Dịch thuật:Duyên Đằng thuận nẻo gió đưa (1531) ("Truyện Kiều")


DUYÊN ĐẰNG THUẬN NẺO GIÓ ĐƯA (1531)
          Trong “Tăng quảng hiền văn” 增广贤文, tập sách thu thập những cách ngôn, ngạn ngữ xưa nay của Trung Quốc có 2 câu:
Thời lai phong tống Đằng Vương các
Vận khứ lôi oanh Tiến Phước bi
时来风送滕王阁
运去雷轰荐福碑
(Thời vận tới mọi việc thuận lợi như được gió đưa nhanh tới gác Đằng Vương.
Thời vận qua đi, cục diện dù tốt cũng hoá thành xấu giống như sấm đánh bề bia ở chùa Tiến Phúc)
          Câu đầu điển xuất từ câu chuyện Vương Bột 王勃 thời Đường đi thăm phụ thân, truyền thuyết cho rằng, trên đường đi được thần gió giúp, đường tuy xa nhưng chỉ trong một đêm đã đến được Nam Xương南昌, và tại gác Đằng Vương 滕王 Vương Bột đã viết ra bài “Đằng Vương các tự” 滕王阁序 , nhờ đó mà nổi tiếng khắp thiên hạ.
          Câu sau điển xuất từ câu chuyện một thư sinh nghèo thời Tống, cuộc sống vô cùng khốn khó. Quận thú Nhiêu Châu 饶州 là Phạm Trọng Yêm 范仲淹rất thương tình có ý giúp. Trong chùa Tiến Phúc 荐福 ở Nhiêu Châu có tấm bia, chữ do Âu Dương Tuân 欧阳询 viết, thác bản tấm bia đó đương thời rất có giá. Phạm Trọng Yêm định thác một ít bản tặng cho anh chàng thư sinh nọ, nhưng không ngờ đêm đó sấm to đã đánh bể tấm bia.

Duyên Đằng thuận nẻo gió đưa
Cùng chàng kết tóc xe tơ những ngày
(“Truyện Kiều” 1531 - 1532)
Duyên Đằng thuận nẻo gió đưa: Lấy ý ở câu thơ “Thời lai phong tống Đằng Vương các” nghĩa là “lúc thời vận đến thì gió đưa đến Các Đằng Vương”. Chuyện Vương Bột đời Đường đi thăm cha làm quan ở Giao Chỉ, tối hôm trước thuyền còn ở ghềnh Mã Dương tỉnh An Huy, mà nhờ thuận gió, sáng hôm sau đã kịp dự yến ở các Đằng Vương thuộc tỉnh Giang Tây để làm bài phú nổi tiếng là (Đằng Vương các tự). Chỉ Thúc Sinh nhờ có duyên may nên được kết duyên với con gái ông thượng thư bộ Lại.
(Đào Duy Anh: “Từ điển Truyện Kiều”, nxb Khoa học xã hội, Hà Nội – 1989)
Trong “Kim Vân Kiều” (Đoạn trường tân thanh) do Bùi Khánh Diễn chú thích, ghi rằng:
          Cổ thi: Thời lai phong tống Đằng vương các
          古詩: 辰來風送滕王閣
          (Thơ cổ: Lúc vận tốt lại như gió đưa vào gác vua Đằng)

Xét:
          Đằng Vương các 滕王阁 (gác Đằng Vương) tại thành phố Nam Xương 南昌 tỉnh Giang Tây 江西 là một trong “Giang Nam tam đại danh lâu” 江南三大名楼. Em trai của Đường Thái Tông Lí Thế Dân 李世民 là Lí Nguyên Anh 李元婴 được phong ở Đằng Châu 滕州 làm Đằng Vương 滕王. Năm Vĩnh Huy 永徽 thứ 4 (năm 653) Lí Nguyên Anh tại Đằng Châu cho xây toà gác. Do Lí Nguyên Anh được phong là Đằng Vương nên toà gác này lấy tên là Đằng Vương các. Khoảng 20 năm sau, Đô đốc Hồng Châu là Diêm Công 阎公 cho trùng tu. Khi hoàn thành, ông mời các văn sĩ đến sáng tác thơ văn. Vương Bột đã sáng tác bài “Đằng Vương các tự” nổi tiếng vào dịp này.
          Trong “Kim Vân Kiều” (Đoạn trường tân thanh) do Bùi Khánh Diễn chú thích đã dịch “Đằng Vương các” là “gác vua Đằng”.
          Câu 1531 trong truyện Kiều, Nguyễn Du đã lấy ý từ câu “Thời lai phong tống Đằng Vương các”

                                                                  Huỳnh Chương Hưng
                                                                  Quy Nhơn 28/8/2020
Previous Post Next Post