Dịch thuật: Dường gần rừng tía dường xa bụi hồng (1926) ("Truyện Kiều")

 

DƯỜNG GẦN RỪNG TÍA DƯỜNG XA BỤI HỒNG (1926)

          Rừng tía: “Tía” ở đây là màu tía, chữ Hán là “tử” . “Rừng tía” là dịch từ “Tử trúc” 紫竹. Nơi ảnh thờ hoặc trang thờ Bồ Tát Quán Thế Âm, hai bên thường có hai vế đối  như sau:

Tử trúc lâm trung Quán Tự Tại

Bạch liên toạ thượng hiện Như Lai

紫竹林中觀自在

白蓮座上現如來

(Trong rừng trúc tía có Bồ Tát Quán Tự Tại

Trên toà sen trắng hiện Phật Như Lai)

          Trong tín ngưỡng Bồ Tát Quán Thế Âm phỏ biến trong dân gian, người ta cho rằng, “tử trúc lâm” là đạo tràng của Bồ Tát Quán Thế Âm. Còn trên toà sen trắng là nơi ngự của chư Phật chư Bồ Tát.  Như vậy có thể hiểu ý nghĩa biểu đạt của cặp đối đó là, nơi đây là đạo tràng của Bồ Tát Quán Thế Âm, và Bồ Tát Quán Thế Âm đang ngự trên toà sen trắng.

Bụi hồng: chữ Hán là “hồng trần” 洪尘 / 紅塵, hàm nghĩa như sau:

1- Bụi đỏ bốc lên khi xe ngựa chạy qua. Như trong Tây Đô phú 西都賦 của Ban Cố 班固 đời Hán có câu:

Hồng trần tứ hợp, yên vân tương liên

红尘四合,烟云相连

(Bụi đỏ bốc lên tứ phía, khói và mây mù nối liền nhau)

          Và như trong bài Quá Thanh Hoa cung 过华清宫 của Đỗ Mục 杜牧 đời Đường có câu:

Nhất kị hồng trần phi tử tiếu

Vô nhân tri thị lệ chi lai

一骑红尘妃子笑

无人知是荔枝来

(Ngựa trạm phi nhanh bốc lên những đám bụi hồng, nàng phi tử đang cười

Không ai biết rằng quả lệ chi đã về đến Trường An)

2- Chỉ nơi phồn hoa đô hội: Trong bài Lạc Dương đạo 洛阳道 của Từ Lăng 徐陵nhà Trần thời Nam Triều có câu:

Lục liễu tam xuân ám

 Hồng trần bách hí đa.

 绿柳三春暗

红尘百戏多

(Liễu xanh cuối xuân dường u ám

Chốn bụi hồng kia ca vũ có nhiều)

          Và trong bài Tùng quân hậu kí sơn trung hữu nhân 从军后寄山中友人 của Vương Kiến 王建 đời Đường:

Dạ bán thính kê sơ bạch phát

Thiên minh tẩu mã nhập hồng trần

夜半听鸡梳白发

天明走马入红尘

(Nửa đêm nghe tiếng gà gáy dậy chải đầu tóc trắng

 Đợi sáng giong ngựa vào chốn bụi hồng)

3- Phật giáo và Đạo giáo gọi thế gian là “hồng trần”. Như trong Kim An Thọ 金安寿, màn thứ 4 của Giả Trọng Danh 贾仲名 đời Minh có câu:

          Nễ như kim thướng đan tiêu, phó giáng khuyết, bộ dao đài, tỉ hồng trần trung biệt thị nhất trùng cảnh giới.

          你如今上丹霄, 赴绛阙, 步瑶台, 比红尘中别是一重境界.

          Nay ngọc nữ lên chốn đan tiêu, về nơi giáng khuyết, dạo bước chốn dao đài, so với trong chốn hồng trần là một cảnh giới khác biệt.

          Và trong Tự thuật 自述 bài thứ 2 của Úc Đạt Phu 郁达夫:

Tiền thân túng bất thị Như Lai

Trích há  hồng trần dã khả ai

前身纵不是如来

谪下红尘也可哀

(Kiếp trước chẳng phải là Như Lai

Bị biếm trích xuống hồng trần cũng đáng buồn)

https://wapbaike.baidu.com/item/%E7%BA%A2%E5%B0%98/2377

Nàng từ lánh gót vườn hoa

Dường gần rừng tía, dường xa bụi hồng

(“Truyện Kiều” 1925 – 1926)

Bốn bề bát ngát xa trông

Cát vàng cồn nọ, bụi hồng dặm kia

(“Truyện Kiều” 1035 – 1036)

Sự đời đã tắt lửa lòng

Còn chen vào chốn bụi hồng làm chi

(“Truyện Kiều” 3045 – 3046)

Rừng tía: Tức là “Tử trúc lâm” là chỗ Bồ Tát Quan Âm ở, chỉ cõi Phật

Bụi hồng: Dịch chữ hồng trần. Hồng trần là chỉ cảnh phồn hoa đô hội (Từ nguyên), đây chỉ cảnh sinh sống tấp nập.

(Đào Duy Anh: “Từ điển Truyện Kiều”, nxb Khoa học xã hội, Hà Nội – 1989)

Xét: Ở câu 1926 và 3046, “bụi hồng” chỉ thế gian. Còn ở câu 1036, “bụi hồng” chỉ bụi đỏ khi xe ngựa chạy qua.

Trong “Tư liệu Truyện Kiều  - Bản Duy Minh Thị 1872” do GS Nguyễn Tài Cẩn phiên Nôm, câu 1035 là

TƯ bề bát ngát xa trông

Và câu 1925 là:

Nàng từ lánh DẤU vườn hoa

                                                     (Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, 2002)

                                                                 Huỳnh Chương Hưng

                                                                 Quy Nhơn 16/10/2020

 

Previous Post Next Post