cá lại, không ăn thi thể của Khuất Nguyên ..... Về sau mỗi năm vào ngày này, để tế Khuất Nguyên, bách tính nơi đó đều ném “tông tử” xuống sông. Từ đó, nước Sở có thêm một lễ tiết tràn đầy màu sắc dân tục, đó là Đoan Ngọ tiết 端午节. Người dân nơi đó nói rằng, Đoan Ngọ tiết là lễ tiết long trọng nhất của họ trong năm. Vào ngày này, bất luận nam nữ già trẻ đều tụ tập bên sông Mịch La, tưởng niệm Khuất Nguyên.

          Tư Mã Thiên cảm thấy, Khuất nguyên tuy sớm đã táng thân vào bụng cá, nhưng trong lòng mọi người, Khuất Nguyên luôn vĩnh viễn sống.

          Tư Mã Thiên cho chiếc thuyền mình đang ngồi từ từ trôi trên dòng nước,  trong lòng ngầm đọc mấy thiên Li tao 离骚, Thiên vấn 天问, Chiêu hồn 招魂Ai Dĩnh 哀郢 của Khuất Nguyên sáng tác, cảm khái vạn phần.

          Từ nỗi bất hạnh mà Khuất Nguyên gặp phải, Tư Mã Thiên liên tưởng đến Giả Nghị 贾谊, người mà ở vào những năm đầu của triều Tây Hán. Sau hơn 100 năm Khuất Nguyên trầm mình nơi sông Mịch La, thiếu niên Giả Nghị ở Lạc Dương 洛阳 cũng giống như mình, đến bên sông này nhìn dòng nước mà than khóc, đồng thời viết ra bài Điếu Khuất Nguyên phú 吊屈原赋 tình cảm dạt dào.

          Giả Nghị cũng là một thiếu niên đắc chí, văn chương viết vô cùng hay, lại là quan Bác sĩ 博士. Nhưng, nhân vì ông được Văn Đế 文信 sủng tín mà gặp phải sự phỉ báng sàm ngôn của các đại thần khác. Chẳng bao lâu sau, bi kịch lịch sử lại lặp lại một lần nữa, Giả Nghị bị đày đến Trường Sa 长沙, cuối cùng bi thương mà chết.

          Tư Mã Thiên nghĩ đến bi kịch của họ, ông rời thuyền, chân đạp lên bãi cỏ bên bờ sông, vừa bước đi vừa ngâm thơ văn của Khuất Nguyên và Giả Nghị. Khuất Nguyên và Giả nghị, hai bậc kì tài này sinh bất phùng thời, mang trong lòng niềm ai oán, rời khỏi nhân gian quá sớm, hai ngọn lửa sinh mệnh sáng đẹp, đương lúc rực rỡ lại đột nhiên bị tắt.

          Về sau, khi viết Thái Sử Công thư 太史公书, Tư Mã Thiên đã thể hiện sự sùng kính và đồng tình, viết thành Khuất Nguyên Giả Sinh liệt truyện 屈原贾生列传, ghi chép lại sự tích sinh thời của Khuất Nguyên và Giả Nghị.

                                                                                 (còn tiếp)

                                                                     Huỳnh Chương Hưng

                                                                     Quy Nhơn 18/11/2020

Nguồn

TƯ MÃ THIÊN

司马迁

 Tác giả: Đặng Tương Tử 邓湘子

Triết Giang thiếu niên nhi đồng xuất bản xã, 2006.

Previous Post Next Post