Dịch thuật: Thể lệ của sử thư

 

THỂ LỆ CỦA SỬ THƯ

1- Thể biên niên 编年

          Phương thức lấy thể biên niên ghi chép lịch sử sớm nhất khởi nguồn từ Trung Quốc. Như Xuân Thu 春秋, bộ sử thư theo thể biên niên sớm nhất hiện tồn ở Trung Quốc, tương truyền Khổng Tử 孔子 y cứ vào bộ Xuân Thu 春秋 do sử quan nước Lỗ biên soạn, chỉnh lí tu đính mà thành; Tả truyện 左传 là bộ sử thư theo thể biên niên tương đối hoàn bị đầu tiên của Trung Quốc, nguyên danh là Xuân Thu Tả Thị truyện 春秋左氏传, tương truyền là tác phẩm của Tả Khâu Minh 左丘明, sử quan nước Lỗ cuối thời Xuân Thu sáng tác để giải thích bộ Xuân Thu 春秋 của Khổng Tử, nói tắt là Tả truyện左传; Tư trị thông giám 资治通鉴là bộ thông sử theo thể biên niên đầu tiên của Trung Quốc, cũng là kiệt tác của thông sử theo thể biên niên của Trung Quốc, do Tư Mã Quang 司马光 (1019 – 1086) thời Bắc Tống chủ biên, trên bắt đầu từ Chu Uy Liệt Vương 周威烈王 năm thứ 23 (năm 403 trước công nguyên), dưới đến Chu Thế Tông 周世宗 năm Hiển Đức 显德 thứ 6 (năm 959) thời Ngũ Đại, ghi chép lịch sử 1362 năm, mất 19 năm mới biên soạn thành.

Bổ sung

          Thể tài sử thư Trung Quốc dựa vào thứ tự ngày tháng năm mà ghi chép, khởi nguồn vào thời Xuân Thu, số lượng sử thư theo thể biên niên cực nhiều, nổi tiếng có Xuân Thu 春秋, Tả truyện 左传, Tư trị thông giám 资治通鉴. Ưu điểm của nó là tiện cho việc tra khảo thời gian cụ thể phát sinh sự kiện lịch sử, hiểu rõ mối quan hệ giữa các sự kiện lịch sử, đồng thời tránh được tự sự trùng lặp. Khuyết điểm của nó là kí sự dựa vào năm tháng phân ra trình bày, không thể tập trung tự thuật toàn quá trình của một sự kiện lịch sử, khó mà ghi chép những sự kiện không thể dựa vào năm tháng, thường chép rõ về sự kiện chính trị mà sơ lược về kinh tế văn hoá.

2- Thể kỉ truyện 纪传

          Một hình thức của sử thư Đông Á, là một loại thể lệ biên soạn sử thư lấy bản kỉ, nhân vật liệt truyện làm cương , thời gian làm vĩ , phản ánh sự kiện lịch sử.

          Đặc điểm nổi bật của sử thư theo thể bản kỉ là lấy một số lượng lớn truyện kí nhân vật làm nội dung, là sự kết hợp tiến một bước giữa kí ngôn, kí sự. Nhìn từ hình thức thể tài, thể kỉ truyện là sự tổng hợp của bản kỉ, thế gia, liệt truyện, thư chí, biểu. Bản kỉ, về cơ bản là thể biên niên, kiêm thuật sự tích đế vương. Thế gia, chủ yếu là ghi chép lịch sử của chư hầu và quý tộc. Liệt truyện, là truyện kí về các phương diện của nhân vật đại biểu. Thư chí, là lịch sử về điển chương chế độ và tự nhiên có liên quan, các phương diện xã hội. Biểu, là dùng để biểu thị tình huống xã hội rối rắm phức tạp và vô pháp, nhất nhất chép vào nhiều nhân vật ở liệt truyện. Ưu điểm là sử thư theo thể kỉ truyện đã đem những thể tài này phối hợp lại, hình thành một chỉnh thể bổ sung cho nhau trong một bộ sử thư. Nó vừa có sự hỗn hợp nhiều thể tài, lại có quy cách đặc thù riêng.

          Bộ sử thư theo thể truyện kí sớm nhất của Trung Quốc cũng là bộ sử thư ưu tú nhất của Trung Quốc là bộ Sử kí 史记 do Tư Mã Thiên 司马迁 thời Tây Hán biên soạn. Sử kí史记 bắt đầu từ Hoàng Đế 黄帝 trong truyền thuyết, đến đầu niên hiệu Thái Sơ 太初 đời Hán Vũ Đế 汉武帝 khoảng thời gian mà tác giả sinh sống, trên dưới 3000 năm, tổng cộng 130 thiên, thiên mục phân làm bản kỉ, biểu, thư, thế gia, liệt truyện. Bản kỉ lấy đế vương các đời làm trung tâm. Biểu là niên biểu đại sự, ghi chép lễ chế, quan chế cùng chế độ kinh tế. Thế gia, liệt truyện ghi chép các nhân vật lịch sử trọng yếu của các chư hầu quốc cùng những nhân vật trước thời Vũ Đế, dân tộc thiểu số, sử thực của các nước lân cận, trong đó thế gia và liệt truyện chiếm 100 thiên. Để hoàn thành bộ trứ tác đồ sộ này, Tư Mã Thiên phải mất hơn 20 năm, nhiều lần băng rừng lội suối đi khắp cả nước để khảo sát dân tục cổ tích, dốc hết tâm huyết của một đời. Giá trị tư liệu tư liệu cổ sử của Sử kí đặc biệt cao, có nhiều ghi chép trở thành tài liệu văn hiến trân quý cho việc nghiên cứu cổ sử của người thời nay. Sự phân tích và đánh giá sử thực của Sử kí cũng tương đối khách quan, có tính nhân dân và tính khoa học nhất định, ví dụ như để khẳng định tác dụng tiến bộ của lãnh tụ khởi nghĩa nông dân Trần Thắng 陈胜, ông dùng thể tài thế gia làm truyện cho ông ta, đây là điều ít thấy ở các sử gia cổ đại. Sử kí vừa là một bộ sử bất hủ vừa là một tác phẩm văn học ưu tú, Tư Mã Thiên giỏi dùng thủ pháp tối giản luyện để khắc hoạ hình tượng nhân vật, thậm chí Lỗ Tấn 鲁迅 gọi Sử kí là “Sử gia chi tuyệt xướng, vô vận chi ‘Li tao’ 史家之绝唱, 无韵之离骚’.”

          Nhưng Sử kí chỉ viết đến Hán Vũ Đế là dừng, cho nên đời Hán những tác phẩm tiếp tục bổ sung Sử kí xuất hiện, trong đó phải kể đến Hán thư 汉书 do Ban Cố 班固 soạn được hậu thế tôn sùng nhất, nó là bộ sử đồng đại theo thể kỉ truyện thuật lại sử sự của 229 năm thời Tây Hán. Từ sau khi Hán thư hoàn thành, lấy kỉ, biểu, chí, truyện làm hình thức chủ yếu, lấy đồng đại làm thể lệ sử thư, đã thành hình thức tiêu chuẩn để hậu thế biên soạn “chính sử”. Những bộ sử thư khác như “Nhị thập tứ sử” 二十四史 chính sử quan phương của Trung Quốc đều theo thể lệ của Sử kí, lấy thể kỉ truyện biên soạn mà thành. Nhị thập tứ sử còn có chí, biểu làm phụ lục. Một số sử thư của các nước như Triều Tiên, Nhật Bản cũng lấy thể kỉ truyện mà biên soạn thành.

          Nhưng thể truyện kí cũng có tệ đoan, tức “nhất sự nhi phục kiến sổ thiên, tân chủ mạc biện” 一事而复见数篇, 宾主莫辨 (một sự kiện mà thấy ở mấy thiên, chủ khách không phân biệt), phân ra thuật nhân vật, sự kiện lịch sử thì được phân ra ghi chép trong nhân vật truyện, nảy sinh khuyết điểm mâu thuẫn trùng lặp. Đến thời Nam Tống, bắt đầu xuất hiện thể kỉ sự bản mạt, khắc phục khuyết điểm của hai thể biên niên và kỉ truyện, tổng hợp ưu điểm của cả hai. ....

                                                                              (còn tiếp)

                                                                Huỳnh Chương Hưng

                                                                Quy Nhơn 25/11/2020

Nguồn

http://xh.5156edu.com/page/z6557m4509j20237.html

Previous Post Next Post