Dịch thuật: Đào Khản tiếc thời gian

 

ĐÀO KHẢN TIẾC THỜI GIAN 

          Đào Khản 陶侃 là quân sự gia, danh tướng thời Đông Hán. Gia cảnh của ông bần hàn, nhưng dưới sự giúp đỡ của mẫu thân, Đào Khản nhận được sự giáo dục tốt đẹp. Đào Khản rất dụng công đọc sách, có được thành công trên con đường làm quan, từ một huyện lại bình thường đến một Đại tư mã thời Đông Tấn. Đào Khản chuyên cần chức lại, không thích uống rượu, cờ bạc nên nhận được sự khen ngợi của mọi người.

          Đào Khản陶侃, tự Sĩ Hành 士行, sinh vào năm Vĩnh An 永安 thứ 2 đời Tôn Ngô Cảnh Đế 孙吴景帝 thời Tam Quốc (259) trong một gia đình quan lại đã sa sút ở Tầm Dương 浔阳 (nay là Cửu Giang 九江 Giang Tây 江西). Phụ thân mất sớm, mẫu thân họ Trạm , là một phụ nữ hiền lương nổi tiếng thời cổ. Có được sự giáo dục vỡ lòng, có chút ít văn hoá, bà biết rõ đọc sách là việc trọng yếu, nhân đó bà đã dùng số thu nhập ít ỏi của mình từ việc dệt vải để cung cấp cho Đào Khản đi học, Nhưng, ban đầu Đào Khản không chuyên tâm lắm, rất ham chơi, lại còn thích đánh nhau! Trạm thị trên mặt lộ vẻ giận, trong lòng lo lắng, nhưng trong nhất thời chưa tìm ra cách.

          Một hôm trời mưa lớn, do vì không có nón, không có dù, Đào Khản không đi học, ngồi chơi bên cạnh khung dệt của mẫu thân. Trạm thị ngừng dệt, gọi con đến bên cạnh, nhẹ nhàng hỏi:

          - Khản nhi, ở trường thầy dạy con những gì?

          - Mẹ, thầy dạy chúng con đọc “Tích thời hiền văn” 惜时贤文.

          - Ồ!

          Đó là sách lớp vỡ lòng mà Trạm thị lúc nhỏ học qua.

          - Khản nhi, con có nhớ không?

          - Dạ nhớ.

          - Đọc cho mẹ nghe nào.

          - Dạ.

          Nói xong, Đào Khản liền chíu chít đọc lên. Khi đọc đến câu “Quang âm tự tiễn, nhật nguyệt như thoa” 光音似箭, 日月如梭, Trạm thị hỏi rằng:

          - Khản nhi, hai câu đó có ý nghĩa gì?

          - Dạ ...., đó là ..., chính là ...

          Đào Khản cả buổi không nói được. Trạm thị không giận, cũng không trừng mắt, mà chỉ vào cái thoi dệt vải trong tay mình, hỏi:

          - Khản nhi, đây là cái gì?

          - Dạ cái thoi.

          Tiếp đó Trạm thị hỏi:

          - Khản nhi, con xem cái thoi này lúc qua lúc lại có nhanh không?

          - Nhanh. Rất nhanh ạ.

          - Đúng rồi, ý nghĩa hai câu mà lúc nãy con đọc chính là nói, từng ngày từng ngày qua đi rất nhanh, giống như cái thoi, giống như tên bay vậy. Thật là nhanh! Mà như con hiện tại không chuyên tâm đọc sách, từng ngày từng ngày trôi qua mất, đáng tiếc, đáng tiếc.

          - Thật là đáng tiếc.

          - Đã là đáng tiếc thì phải làm sao?

          - Mẹ, con phải biết yêu tiếc thời gian, ra sức học tập.

- Đúng rồi con à, phải biết nghe lời, ra sức học tập.

          Về sau, việc đọc sách của Đào Khản dần dần tiến bộ, sau khi hiểu việc, ông học càng thêm khắc khổ, thường đọc sách đến nửa đêm. Sau này khi làm quan, Đào Khản cũng thường răn bộ hạ của mình:

          - Đại Vũ Thánh nhân mà còn tiếc thời gian, như chúng nhân, cần phải nên tiếc thời gian.

          Để kỉ niệm sự dạy dỗ của Trạm thị và tinh thần khổ công học tập của Đào Khản, người đời sau đã dựng “Đào Khản độc thư đài” 陶侃读书台 bên cạnh Bách Hoa tự 百华寺 cách Kim Thành 淦城 về phía đông nửa dặm (cũng viết là 百花寺), phía dưới nó có tên là “Tẩy Mặc tuyền” 洗墨泉.

                                                        Huỳnh Chương Hưng

                                                        Quy Nhơn 21/9/2020

Nguyên tác Trung văn

ĐÀO KHẢN TÍCH THỜI ĐÍCH CỐ SỰ

陶侃惜时的故事

Trong quyển

TRUNG QUỐC LỊCH SỬ CỐ SỰ (tập 4)

中国历史故事

Biên soạn: Sơ Dương Tả Tả 初阳姐姐

Trường Xuân: Cát Lâm văn sử xuất bản xã, 2015

Previous Post Next Post