Dịch thuật: Đã nên quốc sắc thiên hương (825) ("Truyện Kiều")


ĐÃ NÊN QUỐC SẮC THIÊN HƯƠNG (825)
          Quốc sắc thiên hương: Ca tụng nhan sắc và mùi hương của hoa mẫu đơn,  khác với các loài hoa khác.
          Thời Đường, Đường Văn Tông Lí Ngang 唐文宗李昂 ra ngự hoa viên thưởng hoa, Trình Tu Kỉ 程修己 theo hầu. Trong vườn các loài hoa đều nở, tranh nhau khoe sắc. Văn Tông rất thích hoa mẫu đơn, bèn hỏi Trình Tu Kỉ về thơ truyền tụng hoa mẫu đơn trong đô thành. Trình Tu Kỉ đáp có thơ của Trung thư xá nhân Lí Chính Phong 李正封. Thơ rằng:
Quốc sắc triêu hàm tửu
Thiên hương dạ nhiễm y
国色朝酣酒
天香夜染衣
(Nhan sắc của hoa mẫu đơn giống như người đẹp sáng sớm uống rượu say hai má ửng hồng.
          Hương thơm của hoa mẫu đơn giồng như mùi hương từ thiên cung ban đêm bay xuống, thấm vào y phục)
          Văn Tông nghe qua tán thưởng không ngớt.
          Thành ngữ “quốc sắc thiên hương” về sau dùng để hình dung thiếu nữ có dung mạo xinh đẹp, tư thái dịu dàng.  

Đã nên quốc sắc thiên hương
Một cười này hẳn nghìn vàng, chẳng ngoa
(“Truyện Kiều” 825 – 826)
Quốc sắc thiên hương: Sắc nước hương trời, chỉ người tuyệt đẹp.
(Đào Duy Anh: “Từ điển Truyện Kiều”, nxb Khoa học xã hội, Hà Nội – 1989)
Trong “Kim Vân Kiều” (Đoạn trường tân thanh) do Bùi Khánh Diễn chú thích, ghi rằng:
          Thanh nhân hữu Quốc sắc thiên hương truyện: Nội tự tài tử giai nhân ngộ hợp chi sự.
          清人有國色天香傳: 內叙才子佳人遇合之事
          (Người nhà Thanh có truyện Quốc sắc thiên hương nói trai tài gái sắc cùng gặp gỡ nhau)
(Sài Gòn: nxb Sống Mới, 1960)

                                                                  Huỳnh Chương Hưng
                                                                  Quy Nhơn 01/6/2020
Previous Post Next Post