Dịch thuật: Xe hương nàng cũng thuận đường quy ninh (1606) ("Truyện Kiều")


XE HƯƠNG NÀNG CŨNG THUẬN ĐƯỜNG QUY NINH (1606)
          Xe hương: chữ Hán là Hương xa 香车, xe được làm bằng gỗ thơm, ở đây phiếm chỉ xe hoặc kiệu trang sức hoa mĩ. Thành ngữ “Bảo mã hương xa” 宝马香车 hình dung ngựa xe trang sức hoa mĩ của hạng người giàu sang phú quý mỗi khi ra đường. Vương Duy 王维 trong bài “Đồng tỉ bộ Dương viên ngoại thập ngũ dạ hoài tĩnh giả quí” 同比部杨员外十五夜怀静者季 có câu:
Hương xa bảo mã cộng huyên điền
Cá lí đa tình hiệp thiếu niên
香车宝马共喧阗
个里多情侠少年
(Xe hương ngựa đẹp chen chúc ồn ào
Trong số đó có chàng thiếu niên đa tình hào hiệp)
          Và Vi Ứng Vật 韦应物trong bài Trường An đạo 长安道 cũng có viết:
Bảo mã hoành lai há Kiến Chương
Hương xa khước chuyển tị trì đạo
宝马横来下建章
香车却转避驰道
(Ngựa đẹp dàn hàng ngang đi về phía cung Kiến Chương
Xe hương lại chuyển tránh đường lớn)

          Quy ninh: con gái đã lấy chồng, về thăm lại cha mẹ. Xuất xứ từ chương 3 bài Cát đàm 葛覃 phần Chu Nam 周南 trong Kinh thi.
Ngôn cáo Sư thị
Ngôn cáo ngôn quy
Bạc ô ngã tư
Bạc hoán ngã y
Hạt hoán hạt phủ
Quy ninh phụ mẫu
言告師氏
言告言歸
薄汙我私
薄浣我衣
害浣害否
歸寧父母
Nói cho quản gia biết
Rằng ta muốn về nhà thăm cha mẹ
Vò sạch áo trong của ta,
 Giặt sạch áo ngoài của ta
(Đồ nào giặt, đồ nào không cần giặt
Để mặc về thăm cha mẹ)

Roi câu vừa đóng dặm trường
Xe hương nàng cũng thuận đường quy ninh
(“Truyện Kiều” 1605 – 1606)
Xe hương: chỉ cái xe của đàn bà quí phái
Qui ninh: Con gái đã về nhà chồng thăm cha mẹ
(Đào Duy Anh: “Từ điển Truyện Kiều”, nxb Khoa học xã hội, Hà Nội – 1989)
Trong “Kim Vân Kiều” (Đoạn trường tân thanh) do Bùi Khánh Diễn chú thích, ghi rằng:
Xe hương là xe đàn bà đi.
Qui ninh:
          Thi: Ngôn cáo sư thị, ngôn cáo ngôn qui
          : 言告師氏, 言告言歸
          (Kinh Thi: Nói cho bà Sư thị, nói xin chồng về thăm nhà)
(Sài Gòn: nxb Sống Mới, 1960) 

Xét: “Xe hương” ở câu 1606 này theo ý riêng, chỉ xe nói chung, không phải loại xe làm bằng gỗ thơm có chạm trỗ hoa mĩ.
Trong “Kim Vân Kiều” (Đoạn trường tân thanh) do Bùi Khánh Diễn chú thích và trong “Tư liệu Truyện Kiều  - Bản Duy Minh Thị 1872” do GS Nguyễn Tài Cẩn phiên Nôm, câu 1605 đều là:
VÓ câu vừa GIÓNG dặm trường
                                                     (Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, 2002)
Trong “Từ điển Truyện Kiều” bản in năm 2000, câu 1605 đã phiên âm lại là:
Roi câu vừa CHỈ dặm trường

                                                                  Huỳnh Chương Hưng
                                                                  Quy Nhơn 08/9/2020
Previous Post Next Post