Dịch thuật: Trăm nghìn đổ một trận cười như không (1304) ("Truyện Kiều")


TRĂM NGHÌN ĐỔ MỘT TRẬN CƯỜI NHƯ KHÔNG (1304)
Xuất xứ từ thành ngữ “nhất tiếu thiên kim” 一笑千金, một nụ cười đáng giá ngàn vàng.
          Chu U Vương 周幽王 sủng ái Bao Tự 褒姒. Bao Tự rất đẹp nhưng lại không thích cười. Chu U Vương nghĩ rằng, Bao Tự đẹp như thế mà lại không cười, quả thật là đáng tiếc. Thế là Chu U Vương sai người ra thông báo, người nào có thể làm cho Bao tự cười sẽ được thưởng ngàn vàng. Nhiều người đến thử, nhưng không có ai thành công. Có một đại thần tên Quắc Thạch Phủ 虢石父nghĩ ra một cách. Chu U Vương cảm thấy có lí liền sai người đốt lửa dùng để báo hiệu có chiến tranh trên phong hoả đài. Chư hầu vương các nơi thấy lửa báo hiệu liền vội vàng đem binh đến cứu, nhưng đã bị mắc lừa. Bao Tự trông thấy tình huống đó bèn mở miệng cười lớn. Thế là Chu U Vương ban thưởng cho Quắc Thạch Phủ ngàn lượng vàng.
          Thôi Nhân 崔駰 đời Hán trong bài Thất y 七依 có câu:
Hồi cố bách vạn, nhất tiếu thiên kim
回顾百万, 一笑千金
(Quay đầu lại nhìn đáng giá trăm vạn, nở một nụ cười đáng giá ngàn vàng)

Thúc Sinh quen thói bốc rời
Trăm nghìn đổ một trận cười như không
(“Truyện Kiều” 1303 – 1304)
Trong “Kim Vân Kiều” (Đoạn trường tân thanh) do Bùi Khánh Diễn chú thích, ghi rằng:
          Nguyên truyện: Thúc sinh gia thậm phú, dụng kim như thổ.
          原傳: 束生家甚富用金如土
          (Nguyên truyện: Thúc sinh nhà giàu tiêu vàng như đất)
(Sài Gòn: nxb Sống Mới, 1960)

Xét: Trong “Tư liệu Truyện Kiều  - Bản Duy Minh Thị 1872” do GS Nguyễn Tài Cẩn phiên Nôm, câu 1303 là:
Thúc sinh quen NẾT bốc rời
                                                     (Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, 2002)

                                                               Huỳnh Chương Hưng
                                                               Quy Nhơn 18/7/2020
Previous Post Next Post