Dịch thuật: Khúc Phụ Khổng Miếu

KHÚC PHỤ KHỔNG MIẾU

          Khúc Phụ 曲阜, “Đông phương Thánh thành” 东方圣城, là quê hương của Khổng Tử 孔子. Khổng miếu 孔庙 toạ lạc ở trung tâm Phụ Thành 阜城, là nơi các triều đại phong kiến Trung Quốc tế tự Khổng Tử - tư tưởng gia, chính trị gia, giáo dục gia vĩ đại.
          Khổng miếu có 2 cổng đặc biệt đáng để nhắc đến.
Thứ nhất là “Linh Tinh Môn” 棂星门, cũng gọi là “Thiên Điền Tinh” 天田门. Thời cổ tế Thiên, trước tiên phải tế Linh Tinh 棂星, Khổng miếu thiết trí cổng này, ý nghĩa là “tôn Khổng Tử như đồng tôn Thiên” 尊孔子如同尊天. Người đời sau tôn phụng Khổng Tử, nhân đó mà hai bên tả hữu trong sân đầu tiên của Khổng miếu, lần lượt dựng hai toà bài phường 牌坊 (1) bằng gỗ đối xứng nhau, bên đông đề “Đức mâu thiên địa” 德侔天地, bên tây đề “Đạo quán cổ kim” 道冠古今. Công đức thâm hậu có thể thấy rõ. 
          Thánh Thời Môn 圣时门 (2) được xây dựng vào năm Vĩnh Lạc 永乐 thứ 13, thiết kế cao lớn hoa lệ, từ vòm cổng nhìn vào bên trong, có cảm giác thâm sâu khó lường, bước qua cổng này, bỗng nhiên thoáng đãng, trước mặt một sân to với lớn tùng bách nối nhau thành tán, cỏ xanh mềm mượt.
          Ba chữ lớn “Chí Thánh miếu” 至圣庙trên bài phường trong Khổng miếu nổi bật hẳn lên. Đối với chữ “chí” , mỗi người có một cách lí giải khác nhau, “tư tưởng của Khổng Tử là chí  cao vô thượng” hoặc là “tư tưởng của Khổng Tử trước không có cổ nhân, sau không có người nối tiếp”. Bất luận như thế nào, cũng đều chứng minh sự nhận đồng và khẳng định của người đời sau đối với học thuyết của Khổng Tử. Tư tưởng của Khổng Tử ảnh hưởng đến quân vương các đời. Theo họ, nghiên cứu học tập tư tưởng Khổng Tử giống như hằng ngày ăn cơm và ngủ không thể thiếu được. Cho nên, nơi miếu đường có thể thấy rất nhiều bia đá được ngự tứ, đương thời, đó là biểu hiện của sự tôn trọng và vinh sủng của hoàng thất đối với người nhà họ Khổng.
          Bia đá lớn nhất trong Khổng miếu là của hoàng đế Khang Hi 康熙. Tầm bia Khang Hi ngự chế này, thân bia cùng với bệ tổng cộng 65 tấn, trên đường từ kinh thành vận chuyển đến Khúc Phụ, bách tính dọc đường đều quỳ bái giống như thấy được thánh chỉ, cảnh tượng thật tráng quan. Lúc bấy giờ đang là mùa đông, giao thông bất tiện lại thêm công cụ thô sơ, nhưng hoàng mệnh cao cao tại thượng, quan viên địa phương vẫn điều động hơn 300 dân công, hơn 200 trâu cày, 2 thân gỗ tròn áp đáy để bia đá bên trên lăn đi, nếu như đi không thông, sẽ đổ nước bên đường, sau khi kết băng, lợi dụng gỗ tròn đẩy đi, cốt chỉ mong có thể kính cẩn tuân theo hoàng mệnh, đến Khúc Phụ một cách thuận lợi ...

Chú của người dịch
1- Bài phường 牌坊: Một trong những kiến trúc văn hoá đặc sắc của Trung Quốc. Bài phường được dựng lên để biểu dương công lao, khoa cử, đức chính cùng trung hiếu tiết nghĩa trong xã hội phong kiến. Có một số cung, quán, tự, miếu lấy bài phường làm “sơn môn”; cũng có bài phường dùng để nói rõ địa danh, cũng gọi là “bài lâu” 牌楼. Bài phường là vật kiến trúc mang tính kỉ niệm, tuyên dương lễ giáo phong kiến, nêu gương công đức. Nó cũng là vật kiến trúc phụ thuộc của từ đường, thể hiện mĩ đức và công lao của tiên nhân, kiêm công năng tế tổ.
2- Thánh Thời Môn 圣时门: là “Chính Môn” 正门của Khổng miếu, xây dựng vào năm Vĩnh Lạc 永乐 thứ 13 triều Minh (năm 1415).
          Trong Mạnh Tử - Vạn Chương hạ 孟子 - 万章下 có câu:
          Mạnh tử viết: “Bá Di, thánh chi thanh giả dã; Y Doãn, thánh chi nhậm giả dã; Liễu Hạ Huệ, thánh chi hoà giả dã; Khổng Tử, thánh chi thời giả dã.
         孟子曰: “伯夷, 圣之清者也; 伊尹, 圣之任者也; 柳下惠, 圣之和者也; 孔子, 圣之时者也.
          (Mạnh Tử nói rằng: Bá di là người thanh cao trong số thánh nhân; Y Doãn là người gánh tránh nhiệm trong số thánh nhân, Liễu Hạ Huệ là người theo sự hoà trong số thánh nhân; Khổng Tử là người thức thời vụ trong số thánh nhân)
          Năm Ung Chính 雍正 thứ 8 (năm 1730), Thánh Thế Tông 清世宗 triều Thanh theo đó đã khâm định Chính Môn Khổng miếu tên là “Thánh Thời Môn” 圣时门.

Ảnh tư liệu trên mạng
  


Một dạng bài phường

                                                                       Huỳnh Chương Hưng
                                                                       Quy Nhơn 11/7/2020

Nguồn
KHÚC PHỤ KHỔNG MIẾU
曲阜孔庙
Trong quyển
TẨU BIẾN TRUNG QUỐC
走遍中国
“Đồ thuyết thiên hạ . Quốc gia địa lí hệ liệt” biên uỷ hội – Bắc Kinh
Bắc Kinh liên hợp xuất bản công ti - 2012
Previous Post Next Post