Dịch thuật: Những chuyện cười do tị huý gây ra

 

NHỮNG CHUYỆN CƯỜI DO TỊ HUÝ GÂY RA 

          Trong xã hội phong kiến, chế độ tị huý yêu cầu rất nghiêm ngặt, nếu phạm phải, nhẹ thì bị phạt, nặng thì sẽ bị bay đầu. Khoảng thời Càn Long 乾隆 triều Thanh, cử nhân Giang Tây 江西Vương Tích Hầu 王锡侯 phụng chỉ san cải khâm định Khang Hi tự điển 康熙字典, khi ông viết lại bộ Tự quán 字贯, đã đem miếu huý của Khang Hi 康熙, Ung Chính 雍正 cùng ngự danh của Càn Long 乾隆nêu ra, đồng thời lại xếp sau Khổng Tử 孔子. Điều này đã phạm vào cấm kị, xúc nộ hoàng đến Càn Long, kết quả, không chỉ Vương Tích Hầu bị xử trảm, mà nhiều người liên quan cùng tham gia biên soạn bộ sách đó cũng bị liên luỵ. Người đời sau khi nhắc đến chuyện này nói rằng:

Vương cử nhân hảo tâm thướng thư

Thư ngốc tử thân thủ dị xứ

王举人好心上书

书呆子身首异处

(Cử nhân họ Vương có lòng tốt dâng sách

Chàng mọt sách thân một nơi đầu một nẻo)

          Cho nên, trong xã hội phong kiến, không chỉ người đọc sách mà quan lại cũng phải cung kính cẩn thận đối với việc tị huý, ngay cả bách tính bình dân cũng không dám sơ sót. Đầu đời Đường, khi Đường Cao Tổ Lí Uyên 李渊tại vị, , nhân vì tổ phụ của ông tên Hổ , thế là chữ “hổ” phải tị huý, dụng cụ dùng để đi tiểu của dân quê lúc bấy giờ gọi là “hổ tử” 虎子, vì tị huý mọi người đã đổi gọi là “mã tử” 马子. Theo truyền thuyết, tên gọi “mã dũng” 马桶 (cái bô – ND) dụng cụ mà hiện tại sử dụng hoặc “trừu thuỷ mã dũng” 抽水马桶 (bô hố xí giật nước – ND) chính là từ lúc đó truyền lại. Người vùng Chiết Giang 浙江 gọi “gia tử” 茄子 (trái cà – ND) là “lạc tô” 落苏, đó là nhân vì thời Ngũ Đại Thập Quốc, Ngô Việt Vương Tiền Lưu 吴越王钱鏐 có người con bị khoèo chân, “qua tử” 瘸子 (người bị khoèo chân) và “gia tử” 茄子 âm đọc tương tự, thế là loại trái này không thể gọi là “gia tử” nữa, đành phải đổi gọi là “lạc tô”. Cách gọi này vẫn còn dùng đến nay. 

          Do bởi tị huý, mọi người khi dùng chữ viết chịu sự hạn chế, không thể không thay đổi phương thức biểu đạt, do đó mà gây ra nhiều phiền phức và chuyện cười.

          Mọi người ai cũng biết câu thành ngữ “Chỉ hứa châu quan phóng hoả, bất hứa bách tính điểm đăng” 只许州官放火, 不许百姓点灯 (chỉ cho châu quan phóng hoả, không cho bách tính thắp đèn) chính là do bởi tị huý mà ra. Thời Tống có một vị châu quan tên Điền Đăng 田登, để tị huý tên “Đăng” (nghĩa là lên), đã đem chữ (đăng nghĩa là đèn) đồng âm đổi thành chữ (hoả), gọi “điểm đăng” 点灯 là “điểm hoả” 点火. Đêm Nguyên tiêu, theo lệ thả hoa đăng, thế là châu phủ dán tờ cáo thị, viết rằng:

Bản châu y lệ, phóng hoả tam nhật

本州依例,放火三日

(Bản châu theo lệ, phóng hoả ba ngày)

          Mọi người theo chuyện cười đó đã làm ra câu thành ngữ trên.

          Trong tiểu thuyết Quan trường hiện hình kí 官场现形记  cũng có nói đến một câu chuyện cười về tị huý: Cù Nại Am 瞿耐庵 mới đến nhậm chức Hưng Quốc Tri châu 兴国知州, nghe nói nhà của Tri phủ cấp trên vừa mới có thêm tôn thiếu gia, liền biện một ít lễ vật đến chúc mừng, lễ vật là 64 đồng bạc, đồng thời viết lên tờ bẩm mấy chữ chúc mừng:

Hỉ kính lục thập tứ nguyên

喜敬六十元

          Nào ngờ, vị Tri phủ này vốn là người thuộc bát kì, tên là “Hỉ Nguyên” 喜元, còn tên của lão thái gia lại là chữ số, gọi là “Lục Thập Tứ” 六十四. Trên tờ bẩm chúc mừng vẻn vẹn chỉ có 6 chữ, mà lại viết ra hết tên huý của hai đời nhà Tri phủ. Kết quả, không cần suy nghĩ cũng có thể biết, cả tiền và tờ bẩm đều bị vứt hết.

          Thời Ngũ Đại, có một người tên Phùng Đạo 冯道 là ngũ triều nguyên lão. Ngày nọ, Phùng Đạo nhờ mạc liêu giảng Đạo đức kinh 道德经 cho ông nghe. Mở đầu Đạo đức kinh là câu:

Đạo khả đạo, phi thường đạo

道可道,非常道

          Chữ “đạo” trong câu đó chính là tên huý của ông ta, thế là vị mạc liêu đọc rằng:

Bất cảm thuyết, khả bất cảm thuyết, phi thường bất cảm thuyết

不敢说,可不敢说,非常不敢说

Dùng “bất cảm thuyết” 不敢说 (không dám nói) để tị huý chữ “đạo”. Phùng Đạo nghe qua cảm thấy buồn cười.

          Còn có một chuyện cười khác, Triều Tống có người tên Tiền Lương Thần 钱良臣, con của ông ta khi khi đọc bộ Mạnh Tử 孟子, để tránh tên huý “Lương Thần” của phụ thân, phàm gặp hai chữ “lương thần” 良臣 (bề tôi tốt) đều đổi sang “đa đa” 爹爹 (cha). Trong sách có câu:

Cổ chi sở vị lương thần, kim chi sở vị dân tặc dã.

古之所谓良臣,今之所谓民贼

(Xưa gọi là lương thần thì nay gọi là giặc hại dân)

          Người con khi đọc đến câu đó, theo lệ đọc thành:

Cổ chi sở vị đa đa, kim chi sở vị dân tặc dã.

古之所谓良臣,今之所谓民贼

          Tiền Lương Thần nghe qua dở khóc dở cười, không ngờ đứa con vì tị huý mà đem mình mắng thành tên giặc hại dân.

          Có người vị tị huý mà hành vi của họ gần như là si dại, thực rất buồn cười.

          Thời Bắc Tống có người thi nhân Từ Tích 徐积, do bởi phụ thân anh ta tên “Thạch” , nên anh ta cả một đời không dùng đến đồ bằng đá, đi đường gặp phải đá cũng tránh ra, qua cầu đá phải nhờ người cõng. May mà quê nhà anh ta đường đá không nhiều, nếu như ở miền núi chắc anh ta đành phải ngồi mãi trong nhà không ra ngoài.

          Cũng vào thời Bắc Tống, có một người tên Lưu Ôn Tẩu 刘温叟, do bởi phụ thân anh ta tên “Nhạc” , nên anh ta cả đời không nghe nhạc, bởi chữ và chữ đồng âm. Anh ta cũng không đến chỗ núi cao, bởi núi cao xưng là “nhạc” .

          Thi nhân Lí Hạ 李贺 triều Đường, nhân vì phụ thân tên Tấn Túc 晋肃, chữ (tấn) và chữ trong (tấn / tiến sĩ) đồng âm, mà bị bức phải bỏ cơ hội tham gia thi tiến sĩ. Hàn Dũ 韩愈 từng viết thiên quy khuyến Huý biện 讳辩, ông nói rằng:

          Phụ thân tên Tấn, con không đi thi tiến sĩ, thế thì ví dụ như phụ thân tên Nhân (lòng thương người), lẽ nào người con ngay cả “nhân” (người) cũng không thể làm sao.

          Nhưng Lí Hạ sợ phải mang tiếng bất hiếu, trước sau không bước đi xa hơn. Do bởi mất đi cơ hội mà cả đời Lí Hạ u uất, cuối cùng ôm nỗi hận sớm rời khỏi nhân thế.

                                                    Huỳnh Chương Hưng

                                                     Quy Nhơn 02/11/2020

Nguồn

TRUNG QUỐC NHÂN DANH ĐÍCH CỐ SỰ

中国人名的故事

Tác giả:  Trương Tráng Niên  张壮年

               Trương Dĩnh Chấn  张颖震

Sơn Đông hoạ báo xuất bản xã, tháng 9-2005

Previous Post Next Post